Gặp những gia đình công nhân t‌ử von‌g trong sự cố cầu Cần Thơ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước lễ khánh thành cầu Cần Thơ, PV Báo CAND đã trở lại Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) - địa phương nổi tiếng của cả nước về đặc sản bưởi Năm Roi và đã chịu tổn thất lớn nhất sau khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26/9/2007 với 34 người chết và 41 người bị thương. Nén nổi đau riêng vào trong, hầu hết thân nhân của các nạn nhân bị t‌ử nạ‌n đều phấn khởi khi chiếc cầu mơ ước của người dân đồng bằng bấy lâu nay đã thành sự thật…
Gặp những gia đình công nhân t‌ử von‌g trong sự cố cầu Cần Thơ
Quên đi nỗi đau, ông Mai lo chăm sóc mảnh vườn của mình.
 

Chiều. Sông Mỹ Hòa nước lớn dâng lên. Từ con đường bê tông theo sát mé sông Mỹ Hòa, tôi lội bộ qua một vườn bưởi để đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tùng - một trong số 34 nạn nhân xấu số nhất của Mỹ Hòa. Tấm hình anh trên bàn thờ vẫn hiền từ, cười nhẹ trông buồn buồn. Tiếp chúng tôi là vợ anh - chị Ngô Thị Tốt. Khi chúng tôi đến, người phụ nữ 46 tuổi này đang vừa thổi lửa cho bữa cơm chiều, vừa coi bài vở của con gái mình.

Thắp xong nén nhang cho chồng, chị bộc bạch với tôi về những ngày anh Tùng về cõi vĩnh hằng: "Anh ấy là trụ cột của gia đình, thương vợ, thương con hết mực. Vì đang mắc nợ ngân hàng cả chục triệu đồng do nuôi heo thất bại nên ảnh mới đi làm công nhân công trình cầu Cần Thơ để ky cóp trả nợ. Ai dè, chưa kịp lãnh lương tháng thứ hai thì sự cố xảy ra".

Sau khi anh gặp nạn, con trai lớn của anh chị đã phải nghỉ học giữa chừng để đi làm mướn phụ chị. Con gái út lúc đó mới học lớp 4, suốt mấy tháng liền, hôm nào đi học về cũng ngồi khóc vì nhớ ba. Rồi nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của các tấm lòng hảo tâm, mấy mẹ con chị cũng nguôi ngoai vượt qua nỗi đau.

Ngoài việc lo cho con đi học, khoản tiền được hỗ trợ chị chi xài đúng mục đích. Chị nói với chúng tôi nguyên nhân khiến chị tâm huyết lo cái chữ cho con cái mình: "Phải động viên tụi nó ráng học hành để sau này không phải chịu cảnh nghèo, khó, phải đi làm thuê, làm mướn".

Mẹ của anh Tấn nói rằng dù bà thường khóc vì nhớ anh, nhưng thấy chiếc cầu sừng sững nối liền đôi bờ sông Hậu, bà mừng lắm.

Rời nhà anh Tùng, tôi hỏi đường đến nhà của anh Lê Minh Tấn. Người đàn ông dáng người nhỏ thó, gầy gầy đang tưới cây đu đủ bên hông nhà là cha của anh Tấn - ông Lê Văn Mai. Trước căn nhà do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Bộ GTVT xây tặng.

Theo lời ông Mai, Tấn là con lớn trong nhà; rất có hiếu và siêng năng. Trước khi gặp nạn, Tấn cùng em trai mình đi làm thuê ở Nông trường sông Hậu. Không được nhiều tiền, Tấn nghỉ và về xin làm công nhân công nhật cho cầu Cần Thơ. Tấn hay tâm sự là anh sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền xây cho cha mẹ mình một căn nhà cho lành lặn. Nhưng chưa được 3 tuần thì tới ngày định mệnh.

Mẹ anh Tấn vừa đưa cháu ngủ bên hiên nhà, nhớ lại: "Ngày trước đó, tui với ba nó mới đi cắt lúa mướn ở Đồng Tháp về. Sáng đó, nó nói nó bị viêm mũi nên tui kêu xin nghỉ làm một ngày để đi khám bệnh, mua thuốc uống nhưng nó bảo không sao, ráng làm chứ mới vô chưa được một tháng mà xin nghỉ kỳ quá. Nó đi, vợ chồng tôi cũng khăn gói đi làm nhưng chưa được bao xa thì nghe tin dữ".

Dừng kể câu chuyện cũ, ông Mai bộc bạch về tâm trạng của mình khi cầu Cần Thơ sắp hoàn thành. "Thì tụi tui cũng như bao người dân miền Tây thôi. Vui lắm. Chiếc cầu mơ ước bấy lâu nay đã thành sự thật. Có cầu rồi, dân mình không còn than khổ bởi cảnh chờ phà, kẹt phà. Mai mốt ĐBSCL của mình sẽ khấm khá lên cho mà coi".

Chị Tốt luôn chăm lo chuyện học hành của con mình.

Cũng như bao thân nhân khác của những công nhân xấu số, mấy mẹ con chị Tốt, vợ chồng ông Mai… những ngày này, tuy không nói ra nhiều nhưng trong lòng họ nhớ người thân mình lắm.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết, sau sự cố, nhờ tấm lòng của các Mạnh Thường Quân, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, hầu hết gia đình các nạn nhân đã vượt qua khó khăn, vươn lên, có cuộc sống ổn định. "Mừng nhất là hầu hết bà con đều sử dụng đồng tiền hỗ trợ đúng mục đích như mua thêm đất vườn, ruộng, mở rộng sản xuất; buôn bán nhỏ; cho con cháu tiếp tục đi học chữ, học nghề kiếm việc làm hoặc gửi ngân hàng cho con cháu. Đáng mừng nhất là hơn 60 học sinh là con, em của những nạn nhân được các cơ quan, tổ chức tài trợ học bổng đến hết các cấp học. Nhiều doanh nghiệp cam kết ưu tiên tiếp nhận vào làm việc sau khi các em này hoàn tất việc học hành. Số anh em công nhân bị thương nhẹ nay đã tìm được việc làm mới.  

Tôi phóng xe máy đi một vòng qua vườn bưởi Năm Roi của Mỹ Hòa và thấy thực tế đúng như lời lãnh đạo xã đã nói. Đường về 10 ấp đã được bê tông hóa, thông suốt; cả xã chỉ còn hơn 100 hộ nghèo. Tại trung tâm xã, một trường mầm non quy mô đạt chuẩn quốc gia cũng vừa mọc lên.

Đường ôtô nối liền trung tâm xã vào KCN - Dân cư Bình Minh cũng vừa được đưa vào sử dụng. Nhiều doanh nghiệp đã đến Mỹ Hòa tìm hiểu cơ hội làm ăn khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng (Hiện đã có 3 dự án vườn du lịch sinh thái đang xúc tiến triển khai)… Vết thương của Mỹ Hòa đã liền da. Người dân Mỹ Hòa thật sự phấn khởi trong khí thế của ngày hội lớn..

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật