Bánh uôi - món ăn tình yêu của người Mường

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bánh uôi được coi là một tác phẩm văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mường Hòa Bình. Có người tủm tỉm gọi nó là “bánh tình yêu”, có người lại gọi là “bánh đoàn kết”.
Bánh uôi - món ăn tình yêu của người Mường
Bánh uôi đặc sản của đồng bào Mường.

Người Mường gọi “bánh uôi” là “peẻng uôi”. Trong tiếng Mường, từ này không có nghĩa rõ ràng. Tìm đọc những ghi chép về lịch sử và văn hóa xứ Mường cũng chưa thấy một bút tích đáng tin cậy nào xác minh cho sự ra đời của cái tên dân dã này.

Bánh uôi làm từ bột gạo nếp, trong có nhân thịt hành hoặc đỗ xanh. Thoạt nhìn, hình dạng bánh khá kỳ lạ và lý thú với hai phần giống hệt nhau như sinh đôi, tròn tròn, ngắn ngắn, xâu lủng lẳng vui mắt bằng một dây lạt mềm. Bánh uôi tượng trưng cho tình yêu thương và tinh thần đoàn kết, là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Mường vào dịp Tết Nguyên đán.

Các công đoạn chuẩn bị gói bánh uôi khá đơn giản nhưng đòi hỏi thời gian và sự tỉ mỉ. Đầu tiên là chuẩn bị bột, gạo nếp càng dẻo thì bột càng ngon, chiếc bánh sẽ càng hấp dẫn. Vo gạo thật sạch, đổ vào chậu ngâm kỹ trong ít nhất ba giờ rồi mới vớt ra mẹt, tãi mỏng, để ráo nước và cho vào cối xay (hoặc giã) thành bột mịn. Tiếp theo là chuẩn bị nhân. Khâu này nhanh chóng hơn, chỉ cần tẩm ướp thịt theo đúng khẩu vị (sao cho thịt ngọt đậm và dậy mùi hạt tiêu) hoặc đơn giản là nấu chín hạt đỗ xanh đã tách vỏ, xong xuôi thì để sẵn ra bát. Việc chuẩn bị lá gói bánh cũng không có gì phức tạp, quan trọng là tìm được lá chuối rừng hoặc lá chuối tây để đảm bảo độ dẻo và thơm. Sau khi cắt thành từng tấm, người ta hong qua lá chuối trên bếp lửa cho mềm và dễ gói.

Khi gói bánh là lúc đôi tay khéo léo của người phụ nữ Mường được thể hiện. Bột hoà vào nước, trộn nhuyễn thành một khối trắng tinh, rồi xắt thành từng miếng nhỏ đủ để bao trọn lấy nhân bánh. Phần bánh nào nặn xong cũng giống hệt nhau. Nặn đến đâu thì gói luôn đến đó. Khi gói, đặt hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong tấm lá chuối, cuộn lại, xoắn nhanh và chặt tay rồi chập đôi hai đầu thành một, buộc đầu đó lại bằng một dây lạt mềm, cuối cùng cắt gọn cuống lá cho đẹp mắt.

Sau khi gói xong, xếp bánh đều đặn vào chõ theo chiều dựng đứng để bánh chín đều, hấp cách thuỷ trong khoảng 45 đến 60 phút rồi bắc xuống bếp, cho ngay ra mẹt.

Phải nói rằng cặp bánh uôi mang tới một cảm giác chờ đợi rất thú vị vì muốn nếm hương vị dẻo thơm đặc biệt của nó thì phải tước được lớp lá chuối bao bên ngoài. Có cảm giác bánh uôi muốn thử đến cùng độ kiên trì và khéo léo của người đang cầm nó trên tay khi cứ ẩn mình và dính chặt vào miếng lá. Tháo dây lạt ra, tách hai đầu lá đang che kín hai phần bánh, một tay bạn sẽ phải cầm lấy một đầu và tay còn lại thì từ từ tước dọc từng thớ lá. Vì bánh rất dẻo nên bạn phải tước thật nhẹ, thật nhỏ thì bánh mới không bị dính vào lá. Càng cẩn thận và khéo léo thì bạn tước càng nhanh. Chưa tước xong mà bạn đã muốn ăn ngay miếng đầu tiên để nhanh chóng được biết thế nào là hương vị hấp dẫn của một thứ đặc sản dân tộc.

Cặp bánh uôi còn gắn liền với một quan niệm dân gian thơm thảo của đồng bào. Đó là vào ngày đầu tiên của năm mới, người ta treo lên mỗi loại nông cụ như cuốc, cày, dao, liềm... một cặp bánh uôi (hoặc bánh chưng, bánh ống,...). Các con vật trong nhà cũng được ăn bánh hoặc chà bánh lên mõm. Hành động đó thay cho lời cảm ơn chân thành của con người đối với công cụ và gia súc sau một năm cùng họ lao động làm ra của cải. Đó cũng là biểu hiện sống động cho nhân sinh quan đầy tính nhân văn của người Mường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật