Thoát chết nhờ giếng trời
Ông Đinh Hợp, chủ tịch xã Thượng Trạch kể rằng: Thời chiến tranh, đường 20 là điểm bị bắn phá ác liệt của tỉnh Quảng Bình. Nằm ngay bên con đường này, xã Thượng Trạch nhiều lần bị bom đạn Mỹ oanh tạc dữ dội.
Trong một lần mưa bom bão đạn, cả xã Thượng Trạch đã phải kéo nhau lên ngọn núi cao nhất đầu làng để tránh bom. Khi lên đến chót vót của đỉnh núi, hàng trăm người dân đã chọn vách đá làm nơi trú ẩn an toàn.
Thế nhưng, vừa thoát được bom đạn người dân lại phải đối diện với nguy cơ chết khát. Lúc chạy tránh bom chẳng ai còn nhớ đến một điều rằng trên ngọn núi này chẳng có lấy một giọt nước, chỉ đến lúc khát cháy họng mọi người mới hốt hoảng nhớ đến.
Bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ, hàng trăm người dân vẫn khát cháy cổ họng trên núi cao. Xuống làng sẽ bị chết vì bom, cố thủ trên núi sẽ chết khát. Sau nhiều ngày sống trong vô vọng nhiều người đã nghĩ đến cái chết đang chờ đợi trước mắt.
Đúng lúc đó như có thần linh mách bảo, mấy người dân leo lên trên ngọn núi đá cao nhất hướng mắt về bản làng đang mịt mù khói lửa thì bất ngờ phát hiện ra giếng nước. Với người dân Ma Coong, núi rừng là nhà, mọi lùm cây bụi cỏ họ đều nắm như lòng bàn tay thế nhưng khi gặp chiếc giếng ai cũng phải bất ngờ. Giếng lại nằm ở vị trí rất... ngược đời, đó là trên mỏm đá. Một mỏm đá nhô lên cao và ở giữa là chiếc giếng tròn vành vạnh, nước dâng cao trong veo.
Cả khu rừng không có nước, các vách đá không có nước ấy vậy mà trên ngọn núi đá lại mọc ra chiếc giếng, vì sự kỳ lạ đó nên người dân nơi đây gọi là "giếng trời". Điều lạ nữa là giếng nhỏ nhưng cả trăm người dùng vẫn không thể khô cạn.
Giếng kiêng... phụ nữ
Trong câu chuyện có một chi tiết nửa hư nửa thật đó là giếng rất "kỵ" những phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt hoặc những người mới sinh nở (?!).
Anh Đinh Toại, một người dân địa phương khẳng định chắc như đinh rằng đó hoàn toàn là sự thật. Ngày trước chính anh cũng chạy lên núi và sống nhiều ngày bên chiếc giếng.
Theo Đinh Toại, có lần, một người phụ nữ đến bên giếng để lấy nước, bất ngờ giếng sôi ùng ục, đang trong lành, bùn đất từ dưới giếng đùn lên khiến mọi người kinh ngạc. Chỉ khi người phụ nữ này rời khỏi giếng, nước mới thôi gầm rú và trong xanh trở lại.
Không chỉ một lần mà rất nhiều lần như thế, đi tìm nguyên nhân mọi người mới tá hỏa biết rằng, chỉ những người phụ nữ sau khi sinh và thời kỳ kinh nguyệt đến gần, giếng mới "nổi đóa" như vậy.
Chặt cây nứa dài 6 - 7m cắm xuống nhưng vẫn chưa thấy đáy giếng ở đâu. |
Anh Đinh Toại đã tình nguyện dẫn chúng tôi lên đỉnh núi xem giếng. Vượt qua những khu rừng thâm u rậm rạp vô vàn rắn rết, nơi có bạt ngàn những cây cổ thụ ba bốn người ôm không xuể, mấy tiếng đồng hồ sau mới lên đến đỉnh núi. Sau nhiều năm không có người lên núi, rừng cây giờ cũng rậm rạp hơn nên mất rất nhiều thời gian Đinh Toại mới định vị được vách đá nơi có giếng trời.
Sự xuất hiện chiếc giếng trên vách đá rất đúng với những câu chuyện chúng tôi đã được nghe. Giếng tròn, đẹp, nước trong xanh như có bàn tay của con người tạo thành. Chặt cây nứa dài 6 - 7m cắm xuống nhưng vẫn chưa thấy đáy giếng ở đâu. Chắc chắn giếng rất sâu.
Chiếc giếng kỳ lạ trên vách đá là có thật, chỉ riêng chuyện "kiêng khem phụ nữ" thì chúng tôi chẳng có cách nào để kiểm chứng.
Từ ngày có giếng trời, khu rừng này được gọi là rừng thiêng, người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt. Cả một khu rừng nguyên sinh rộng lớn che chở cho cả xã Thượng Trạch.
Ném trứng chọn đất
Thiếu tá Hoàng Văn Đức kể rằng, ngày mới chân ướt chân ráo đặt chân lên mảnh đất miền biên viễn này anh lập tức được đồng chí đồn trưởng nắn gân: "Trên này ma dữ lắm đồng chí ơi, lúc nào có người chết tôi dẫn đi mà xem, lạ kỳ như người ta làm... ảo thuật vậy".
Phong tục của người Ma Coong là khi có người chết, người cao tuổi nhất trong dòng tộc sẽ làm chủ lễ tang. Người ta không đào huyệt mộ trước như người dưới xuôi mà chỉ đến khi đưa xác người chết đến khu vực chôn cất, lúc đó mới tiến hành làm lễ tìm chỗ để đào huyệt mộ.
Theo đó, người cao tuổi của dòng tộc sẽ mang theo một quả trứng sống. Khi đến nơi người này sẽ khấn vái xin thần linh một chỗ đất để mai táng. Nếu tung quả trứng sống lên trời trứng rơi xuống đất không vỡ nghĩa là chỗ đó không được và ngược lại.
Giếng nhỏ nhưng cả trăm người dùng vẫn không thể khô cạn. |
Chuyện mới nghe thật hoang đường, trứng nào ném lên rơi xuống đất chẳng vỡ, thế nhưng đồng chí đồn trưởng quả quyết là có thật. Nhân một lần trong xã có người qua đời, đồn biên phòng đã kéo theo 20 người đi đám tang, thật ra là để kiểm chứng câu chuyện khó tin trên.
Khi đến vùng đất trống khô cằn, thiếu tá Đức chắc bẩm ném trứng lên rơi xuống kiểu gì chả vỡ tung. Mọi người chăm chú nhìn theo từng động tác của người chủ tế. Sau bài khấn vái, người này tung quả trứng sống lên trời, trứng rơi xuống lăn lông lốc mà chẳng chịu vỡ. Hướng về hướng khác lại tung lên, lần nữa lại không vỡ. Người này lắc đầu và phải nhiều lần tung lên rơi xuống trứng mới chịu vỡ và huyệt mộ được đào đúng vị trí ấy. Theo tập tục người Ma Coong, đó mới là điểm được chấp nhận.
Chưa thể lý giải
Vẫn chưa thật sự tin. Một lần khác xã lại có người chết, lần này thiếu tá Đức bí mật kiểm tra quả trứng trước khi ném và đúng là quả trứng gà sống bình thường. Người chủ tế lại là người cao niên trong dòng tộc chứ chẳng phải thầy mo nên chuyện gian lận được loại bỏ.
Hơn nữa, khi làm lễ anh Đức để ý rất kỹ là người này chỉ mặc áo cộc nên chuyện tráo đổi trứng cũng không có. Thế mà trứng ném cao cả chục mét rơi xuống lăn như một viên bi. Người chủ lễ có lúc ném quá tay trúng gốc cây vậy mà cả quả trứng văng ra mà chẳng hề hấn gì.
Người dân Ma Coong.vẫn lưu truyền những huyền thoại khó tin. |
Anh Đức cũng vài lần lấy trứng thử ném, bởi anh nghĩ hay là có cách ném nào đó trứng rơi đứng nên không vỡ. Thế nhưng, lần nào cũng vậy anh ném trứng đều vỡ dù chỉ ném cao bằng đầu người.
Đem câu chuyện ném trứng chọn đất cho người chết đến hỏi ông Đinh Hợp, chủ tịch xã Thượng Trạch, ông Hợp khẳng định là có. Còn việc trứng rơi không vỡ thì ông... cũng chịu. Có hay không có cách ném "tiểu xảo" nào đó, ông Hợp phủ nhận ngay: "Người chủ lễ là người trong dòng tộc, hằng ngày họ là nông dân bình thường. Chỉ đến khi có tang họ mới làm chứ có phải thầy mo chuyên nghiệp đâu mà dùng tiểu xảo này nọ".
Người dân Ma Coong tin rằng, ông trời đã tạo ra giếng để cứu họ và mảnh đất họ ở ngày nay cũng linh thiêng và đầy may mắn dù nó nằm tít tắp giữa dãy Trường Sơn bao la, nơi giáp với nước bạn Lào.