Ưu tiên nguồn vốn cho sản xuất

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong năm 2020, ngành ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai sẽ tập trung các nguồn lực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên, cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...
Ưu tiên nguồn vốn cho sản xuất
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

* Tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 1-2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt hơn 214,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 2% so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay có xu hướng tăng trưởng khá, chủ yếu cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và một số lĩnh vực ưu tiên.

Ông Nguyễn Xuân Song, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa chia sẻ, ngân hàng đảm bảo phát triển nguồn vốn theo các lĩnh vực ưu tiên với các mức lãi suất, thủ tục cho vay phù hợp theo quy định. Trong đó, hiện nay, riêng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 80% nguồn vốn cho vay trong khối doanh nghiệp của ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Đồng Nai cho hay, ngân hàng sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn vốn tín dụng trong các lĩnh vực như: sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa... Trong đó, nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp về xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, ngân hàng còn phát triển nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa với lãi suất ưu đãi...

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, thực hiện tốt các chương trình cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án, phương án có hiệu quả... bảo đảm cung ứng vốn kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh.

* Gỡ khó quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh nhưng vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với doanh nghiệp. Đại diện nhiều ngân hàng cho rằng nguồn vốn vay khá dồi dào, nhưng doanh nghiệp muốn vay được buộc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, phần lớn các doanh nghiệp của hội hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của các ngân hàng về chiến lược kinh doanh, công nghệ sản xuất, nhân công lao động... Trong đó, khó khăn lớn nhất của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là các điều kiện vay vốn vẫn chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Các ngân hàng cần lưu ý nhiều hơn việc đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để thẩm định, đánh giá điều kiện, phương án cho vay phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Song cho biết thêm, trong thời gian tới, BIDV chi nhánh Biên Hòa sẽ tiếp tục đổi mới, đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp. Đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với địa phương, các hội, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp...

Ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiết giảm chi phí để có mức lãi suất cho vay phù hợp, tiếp tục miễn, giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp theo đúng các quy định hiện hành...

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến cuối tháng 1-2020, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 43,1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cuối năm 2019, chiếm tỷ trọng hơn 20% so với tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 33,2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2019, chiếm gần 15,5% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật