Ngày 22/4, Tiến sĩ Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã cho biết thông tin trên.
Ông Cường cho rằng, khi sửa đổi điều chỉnh các văn bản hiện hành sẽ có thể kéo giá thuốc xuống được. Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc chỉ khai báo giá CIF với cơ quan hải quan rồi đưa ra thị trường bán, cơ quan quản lý giá thuốc chỉ tiến hành hậu kiểm nên tạo sơ hở để các doanh nghiệp này lách quy định, hợp lý hoá giá thuốc ở mức cao.
Ông Cường cũng khẳng định đến nay, tình hình quản lý việc độc quyền mua bán một số sản phẩm tân dược, biệt dược đã tốt hơn, nhưng việc tăng giá bất thường, gấp 2-3 lần giá gốc như báo chí phản ánh có xảy ra ở một số nhóm biệt dược, nhưng không phổ biến. Hiện, thị trường dược phẩm của Việt Nam còn phụ thuộc vào 90% nguyên liệu nhập khẩu, trên 50% thuốc sử dụng phải nhập khẩu...
Do vậy, việc bình ổn giá thuốc phải đảm bảo bình ổn chung, đảm bảo đáp ứng đủ thuốc cho điều trị, không để tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp ly và tăng giá đồng loạt…
Hiện nay, ngành y tế đang tính đến phương án đặt thặng số đối với những nhóm thuốc có giá bất hợp lý, dự kiến khoảng 100-200 hoạt chất được sử dụng nhiều và danh sách này sẽ xem xét và thay đổi hàng năm.
Quản lý thặng số sẽ quản lý giá thuốc đến tận khâu bán lẻ và đấy là cơ sở để việc thanh kiểm tra xử phạt. Hệ thống phân phối thuốc lòng vòng sẽ tự triệt tiêu và giá thuốc sẽ không bị đẩy giá.