Shipper tắt app, hàng hóa ùn ứ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người dân ở TP.HCM giao hàng qua ứng dụng như Grab, Ahamove, Now… phản ảnh phải trả giá cước giao hàng tăng cao gấp 2-4 lần so với trước, giao hàng chậm hơn.
Shipper tắt app, hàng hóa ùn ứ
Shipper không qua được chốt kiểm soát tại huyện Nhà Bè, TP.HCM nên đã gọi khách ra chốt kiểm soát để nhận hàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kêu được xe mà thường xuyên bị hủy không lý do.

Vì giao hàng gặp trở ngại, nhiều siêu thị đã tắt app bán hàng online do quá tải, cũng như từ chối những đơn hàng khác quận, huyện... Các dịch vụ vẫn còn duy trì hoạt động như GrabMart (đi chợ hộ) và GrabExpress (giao hàng) của Grab, GoSend (giao hàng) của Gojek, NowFresh (đi chợ hộ) và NowShip (giao hàng) của Now cũng chỉ hoạt động từ 6h đến 17h hằng ngày, đơn hàng bị ùn ứ.

Người mua không được giao hàng

Chị Quỳnh Anh (quận 12) cho biết vẫn thường đặt hàng online tại siêu thị Co.op Tô Ký nhưng gần đây siêu thị không còn hiển thị trên app nữa nên phải chuyển sang một điểm bán khác cách nhà gần 3km để đặt hàng. Tuy nhiên, do siêu thị này nằm ở Gò Vấp, khác quận nên chị Quỳnh Anh bị từ chối nhận đơn.

Chuyển qua một siêu thị khác trong quận nhưng chị lại tiếp tục thất vọng vì siêu thị đang bị quá tải và hẹn "ngày mai quay lại". "Lên ứng dụng đa dịch vụ đặt các cửa hàng thực phẩm thì bị hủy vì không tìm được tài xế. Sốt ruột quá tôi đành ra siêu thị xếp hàng" - chị Anh cho biết.

Trong ngày 29-7, nhiều người gặp khó khăn khi đặt giao hàng vận chuyển từ quận này sang quận khác, các tài xế chủ động hủy đơn vì sợ bị phạt. "Bây giờ các tài xế chỉ dám chạy quanh quận mình ở, không dám đi xa nên mỗi ngày tôi chỉ còn vài cuốc xe giao hàng. Lúc này chỉ biết ráng thôi" - anh Thế, một shipper tại Thủ Đức, cho biết.

Theo quy định, shipper được di chuyển liên quận nếu giao hàng thiết yếu cho khu phong tỏa, khu cách ly nhưng nhiều shipper vẫn bị các chốt kiểm soát chặn, thậm chí xử phạt vì di chuyển ra khỏi phường, quận hoặc vì "vận chuyển hàng hóa không thiết yếu". 

"Việc kiểm tra, kiểm soát shipper giao hàng nhằm tuân thủ các quy định phòng chống dịch là hết sức cần thiết nhưng cần phải thống nhất, đặc biệt là khái niệm "hàng thiết yếu", bởi hoạt động vận chuyển đang gặp khó về vấn đề này" - ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN (Vecom), nói.

Theo ông Dũng, Vecom hoàn toàn ủng hộ những quy định nhận diện shipper để đảm bảo an toàn chống dịch nhưng không vì thế mà lại siết quá mức như việc hạn chế khu vực giao hàng. Bởi điều này làm cho việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. 

"Chúng tôi đề xuất đưa công nghệ vào quản lý shipper thông qua QR code, hoặc thẻ định danh nhân viên giao hàng. Thậm chí về đêm có thể dùng các tín hiệu phát sáng dễ dàng nhận diện để hoạt động sau 18h" - ông Dũng nói.

Shipper tắt app do ế khách, nguy cơ bị phạt

Chị Nguyễn Mỹ Chi (đường 20, Thủ Đức) gửi 4kg rau cho người thân ở đường Võ Văn Ngân qua ứng dụng Ahamove với khoảng cách 5km nhưng giá cước lên đến 70.000 đồng, dù trước đây chỉ 25.000 - 30.000 đồng. 

"Phí ship tăng cao nhưng gọi tài xế nhận cuốc cũng không phải dễ dàng. Tính tiền ship còn cao hơn giá trị mấy ký rau" - chị Chi nói. Đây không phải là trường hợp cá biệt, thời gian gần đây nhiều người dân cho biết không những đặt xe vận chuyển hàng hóa gặp khó hơn mà giá cước cũng tăng mạnh.

Các shipper cho biết cũng đang gặp khó. Theo quy định, shipper chỉ được giao các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế. Trong khi những đơn hàng của bên nhận đang ở khu cách ly hay phong tỏa, shipper phải chạy theo lộ trình ngoằn ngoèo, qua nhiều chốt chặn, tốn xăng và mất thời giờ. 

"Số lượng tài xế giảm mạnh, di chuyển khó khăn do phải vượt qua hàng loạt chốt chặn với nhiều nguy cơ bị phạt và rủi ro nhiễm bệnh nên giá cước tăng là điều khó tránh khỏi" - anh Minh, một shipper, nói.

Theo các doanh nghiệp nền tảng công nghệ, sau khi UBND TP.HCM yêu cầu các công ty quản lý phải đăng ký địa bàn hoạt động, giảm khoảng 10% số lượng người giao hàng và shipper phải có thẻ đeo hoặc dấu hiệu nhận diện, hoạt động vận chuyển hàng hóa theo các đơn hàng gặp khó hơn. 

Trên hội nhóm shipper tại TP.HCM, một số tài xế chia sẻ thông tin về việc bị lực lượng chức năng nhắc nhở, khó qua chốt vì không đủ đảm bảo các nhận dạng như thẻ tên, băng tay. Trước nguy cơ bị dính phạt và rủi ro nguy cơ nhiễm bệnh, nhiều tài xế đăng bài kêu gọi đồng nghiệp tắt app, dừng công việc.

Anh Hiệp, tài xế Ahamove, cho biết công ty đã đăng ký danh sách và cấp QR code nhưng việc trang bị thẻ tên, băng tay... là do tài xế tự trang bị. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, nhiều tài xế không tìm được nơi để in cũng như chưa có băng tay nhận diện theo quy định mới của UBND TP.HCM. 

"Nhận đơn hàng đi giao là hồi hộp do không đủ các giấy tờ và điều kiện nhận dạng shipper, qua các chốt dễ bị dính phạt. Trước đây 80 - 90% đơn hàng chủ yếu là liên quận. Giờ gò bó địa bàn hoạt động và thời gian trước 17h phải tạm ngưng nên ảnh hưởng thu nhập rất nhiều" - anh Tâm nói và cho rằng thấy nhiều shipper tạm dừng chạy nên cũng tắt app ở nhà.

Giá cước tăng 2-3 lần để kéo shipper?

Theo đại diện Grab, Gojek và Ahamove, do số lượng tài xế bị "siết" giảm 10 - 20% so với trước đây, các đơn vị này đang đẩy nhanh việc tạo QR code cho tài xế, hiển thị đầy đủ thông tin về tài xế như họ tên, số CMND, khu vực đăng ký hoạt động chỉ trong một địa bàn quận, huyện. Tài xế hoạt động hợp lệ sau khi nhận được tin nhắn xác nhận từ Sở Công thương và cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi về phản ảnh của khách hàng, các doanh nghiệp nền tảng công nghệ này thừa nhận họ buộc phải tăng cước phí giao hàng để khuyến khích shipper làm việc và hạn chế tình trạng shipper hủy đơn. Do một lượng lớn shipper phải tạm nghỉ việc, bị cách ly hoặc ở trong khu phong tỏa dẫn đến thiếu hụt shipper.

Ông Phan Tường Bách, giám đốc vận hành Ahamove, cho biết mức tăng phí cước giao hàng tùy vào thời điểm. Dù ứng dụng này tăng lượng shipper nhưng vẫn không đủ tài xế để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao. 

"Nhiều shipper cũng ngại ra đường, tài xế phải tự trả phí xét nghiệm, bị chặn ở chốt khi đang giao hàng, đối mặt với rủi ro, nguy cơ dịch bệnh nên nếu giá cước thấp quá thì shipper không nhận vận chuyển hàng, càng khó cho người mua hàng. TP.HCM có khoảng 100.000 đơn hàng/ngày, có thời điểm lượng đơn hàng tăng đến 300%, không đủ tài xế nhận đơn" - ông Bách giải thích.

Đại diện Grab VN cũng cho biết ứng dụng này đã kích hoạt hệ thống phân chia khu vực hoạt động giao nhận hàng của khách hàng và tài xế. Tài xế chỉ được hoạt động ở một quận đã đăng ký trước và không được di chuyển sang quận khác. Tương tự, khách hàng ở khu vực nào chỉ đặt được đơn hàng ở quanh khu vực đó.

Theo Grab, số lượng shipper hoạt động tại TP.HCM đã giảm và áp dụng phân chia giới hạn khu vực sẽ giúp giá cước vận chuyển "giảm nhiệt" hơn. Gojek cho biết mỗi ngày nhận hàng chục nghìn đơn hàng, nhu cầu tăng 5-6 lần so với thời gian trước, shipper thiếu hụt. Dù vậy, Gojek cam kết sẽ không tăng giá trong giai đoạn giãn cách tại TP.HCM.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật