Di tích Căng Bắc Mê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên cạnh những địa danh quen thuộc như cao nguyên đá Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, dinh họ Vương, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng…thì di tích Căng Bắc Mê nằm bên dòng sông Gâm xanh biếc cũng là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách đặt chân đến Hà Giang.
Di tích Căng Bắc Mê
Nhà làm việc trung tâm hiện tại.

Xem Video: Khu di tích Căng( nhà tù thời pháp) huyện bắc mê -Tỉnh Hà giang

//

Ngược dòng lịch sử

Căng Bắc Mê được xây dựng trên sườn núi Rồng, trước mặt là dòng sông Gâm, thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Vị trí của Căng Bắc Mê được thực dân Pháp chọn lựa xây dựng nhằm để kiểm soát và khống chế tuyến giao thông nối giữa ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng. Căng theo phiên âm tiếng Pháp có nghĩa là đồn, trại lính; Bắc Mê theo tiếng địa phương là Pác Mìa, có nghĩa là cửa ngòi. Căng Bắc Mê thực chất là nơi đóng trại lính và đặt chốt của thực dân Pháp từ trước năm 1938. Ban đầu ở trại lính này chỉ có một đội lính khố xanh đóng quân và một số cai đội người địa phương dưới sự chỉ huy của một viên sĩ quan Pháp.

Ngày 21/01/1940, Tổng thống Pháp Albert Lebrun ban hành Sắc lệnh thực hiện trên toàn cõi Đông Dương việc giam giữ những “phần tử nguy hiểm”, thực chất là để quản thúc các cựu tù chính trị đã được tha bổng trong thời kỳ trước… Thi hành Sắc lệnh này, ngoài những nhà tù, trại giam đã có từ trước như Hỏa Lò, Sơn La (Bắc Kỳ), Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Lao Bảo (Trung Kỳ), Khám Lớn (Nam Kỳ), nhà tù Côn Đảo,…, chính quyền Pháp tiến hành thiết lập một loạt các “căng”, trong đó căng Bắc Mê được thành lập theo Nghị định ngày 20/11/1940 của quyền Thống sứ Bắc Kỳ Rivoal.

Phối cảnh khu tượng đài, phù điêu Dự án Bảo tồn, tôn tạo.

Từ năm 1940 đến năm 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ,… và các tù nhân chính trị đã được tha bổng nhưng bị quy là “những phần tử nguy hiểm” lên đây để giam giữ. Số lượng tù nhân bị giam giữ ở đây đến cuối năm 1942 là 300 người. Trong đó có nhiều đồng chí như Xuân Thủy, Trần Cung (Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản,…

Mặc cho gông cùm khổ cực, khí hậu khắc nghiệt nhưng các tù chính trị vẫn tìm cách vận động đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hóa, bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, lo sợ phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và đấu tranh của tù chính trị trong Căng, sợ sự ảnh hưởng của tù nhân đến người dân xung quanh, thực dân Pháp đã giải tán Căng Bắc Mê.Phối cảnh khu tượng đài, phù điêu Dự án Bảo tồn, tôn tạo

Căng Bắc Mê là bằng chứng ghi dấu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộn‌g sả‌n trong nhà tù của chế độ thực dân.

Đường vào Căng Bắc Mê.

Điểm du lịch về nguồn

Qua dòng chảy của thời gian, di tích Căng Bắc Mê hiện không còn nguyên vẹn như xưa. Nơi đây chỉ còn lưu lại những dấu tích ghi ý chí cách mạng kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộn‌g sả‌n trong nhà tù đế quốc. Quần thể di tích lịch sử Căng Bắc Mê hiện nay gồm 3 khu vực: Trung tâm Căng, khu vực nhà Bang tá và khu vực kho muối thuộc thôn Bản Noong, xã Lạc Nông. Trung tâm Căng Bắc Mê được xây dựng với diện tích khoảng 2.500m2, gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho, nhà trưng bày, nhà bia, phòng giam đặc biệt… Xung quanh Căng có hệ thống tường thành bảo vệ kiên cố được xây bằng đá, dài khoảng 190m, cao 2m; cách mỗi 10m trên tường có các lỗ châu mai hình vuông. Bên trong di tích có các đồn bốt, vọng gác, nhà thông tin và nhà giam, các loài cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm tạo nên cảnh quan tĩnh lặng. Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Căng Bắc Mê từ năm 1992. Di tích lịch sử Căng Bắc Mê đã được trùng tu, tôn tạo vào các năm 2003 và 2009 với một số hạng mục như xây dựng nhà tưởng niệm, đắp tường, dựng vọng gác, trồng mới và tôn tạo hệ thống cây xanh…

Không chỉ là một điểm du lịch về nguồn trên mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, Căng Bắc Mê còn là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích bởi khung cảnh mang đậm dấu thời gian, màu sắc cổ kính trong một không gian tự nhiên tĩnh lặngbởi hoàn toàn không có các hoạt động thương mại. Nơi đây đã được nhiều bạn trẻ tìm tới để sáng tác những bộ ảnh nghệ thuật, ảnh dã ngoại, thậm chí là ảnh cưới theo một phong cách khác biệt. Khách du lịch trong và ngoài nước đến với Căng Bắc Mê không chỉ được tìm hiểu về một địa chỉ cách mạng mà còn có cơ hội đắm mình trong vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng với những cánh rừng xanh bạt ngàn, dòng sông Gâm hiền hòa với màu xanh lục đặc trưng của các dòng sông miền núi Hà Giang.

Phối cảnh nhà làm việc Trung tâm.

Sở VHTTDL Hà Giang hiện đang thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Căng Bắc Mê với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2020. Mục tiêu của Dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập truyền thống cách mạng, đồng thời phát triển kinh tế du lịch địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân… Các hạng mục đầu tư xây dựng bao gồm mở rộng khu vùng cảnh quan, cải tạo nhà trưng bày, nhà làm việc trung tâm, khu giam giữ, nhà bia, tái hiện khu vực làm gạch, nung vôi…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật