Trồng sắn dây tiêu chuẩn GACP-WHO: Cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để việc áp dụng tiêu chuẩn GACP-WHO có hiệu quả không chỉ đòi hỏi người trồng thực hành tốt quy trình trồng trọt và thu hái mà cần có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định.
Trồng sắn dây tiêu chuẩn GACP-WHO: Cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm
Gia đình bà Cao Xuân Hồng ở xã Thanh An thu lãi từ 6-9 triệu đồng/sào sắn trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO

                                               Xem Video: ⚡ Phóng sự | Nông dân phá mía trồng sắn, thực trạng đáng lo ở Phú Yên
                                           

Hiện nay toàn tỉnh có gần 600 ha sắn dây, tập trung ở thị xã Kinh Môn và huyện Thanh Hà. Trong đó từ năm 2018 tới nay, một số hộ dân ở 2 địa phương này đã trồng 10 ha sắn dây (mỗi nơi 5 ha) theo định hướng dược liệu, áp dụng tiêu chuẩn GACP - WHO.

Năng suất, chất lượng đều tăng

Gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh ở xã Thanh An (Thanh Hà) là một trong 16 hộ tham gia trồng sắn dây theo hướng sản xuất dược liệu của xã. Chị Quỳnh trồng 3 sào sắn dây với 75 ụ to. Sau một năm, năng suất sắn dây của gia đình đạt từ 100-120 kg/ụ, tăng từ 30-40 kg/ụ so với cách trồng truyền thống. Giá bán cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg và bán chạy hơn vì củ to, lượng bột cao và trắng hơn. Nhiều gia đình ở xã tham gia mô hình này còn liên kết để thu mua và sản xuất bột sắn dây với giá bán từ 90.000-100.000 đồng/kg.

Vụ đầu tiên trồng sắn dây theo hướng mới, gia đình bà Cao Xuân Hồng (66 tuổi) ở xã Thanh An thu lãi trung bình 600.000 đồng/ụ (mỗi sào bà trồng 12-15 ụ). Theo bà Hồng, cách trồng này cho thu hoạch nhiều củ và làm bột dễ bán, thương lái chủ động đến mua ngay từ lúc mới dỡ. “Chúng tôi sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm sóc sắn dây. Chỉ cần trộn một lượng vừa đủ các chế phẩm này vào đất khi đánh ụ, đất tơi xốp trông thấy, sau cho củ mã sáng và mỡ. Kỹ thuật mới này còn giúp cây sắn dây tránh được bệnh nhện đỏ gây vàng lá, cây chậm phát triển, củ nhỏ và xấu”, bà Hồng chia sẻ.

Quan tâm liên kết bao tiêu sản phẩm

Việc trồng sắn dây theo hướng sản xuất dược liệu không còn mới nhưng người nông dân luôn trăn trở đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Dù bột sắn dây được tiêu thụ nhanh và nhiều nhưng giá cả thất thường, có năm bị thương lái ép giá. 

Gia đình anh Bùi Văn Thành (51 tuổi) ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) có kinh nghiệm 14 năm trồng và làm bột sắn dây. Năm 2018, anh thử trồng hơn 8 sào sắn dây theo tiêu chuẩn GACP - WHO, năng suất tăng từ 10-15% so với những năm trước, giá bán củ từ 8.000 đồng/kg, giá bột khoảng 110.000 đồng/kg. 

Theo anh Thành, bột sắn dây theo cách trồng này cho mùi thơm, vị đượm và mỗi cốc chỉ cần từ 4-5 thìa bột pha là đủ. Trong khi sắn dây chất lượng kém thì phải pha số lượng nhiều hơn nhưng mùi vị không thể ngon bằng. Song không phải người mua nào cũng thấy được sự khác biệt của chất lượng bột khi sử dụng. Do mức giá cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg nên nhiều người vẫn chọn loại bột chất lượng thấp. 

“Nếu không quy hoạch diện tích trồng thì sản phẩm bột sắn dây sản xuất theo hướng dược liệu dễ bị chèn ép trên thị trường do mức giá cao hơn. Hơn nữa, hiện có nhiều loại sắn dây từ Thanh Hóa, Quảng Ninh… có mặt ở thị trường Hải Dương với mức giá thấp hơn so với sắn dây Thượng Quận. Không phải ai cũng tinh ý nếm được chất lượng sắn dây. Có người làm nghề 10-20 năm khi bẻ củ sắn và nếm mới biết được chất lượng đạt hay không”, ông Đỗ Xuân Phương, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Quận bày tỏ.
Để việc áp dụng tiêu chuẩn GACP-WHO có hiệu quả không chỉ đòi hỏi người trồng thực hành tốt quy trình trồng trọt và thu hái mà cần có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật