Giữ gìn hương vị bánh hỏi truyền thống Gò Tre

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đời thứ 3 tiếp nối nghề làm bánh hỏi, chị Cao Thị Tới, ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang luôn cố gắng giữ gìn, phát huy và đưa hương vị bánh hỏi Gò Tre đến với nhiều thực khách hơn. Cũng chính nhờ nghề này mà gia đình chị Tới có được cuộc sống ổn định.
Giữ gìn hương vị bánh hỏi truyền thống Gò Tre
Các công đoạn làm bánh hỏi khá công phu.

Không phải bún, cũng không giống bánh cuốn, bánh ướt, bánh canh..., bánh hỏi là một món ăn có đặc trưng rất riêng. Món bánh hỏi từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng đất Gò Công, món ăn rất đỗi bình dân nhưng lại có sức quyến rũ lạ kỳ. Ghé thăm lò sản xuất bánh hỏi của chị Cao Thị Tới, bạn có thể tận mắt thấy từng công đoạn làm ra sợi bánh hỏi mềm và vị ngọt thanh nổi tiếng.

Chị Tới cho biết: “Cũng là bột gạo, cũng sợi nhỏ dài trắng nõn nà, nhưng khác với bún hay bánh canh, bánh hỏi có cách chế biến công phu hơn nhiều. Bột nhào kỹ cho vào khuôn, ép thành sợi nhỏ hơn sợi bún, cũng không được luộc chín mà ngắt thành từng đoạn ngắn, đem hấp cách thủy. Khi thành phẩm, sợi bánh hỏi đan vào nhau thành những tấm màng mỏng thật đẹp mắt, khiến cho miếng bánh có hương vị thật lạ miệng”.

Trước đây, lò bánh của chị Tới chủ yếu làm thủ công, nên vừa tốn công mà sản lượng bánh làm ra không nhiều. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm cộng thêm số tiền dành dụm được từ việc làm bánh, chị đã đầu tư mua các máy xay bột, đánh bột, ép khuôn bánh, với tổng giá trị gần 30 triệu đồng. Có được dây chuyền sản xuất bánh hỏi chị vừa tiết kiệm được thời gian làm bánh, mà chất lượng và sản lượng bánh cũng cao hơn.

Ngoài bánh hỏi chị Tới còn làm thêm bánh nghệ.

Chị Tới cho biết: “Với 20 kg gạo sẽ làm ra 30 kg bánh, trong đó có 20 kg bánh hỏi và 10 kg bánh nghệ. Trong ngày có đám tiệc, khách hàng đến đặt mua, tôi sẽ làm số lượng nhiều hơn”.

Với suy nghĩ làm bánh chất lượng để tạo niềm tin cho khách hàng, chị Tới đặt ra nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh: “Không phụ gia, không hó‌a chấ‌t, không hàn the” mà vẫn giữ được bánh hỏi thơm ngon và đảm bảo về giá trị dinh dưỡng.

Bánh hỏi Gò Tre có sợi bánh mền và vị ngọt thanh đặc trưng.

Làm bánh hỏi là nghề truyền thống của gia đình, nên chị Tới luôn tâm huyết là bánh làm ra phải bảo đảm dùng nguyên liệu tốt nhất và quy trình sạch. Mỗi loại bánh làm ra chị luôn hướng đến chất lượng cao nhất, mang đậm dấu ấn của người làm để khách hàng có thể ăn một lần nhớ mãi.

Chị Cao Huệ Mỹ, người chị cùng làm bánh hỏi, bánh nghệ với chị Tới hơn 10 năm nay chia sẻ: “Nghề làm bánh hỏi truyền thống vất vả, chỉ lấy công làm lời, chỉ những người tâm huyết với nghề mới làm. Bên cạnh mục đích kinh tế, chị Tới cũng như các chị em nơi đây duy trì nghề này nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa của nghề, giá trị văn hóa truyền thống trong bánh hỏi, bánh nghệ”.

Làm bánh hỏi vừa giữ gìn giá trị truyền thống vừa đem lại thu nhập cho gia đình.

Với mong muốn phát huy nghề làm bánh truyền thống, trong thời gian tới, chị Tới dự định sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh bánh, đầu tư thêm máy móc, thiết bị làm bánh và liên kết đưa sản phẩm vào các siêu thị trong và ngoài địa phương, xây dựng thương hiệu đặc sản “Bánh hỏi Gò Công”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Gò Công Nguyễn Thị Huỳnh Diễm cho biết: “Nắm được tâm tư, nguyện vọng của chị Tới trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống làm bánh hỏi, bánh nghệ, từ đó Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, thị xã đã hỗ trợ chị Tới để tham gia Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cấp tỉnh. Hội phụ nữ sẽ luôn động viên, tạo điều kiện, đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội để chị có thể vay vốn giải quyết việc làm, nhằm giúp cho cơ sở của chị có điều kiện phát triển tốt hơn”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật