Tưởng như khó tin, nhưng “công nghệ” phù phép thịt ôi cực kỳ đơn giản, với nước muối loãng hoặc hoá chất Săm-pết giá 10.000 đồng/lạng mà tiểu thương khẳng định là có nguồn gốc nước ngoài, nhưng cụ thể là nước nào thì… lắc đầu không biết (!?).
"Làm xiếc" với thịt ôi
Trong những ngày lần theo dấu vết của nhóm đối tượng tiêu thụ thịt ôi, thịt ế với khối lượng không nhỏ, trung bình khoảng 7-10kg thịt, xương các loại, PV đã tiếp cận được một chủ hàng tên Thủy (quê Hà Tây).
Theo lời chị Thủy, bí quyết mà các chủ quán cơm bụi sử dụng để thịt hết mùi hôi hóa ra đơn giản không ngờ. Chẳng cần những gia giảm phức tạp, chỉ một nồi nước nóng để trần qua thịt, lập tức mùi hôi sẽ hết. Nếu muốn cầu kỳ hơn nữa, trước khi đem xào nấu, người chế biến chỉ cần rửa bằng nước lã pha với muối ăn rồi luộc qua thì thịt có ôi đến mấy cũng hết mùi.
Còn theo kinh nghiệm của bà Hương (chủ quán ăn ở phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), sau khi làm rửa sạch thịt ôi bằng nước muối, sử dụng những gia vị thông thường như Ngũ vị hương, hành, tỏi… để ướp, thịt chế biến xong sẽ có mùi vị thơm ngon như thịt tươi.
“Tất nhiên, các món được chế biến từ thịt ôi khi ăn thì thịt sẽ nhã, nhạt hơn”, bà Hương tiết lộ.
“Kỹ nghệ” bảo quản để thịt tươi lâu
Săm-pết, hóa chất dùng để "bảo quản" thịt tươi hàng tuần (ảnh T.H) |
Trong vai người mua hàng, PV đã đến chợ Đồng Xuân, Hà Nội, khu chợ được giới buôn thịt kháo nhau là điểm tập kết của Săm- pết, hay còn được gọi là “thịt ôi thần dược”.
Tại khu bán đồ khô trong chợ, khi PV đặt vấn đề cần mua loại hóa chất ướp thịt độc hại này, những người bán hàng tại đây cho biết, mấy ngày gần đây, cơ quan an toàn thực phẩm kiểm tra gắt gao nên họ không bày bán, “nhưng nếu muốn mua có thể đến cuối chợ, nơi ít bị kiểm tra hơn”.
Theo lời mách, PV tiến thẳng đến một cửa hàng gần giữa chợ, hỏi mua một ít Săm – pết để về ướp thịt. Hai cô bé bán hàng thuê tại ki-ốt này nhanh nhảu cho biết: “Sử dụng Săm-pết chị có thể để thịt hàng năm cũng không hỏng. Chỉ 10.000 đồng/lạng”. Tuy nhiên, khi hỏi về cách ướp ra sao để có thịt tươi lâu, cô bé này dè chừng và chỉ sang một bà cụ (khoảng 70 tuổi) ngồi cạnh, đùn đẩy: “Chị sang hỏi bà nhé. Bà mới biết nhiều, pha chế ra sao, chị cứ sang hỏi bà, em chỉ biết bán thôi”.
Ngoài chất Săm-pết dùng để bảo quản thịt, theo TS Nguyễn Xuân Lãng, nhiều người sản xuất thiếu hiểu biết đã trộn bột Cacbonnat Canxi (bột đá vôi dùng trong công nghiệp) để kẹo giòn lâu; dùng nguyên liệu Axit Acetic (có thể là phụ gia thực phẩm, hoặc chất dùng trong công nghiệp, chứa hàm lượng kim loại nặng lớn, sử dụng trong chế biến cao su) để làm dấm ăn; Giò chả để ngon, giòn hơn sử dụng hàn the. Và mứt, bún, phở, đồ hải sản muốn đẹp và lâu hỏng nhờ formon và các chất tẩy trắng.
Để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng, TS. Lãng cho rằng phải chặn ngay từ đầu nguồn các chất nguy hiểm đội lốt phụ gia thực phẩm, khi chúng còn là đơn chất (dễ phân tích), không đợi đến khi phải phát hiện chúng trong 1 hợp chất (sản phẩm tiêu dùng), thường rất khó khăn. |
Theo lời bà cụ, chỉ cần pha 1-2 thìa nhỏ Săm-pết với nước lã cho 1kg thịt, thịt sẽ không bị hỏng, giữ được màu trong 1 vài tuần. Về nguồn gốc của Săm – pết, bà cụ cho biết có xuất xứ từ nước ngoài nhưng cụ thể ở đâu thì không rõ (?!).
Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Kali Nitrat chỉ là một trong nhiều hoá chất công nghiệp được vô tình hoặc cố ý sử dụng như một nguyên liệu sản xuất, bảo quản thực phẩm, do rẻ hơn hàng trăm lần so với chất phụ gia thực phẩm cùng tính chất, giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Kali Nitrat đồng thời là chất chuyên dùng trong sản xuất phân bón, rất độc với người và có khả năng gây ung thư nếu ăn thường xuyên.
”Thị trường nước ta lưu hành song song những phụ gia có tính chất tương tự chất phụ gia trong danh mục được Bộ Y tế cho phép, nhưng bị cấm sử dụng cho thực phẩm, do ảnh hưởng sức khoẻ, thậm chí kịch độc với người dùng”, TS. Lãng khẳng định.
Theo những người dân sống trong khu vực chợ Vồ, những hàng thịt bày bán ở đoạn đường thuộc phường Quang Trung đa số là những hàng thịt “ế” từ các chợ trong nội thành Hà Nội kéo về. Tuy không rõ nguồn gốc ở đâu nhưng có thể khẳng định đây là mặt hàng kém chất lượng.
Qua khảo sát của PV, những hàng thịt “ế” dồn về đây hầu hết được bày bán rất mất vệ sinh. Các con buôn sử dụng những tấm bìa catton, bao tải dứa thay bàn. Thậm chí, chỗ bày bán thịt được đặt ngay cạnh miệng cống hay gần bãi rác.
Hiện nay, khu thịt ế tại chợ Vồ đã được giải tỏa, các con buôn thay vì bày bán tràn lan tại mặt đường (thuộc phường Quang Trung, Hà Đông, HN) đã ẩn nấp, lén lút bán trong khu chợ Vồ (thuộc phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội).
Do vậy, các mặt hàng bày bán tại đây có thể khẳng định là mặt hàng kém chất lượng dù chưa được kiểm định là có sử dụng chất bảo quản độc hại có tên Săm – pết hay không. Để bảo vệ sức khoẻ và mạng sống của người tiêu dùng, TS Lãng cho rằng phải chặn ngay từ đầu nguồn các chất nguy hiểm đội lốt phụ gia thực phẩm, khi chúng còn là đơn chất (dễ phân tích), không đợi đến khi phải phát hiện chúng trong 1 hợp chất (sản phẩm tiêu dùng), thường rất khó khăn.