Nhà máy ‘3 tại chỗ’ - từ nơi an toàn thành ổ dịch như thế nào?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những chủ doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình “ba tại chỗ“ từng được đồng nghiệp ngưỡng mộ nhưng sau một tháng, họ như ngồi trên đống lửa khi nhà máy xuất hiện nhiều F0.
Nhà máy ‘3 tại chỗ’ - từ nơi an toàn thành ổ dịch như thế nào?
Khu vực cho công nhân ngủ tại một công ty may mặc ở miền Tây. Ảnh: Hoàng Nam.

Xem Video: Nhà máy ‘3 tại chỗ’ - từ nơi an toàn thành ổ dịch như thế nào?

"Được ngưỡng mộ" bởi để đáp ứng được yêu cầu ăn - ở - sản xuất tại chỗ theo mô hình "3 tại chỗ" này nhằm duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng rất khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực lo ăn ở cho công nhân rất lớn. Theo số liệu của 4 hiệp hội doanh nghiệp gồm, dệt may; da giày, túi xách; doanh nghiệp điện tử và Mỹ nghệ, Chế biến gỗ TP HCM, 90% doanh nghiệp đã đóng cửa vì không đáp ứng nổi.

Và sau chưa đầy một tháng thực hiện, nhiều nhà máy ở phía Nam áp dụng "ba tại chỗ" lại đang đối mặt dịch bệnh bùng phát từ bên trong còn các ông chủ doanh nghiệp "kẹt" ở thế "sản xuất không được, chữa bệnh cho F0 không xong".

Vissan là một điển hình. Ngày 28/6, công ty bắt đầu áp dụng cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc tại nhà máy. Vissan thường xuyên xét nghiệm Covid-19. Nhưng 19 ngày sau, tại lần xét nghiệm thứ tư trong một tháng (sau nhiều lần có kết quả âm tính toàn bộ), họ phát hiện 19 ca F0.

Vissan đã truy vết nhưng doanh nghiệp thừa nhận, đặc thù công việc phải tiếp xúc rất nhiều, từ nhân viên bán hàng, mậu dịch bên ngoài, phát sinh đổi trả hàng..., virus vẫn có nhiều kẽ hở để vào.

Công ty Việt Thắng Jeans cũng có bài học "xương máu" về khe hở khiến Covid-19 chui được vào nhà máy. 12 ngày sản xuất trở lại sau khi sàng lọc kỹ, một phân xưởng khi xét nghiệm nhanh đã phát hiện 19 ca dương tính trên 196 công nhân. Rà soát lại, họ phát hiện, một người bán nước trái cây qua hàng rào nhà máy dương tính 8 ngày trước đó.

Chủ một doanh nghiệp thừa nhận, khi vận hành, dù muốn dù không, các nhân viên vẫn phải giao lưu với xã hội bên ngoài, từ khâu xuất nhập hàng hoá đế cung ứng suất ăn... "Rõ ràng vẫn có nhiều kẽ hở để dịch bệnh lây lan mà nếu điều này xảy ra, các nhà máy lại trở thành ổ dịch lớn", người này nói.

Theo vị này, để giảm thiểu rủi ro, cần phải phân tán công nhân trên diện rộng trong khuôn viên nhà máy, theo từng phân xưởng để nếu có ca nhiễm, thì chỉ bị trên diện hẹp. Tuy nhiên, nhiều điều khoản trong điều kiện thực hiện "3 tại chỗ" đưa ra rất khó thực hiện và không hợp lý.

Ông Nguyễn Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cũng đồng tình. Ông lưu ý thêm đến vấn đề sai số trong xét nghiệm sàng lọc đầu vào.

"Độ chính xác của test nhanh chỉ 80-90%, thậm chí là 95% thì trong 100 công nhân chỉ cần có 5 ca chẳng hạn, trong 1 tuần cả nhà máy sẽ lây nhiễm hết", ông nói.

Theo ông, "3 tại chỗ" chỉ nên áp dụng ở thời điểm dịch bệnh chưa lây lan quá rộng, xác suất công nhân bị nhiễm bệnh thấp. Còn bối cảnh hiện tại dường như không còn phù hợp. Những hướng dẫn trước đây của chính quyền về "3 tại chỗ" cũng không đầy đủ.

Chỉ một số doanh nghiệp tổ chức phương án này từ rất sớm, khi dịch chưa đến nỗi nào, đến nay vẫn tương đối an toàn.

"Những doanh nghiệp áp dụng chậm hơn rất dễ bị vì khả năng công nhân ủ bệnh bị lẫn vào cao hơn", ông nói và nhận xét biến chủng mới có những trường hợp không có biểu hiện gì ở ngoài, đến khi kiểm tra thì phát hiện một loạt, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Bên cạnh việc F0 từ bên ngoài xâm nhập, các nhà máy "3 tại chỗ" còn gặp vấn đề khi các ca nhiễm tại nhà máy còn khó hỗ trợ đưa đi cách ly tập trung.

Tại Vissan, đến ngày 22/7, số lượng F0 đã tăng thêm 20 ca, nhưng doanh nghiệp cho biết hầu hết chỉ được cách ly tại công ty. Một ngày sau đó, số ca F0 của doanh nghiệp tăng thành 43 với hàng trăm ca F1, F2 và tiếp tục cách ly tại nhà máy trong khi khuôn viên công ty không quá rộng rãi. Đến khi doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền, các ca F1 mới được y tế đưa đi cách ly tập trung.

Một công ty quy mô lớn, doanh nghiệp châu Âu tại Đồng Nai, xin được giấu tên, cho biết F0 sau khi được phát hiện vẫn phải tự cách ly một tuần trong nhà máy. Chỉ đến khi phía Eurocham cầu cứu đến chính quyền, công nhân trong nhà máy mới được đưa đi cách ly.

Nhóm hậu cần đặc biệt ở nhà máy EsTec Vina dọn dẹp, bố trí lại khu ăn ở của 207 ca F0. Ảnh: An Phương.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, khoảng 3% doanh nghiệp còn sót lại trong ngành có thể đáp ứng được "3 tại chỗ" để sản xuất thì nay cũng đang "khóc ròng" vì phải lo cho F0 - những người này phải cách ly ngay tại công ty, nơi sản xuất. Điều này khiến cả doanh nghiệp ngưng trệ không sản xuất được.

"Chúng tôi biết cơ quan chức năng cũng đang rất đau đầu vì dịch bệnh bùng mạnh. Nhưng hãy hỗ trợ và để ý tới doanh nghiệp vì họ đang rất cố gắng để duy trì sản xuất", bà nói.

Theo ông Phúc, nếu không xử lý được vấn đề F0 ở các nhà máy, doanh nghiệp sẽ không thể trấn an được công nhân sản xuất. Thậm chí, nếu có thành phần kích động, gây rối, nhà máy sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro.

Trước những vấn đề này, ông Phúc cho biết, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia sản xuất đang chùn chân, không dám áp dụng 3 tại chỗ vì rủi ro quá lớn, trách nhiệm quá cao. Còn những doanh nghiệp đang thực hiện rồi thì cân nhắc giảm bớt công nhân sản xuất, thậm chí tính đến phương án dừng.

Tuy nhiên, việc giảm bớt hay dừng sản xuất cũng không hề dễ dàng.

"Muốn trả công nhân về nhà cũng phải tốn thêm một lần tiền xét nghiệm", ông Phúc nói. Vấn đề phát sinh là hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể là được sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR nên các địa phương có cách làm khác nhau. "Điều này tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Họ đến nay không phải tiến thoái lưỡng nan mà là đến đường cùng rồi", ông Phúc nói.

Để giải quyết, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, đặc biệt là những trường hợp đang tập trung trong các nhà máy "3 tại chỗ". "Họ cần được tiêm gấp", ông Phúc nói.

Điều này một mặt làm hạn chế dịch bệnh lây lan, mặt khác, nếu nhiễm virus sẽ giảm nguy cơ t‌ử von‌g, giúp tâm lý của công nhân được giải toả, yên tâm sản xuất để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Ngoài tiêm cho công nhân trong nhà máy, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần phải tiêm dọc theo chuỗi sản xuất, mà nhà máy chỉ là một mắt xích. Nếu cắt ngang theo từng khúc, virus có thể tấn công vào các khâu liên quan khác, như vận chuyển, bán lẻ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần có những điều chỉnh mới với chính sách 3 tại chỗ trong bối cảnh dịch ở phía Nam đang lan rộng.

Tính đến trưa 29/7, 150 doanh nghiệp ở Bình Dương, 9 khu và cụm công nghiệp tại Tiền Giang cho biết sẽ dừng thực hiện phương án "3 tại chỗ" - ăn, ở, sản xuất do phát hiện nhiều ca nhiễm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật