Về Thoọng Pẹ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thoọng Pẹ là một bản thuộc xã Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào). Thoọng Pẹ hiền hòa như chính những người dân nơi đây.
Về Thoọng Pẹ
BS Hùng đang khám bệnh cho bệnh nhân Và Sùng.

Con tao đau thì tao đưa đến!

Trạm y tế của bộ đội biên phòng Việt Nam đặt trên đất Lào nằm ở  bản Thoọng Pẹ. Cả trạm chỉ có 2 bác sĩ: 1 trạm trưởng, 1 trạm phó. Và đó cũng là tất cả nhân viên ở đây. Nói như cách nói của trạm trưởng Nguyễn Văn Hùng thì: "Cả thầy và tớ chỉ có 2 người".

Trạm trưởng Hùng đã có 11 năm công tác ở Đồn Bản Giàng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Từ cuối năm 2007 - khi bắt đầu xây dựng trạm y tế quân dân y kết hợp này, anh đã có mặt ở đây và gắn bó với nó cho tới giờ.

BS Nguyễn Văn Phương, trạm phó cho biết, trước đây cũng công tác ở Đồn Bản Giàng, nay sang đây công tác, nhưng vợ con vẫn ở Việt Nam, 3 - 4 tháng anh mới về nhà một lần. 2 đứa con (đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ lớp 4) đều một tay vợ chăm sóc, dạy dỗ. Vợ anh dặn chồng: "Cứ yên tâm công tác, miễn là đừng lấy vợ người Lào và ở luôn đó là được".

Chuyện khám bệnh ở đây cũng lắm cái tréo ngoe. Gần như không có thời gian riêng, bởi lẽ, chỉ có 2 bác sĩ trực, trong khi người bệnh có thể đến bất kỳ lúc nào. Có những lúc bệnh chỉ sơ sơ, nhưng 11h trưa hoặc 3h sáng dân đã đập cửa gọi.

Có lần các anh nửa đùa nửa thật dặn người dân: "Nếu không quá quan trọng thì đừng đến buổi trưa, để cho bác sĩ ngủ với chứ", chẳng dè người nhà bệnh nhân trả lời ngay: "Con tao đau thì tao đưa đến chứ!". BS Phương vẫn cười ngất: "Họ hiền hòa và thẳng thắn như thế đấy. Mình hơi ngỡ ngàng vì cách trả lời, nhưng đúng là đau thì mới đến chứ ai tự dưng đến làm gì!".

Vào mùa nắng, bệnh nhân ít hơn, nhưng vào mùa rét ở Việt Nam (tức là  ở Lào là mùa khô) bệnh nhân nhiều, chủ yếu là bệnh hô hấp và tiêu hóa. Có những ngày, thường vào mùa sốt rét, có tới 50 bệnh nhân tới khám, trong khi chỉ có 2 bác sĩ quân y phục vụ. bệnh nhân sốt rét có khi không đi được, phải người nhà cõng đến. Thời điểm bác sĩ bận nhất có lẽ là tháng 6, 7, khi ở Lào là đầu mùa mưa, sốt rét nhiều.

Có khi bệnh nhân nhiều, một người đến khám và nằm ở trạm y tế kéo theo 2 - 3 người nhà nữa, trưởng bản phải gọi vợ nấu cơm cho bác sĩ lẫn bệnh nhân và người nhà. Có những ca cấp cứu mà bác sĩ toát mồ hôi như khi trẻ con nghịch dại, cho đất nặn vào mũi, cô giáo bế đến mà cả cô và trò mặt tái xanh...

Những ca nặng, 2 bác sĩ ở đây sẽ cân nhắc cho chuyển viện, thường là chuyển về bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, bởi từ đây đến Viên Chăn gần 400km, trong khi về đến Hà Tĩnh chỉ hơn 100km.

Không có gì mà sợ bác sĩ!

Ông Vừ Sông Dở, Chủ tịch Mặt trận bản Thoọng Pẹ bập bẹ với giọng Việt chưa sõi: "Bộ đội biên phòng về giúp bản Thoọng Pẹ. "Nó" đề nghị với tỉnh cho thành lập trạm xá. "Nó" cử 2 cán bộ quân y về đây chữa bệnh cho dân ta. Bản có dân số 2.600 người mà không có quân y. Nay đã bỏ được mê tín dị đoan, dân đã tin ở viên thuốc và ăn chín uống sôi. Dân bản phấn khởi lắm!"...

Cán bộ bộ đội biên phòng và cán bộ Lào, phóng viên... chụp ảnh kỷ niệm.

Khi phóng viên có mặt, phòng bệnh đang có bệnh nhân người Lào tên Và Sùng, 70 tuổi, ở bản Na Hương cách đó 70 cây số.

BS Hùng cho biết, bệnh nhân bị co thắt đại tràng và suy nhược c‌ơ th‌ể. Qua phiên dịch là BS Hùng, người nhà bệnh nhân cho biết, ở gần nhà cũng có trạm y tế, nhưng đến khám mà chưa phát hiện ra bệnh. Hai mẹ con đến đây bằng xe máy. Hiện vẫn đau bụng nhưng đã đau nhẹ hơn... bệnh nhân Và Sùng cho biết thêm: "Trước đây hay chữa bệnh bằng thuốc lá. Nay biết có bác sĩ thì đến khám luôn. Không có gì mà sợ bác sĩ!"...

Theo lời bác sĩ cắm bản và cả cán bộ người Lào trong bản: Ở đây, bây giờ hầu như không còn tục cúng bái đuổi ma khi bị bệnh nữa. Nguyên do có nhiều, nhưng chuyện đáng kể nhất là: có ông thầy mo tên là Xăm Ka Long bị ốm, ho nhiều, khó thở phải lên đây chữa bệnh.

Các bác sĩ phát hiện ông bị viêm phế quản và điều trị khỏi bằng thuốc. Vậy là chính ông thầy mo này đã tự nguyện bỏ nghề thầy cúng, khuyên dân bản bị ốm phải đến đây tiêm, xin thuốc. Theo lời trưởng bản Vừ Sông Dở thì: "Nói, dân tin bởi đã có thực tế chữa bệnh".

"Mình là cán bộ Việt Nam"

Thoọng Pẹ yên bình. Thật bất ngờ khi trên đường xuống con dốc thoai thoải để lên ô tô về Việt Nam, chúng tôi gặp một ông cụ người Việt. Biết chúng tôi là người Việt Nam, ông cụ túm lấy chuyện trò không dứt.

Ông nói ông tên là Vừ Nhìa Bìa, 78 tuổi, người Mông, nguyên là cán bộ ở Việt Nam. Theo lời tự giới thiệu, ông Bìa nguyên là Chủ tịch xã Huổi Giản, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Năm 1958, khi Bác Hồ về thăm quê, ông là Trưởng ban thanh tra huyện Kỳ Sơn. Ông khoe lúc đó được gặp Bác, do là cán bộ miền núi nên ông được ưu tiên đứng gần, được Bác bắt tay. Bác căn dặn mấy lời mà đến nay ông còn nhớ rõ: "Những cán bộ đảng viên phải quan tâm đến đời sống nhân dân trước. Tất cả mọi người phải quyết tâm đánh Mỹ". Từ khi về hưu, ông sang đây sống với gia đình.

Ông Vừ Nhìa Bìa

Đã đến giờ phải lên xe để kịp về Việt Nam trước khi trời tối, nhưng ông Bìa vẫn bảo chúng tôi cố chờ rồi chạy vội vào nhà tìm tấm ảnh chụp với cán bộ cấp cao Việt Nam ra khoe. Chúng tôi chỉ kịp chụp lại ông và tấm ảnh rồi chạy mà nghe không rõ ông khoe chụp với cán bộ nào, ông đứng ở vị trí nào... bởi tiếng ông đã thoảng trong gió chiều.

Những nếp nhà Lào khuất xa. Về đến đất Việt Nam, vẫn nhớ lời BS Phương dứt khoát khẳng định khi được hỏi tại sao sang Lào công tác, có nhớ vợ con không...: "Người lính ở đâu cũng là phục vụ. Nhiệm vụ ở trên giao nên luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ".

Ở Thoọng Pẹ có 2 bác sĩ người Việt, có cán bộ người Việt đã về hưu sang đây sống và có những người Lào như thế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật