Thành Lộc: ’Đến với tôi hãy mang theo nén nhang’

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người đàn ông ấy bé nhỏ, nhanh nhẹn, tinh anh phát tiết, ăn mặc rất mốt và trẻ hơn cái tuổi xấp xỉ 50, đã nhiều năm ở trên đỉnh thành công và danh tiếng. Anh vừa mua được xe, đã xây được nhà, nhưng trong đôi mắt anh nhìn không có ánh sáng của niềm vui và sự mãn nguyện.
Thành Lộc: ’Đến với tôi hãy mang theo nén nhang’
NSƯT Thành Lộc. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

- Trong vở "Lôi Vũ", anh thủ vai Chu Xung - lúc đó anh trẻ măng và gầy guộc. Bao nhiêu năm đã qua rồi nhỉ?

- Gần hai chục năm rồi. Từ cuối năm 1989. Mau quá. Thời gian thay đổi, nhưng con người vẫn đầy ước mơ như Chu Xung, khát vọng về một thế giới lương thiện. Nhưng bây giờ tôi không mơ mộng như Chu Xung nữa, vì thế không bị điện giật chết như Chu Xung mà chỉ bị té gãy xương thôi.

- Anh nghĩ sao về việc vào Google, tìm tên Thành Lộc trên đó để biết mình đang "sở hữu" bao nhiêu kết quả?

- Chưa bao giờ. Tôi không đủ dũng cảm làm việc đó. Thực ra tôi rất dốt về Internet, chỉ biết mở mail, đọc báo điện tử và ra sức bảo vệ sự ngu đần đó của mình. 

- Với khoảng 500 vai diễn (kể từ lúc 8 tuổi đến nay), anh sinh ra đã là nghệ sĩ hay vì anh cố gắng để trở thành nghệ sĩ?

- Tôi tin con người do thượng đế tạo ra. Tôi là nghệ sĩ do sự phân công, sắp đặt của thượng đế, nhưng trở thành diễn viên kịch là lựa chọn của tôi. Tài năng nghệ thuật thuộc về sứ mạng, nhưng thành công là kết quả của trí tuệ và lao động. Tôi hoài nghi rằng, nếu tôi không là nghệ sĩ mà làm việc khác, thì công việc đó sẽ rất tệ và năng suất rất thấp.

- Báo chí gọi anh là phù thủy trên sân khấu, còn anh em trong nghề nói anh là "Quỷ". Quỷ ở đây là nghĩa gì vậy?

- Anh em trong sân khấu hay nói: "Thằng cha này là quỷ, không phải người, không điều gì ông ấy làm không được". Ý nghĩa của nó cũng rộng và mơ hồ phải không? Thật ra tôi nghĩ tên tuổi tôi trở nên bóng loáng là nhờ vào ngòi bút của nhà báo. Họ nhìn thấy ánh sáng từ tôi toát ra trong quá trình lao động nghệ thuật và viết lên báo. Còn tôi, tôi chỉ biết sân khấu và vai diễn. Phù thủy hay quỷ, tôi không rõ lắm.

- Từ vai chính diện đến phản diện, người già đến trẻ nhỏ, bi đến hài, con người đến muông thú, buổi chiều diễn người đàn ông nội tâm giằng xé, buổi tối lại vào vai người đàn bà nhí nhảnh... Sao anh làm được như thế?

- Ngộ nghĩnh hả? Đó là sự quyến rũ của nghệ thuật. Khi hóa trang xong, soi gương, nhân dáng sẽ tác động đến tâm lý của mình và bạn diễn. Bản thân chúng tôi cũng thích sự phiêu lưu. Khi mình dấn thân vào những con người có tâm lý với những số phận khác nhau, dù chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nó cũng cho mình một sự hưng phấn để hóa thân. Những vai diễn, đó là những cuộc phiêu lưu của tâm hồn.

- Anh yêu khuôn mặt của mình khi còn đội lốt nhân vật hay khi đã tẩy trang?

- Tôi yêu khuôn mặt tôi khi có hóa trang hơn, trông linh hoạt và giống như có một người khác nhập vào mình. Khi tẩy trang rồi, trông tôi không đẹp, mệt mỏi, thất thần, buồn quá, không vui.

- Những gì đã tạo nên gương mặt buồn đó của anh?

- Thày dạy nghề của tôi trong trường, thày Lê Văn Tĩnh, là người khám phá ra điều này trước nhất: "Cái thằng Lộc này, dù diễn vai bi hay hài, chính hay phản thì mắt nó vẫn cứ buồn. Sẽ vận vào thân thôi". Điều gì tạo nên? Làm sao biết được giữa định mệnh và cuộc đời, ai là người tạo tác?

- Anh đã bao nhiêu lần đối diện với cảm giác bất lực trong chính ngôi nhà nghệ thuật của mình?

- Có chứ, nhiều, với tình trạng cơ sở vật chất, những diễn viên mang khuyết tật nghề nghiệp. Các em bây giờ, kỹ năng nghề nghiệp yếu quá, ý thức nghề nghiệp còn tệ nữa. Họ như một chiến sĩ lao ra trận, mà trong cây súng họ cầm không có đạn, trái tim thì nguội lạnh. Thế hệ chúng tôi xem sân khấu là cái bàn thờ, các em xem sân khấu là cái bàn đạp. Nản lòng lắm chứ.

Tôi là người muôn hình muôn mặt

- Anh tuổi Tân Sửu, cầm tinh con trâu, sinh lúc 5h sáng. Lá số tử vi của anh có gì đặc biệt?

- Tôi là đàn ông nhưng thuộc loại sao Thái âm, làm về ban đêm sẽ thành công. Thì tôi làm nghệ thuật đấy thôi. Tôi là người đào xới, nhưng hưởng lợi nhiều là những người phía sau. Cung quan lộc của tôi có nhiều sao tốt nhưng sao xấu lại dồn về cung nô bộc.

- Ý anh là mình hay bị phản và có nhiều kẻ thù?

- Đúng vậy. Nhưng từ năm 40 tuổi đến nay thì đỡ hơn rồi. Nhiều kẻ thù cũng biến thành bạn. Mà họ thù tôi, chứ cả đời tôi không thù ai. Khinh thì có.

- Tổng thống mới đắc cử của Pháp, Nicolas Sarkozy, khái quát về đời mình: "Đời giáng cho tôi nhiều cú, và tôi cũng đáp trả". Câu nói này áp dụng trong trường hợp anh thì sao?

- Hoàn toàn đúng. Đời đã giáng cho tôi nhiều cú. Choáng váng nhất là có những cú đâm sau lưng mình từ những người bạn, người đồng nghiệp mà mình yêu quý, kính trọng như cha, anh. Đỡ không kịp. Đau lắm. Những lúc như thế tôi đi nhà thờ cầu nguyện cho tâm mình đừng động vọng, được bình an. Và tôi đáp trả bằng cách không bao giờ trở nên giống họ, vẫn đi trên đôi chân của mình, chưa bao giờ thỏa hiệp. Tôi tạo dựng sự nghiệp bằng tài năng và lao động chứ không bằng bất cứ con đường tắt nào. Khi mọi chuyện qua rồi, tôi lại cảm ơn họ. Mọi người sống trong đời này đều ban ơn và mang ơn nhau dưới mọi hình thức mà.

- Anh nghĩ sao về khả năng dối trá với người dối trá, xấu xa với người xấu xa, khốn nạn với người khốn nạn của mình?

- Ngày nay, giới làm nghệ thuật đã trở nên dễ sợ lắm, vì thế tôi cũng nanh nọc để trừng trị những kẻ nanh nọc. Tôi là trâu, nên đầu có cặp sừng. Nhưng rồi cũng không làm được triệt để đâu. Đứng trước những chuyện, những người như thế tôi vẫn cứ thấy bối rối và lúng túng. Sống bao dung là một cách sống khó, nhưng tôi vẫn phải làm cho được.

- Một con người sâu sắc, tinh tế, cô đơn và mẫn cảm như anh, tại sao có thể đứng vững trong cuộc đời này?

- Nhìn một người đang tồn tại, không thể kết luận là họ có thể bám chặt vào mặt đất hay không. Trái tim tôi từng nhiều lần bể nát ra rồi. Tôi từng đốt hết, cuốn sổ tôi ghi chép lại những vai diễn của mình từ khi mới ra trường, những bài báo cả khen lẫn chê. Đốt hết. Tôi cũng từng nghĩ đến việc ra đi. Tệ hơn nữa là nghĩ đến cái chết. Nhưng may mắn tôi là người có đức tin, nên khi tuyệt vọng, tôi nương vào tôn giáo để vượt qua.

- Ba anh, cố NSND Thành Tôn, một người đàn ông gia trưởng và là một hung thần dưới con mắt lũ trẻ ở nhà. Những nét tính cách đó di truyền sang anh bao nhiêu?

- Không, vì từ nhỏ tôi đã biết rằng đó là nhược điểm của ông. Tôi học được từ ba tôi điều lớn hơn. Ông gia trưởng nhưng không áp chế tư tưởng của con mình bởi ông quan niệm nghề nghiệp không thể ép buộc. Ông cũng dạy tôi sự cạnh tranh lành mạnh nhất đối với đồng nghiệp là sự tỏa sáng trên sân khấu chứ không phải hơn thua nhau nơi hậu trường.

- Nhân cách con người của Thành Lộc và nhân cách nghệ sĩ của Thành Lộc khác nhau ra sao?

- Cũng khó để tách bạch. Chỉ có thể nói, hành trang vai diễn của tôi, nhân cách con người của những nhân vật tôi kinh qua đã hình thành nhân cách Thành Lộc. Có những tác phẩm, với những tầng sâu triết lý của nó, đã mở cái đầu tôi ra. Tôi biết ơn nghệ thuật đã dung nạp tôi. Không có ai dạy dỗ tôi nhiều, chỉ có những tác phẩm dạy cho tôi thôi. Chủ nghĩa nhân văn đã ăn vào máu tôi, cũng đến với tôi bằng nẻo đường này.

- Anh rất thích những vở lý giải bi kịch con người bằng những cái nhìn hài hước, và bảo rằng nghệ thuật hài hước trước những nỗi đau là một nghệ thuật siêu đẳng. Vậy khả năng hài hước hóa nỗi đau của anh thì sao?

- Tôi tự hài hước hóa những nỗi đau của mình, chứ không dám hài hước hóa nỗi đau của người khác, sợ họ bị tổn thương. Nhờ khả năng đó mà gần đây tôi không bị những cơn đau bao tử hành hạ nữa, và cho nỗi đau xuyên qua mình để rồi quên trong vòng 24 giờ.

- Anh sống một mình, xem phim một mình, không cô độc nhưng cô đơn. Vì sao anh chọn cách sống ấy?

- Tôi bị một mình, chứ không lựa chọn nó. Tôi là người không có bất cứ lời tâm sự nào với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Mọi vui buồn đều tự tiêu hao. Khi vào đời, mọi xung đột, va chạm với đồng nghiệp, lãnh đạo, tôi nhận chịu và nén chặt vào mình chứ không một lời than thở. Thời đó cái gì cũng làm tôi tổn thương được. quan hệ bạn bè rất cần thiết, để xả rác cho nhau, thế nhưng tôi được xả vào nhiều thứ chứ không có xả ra.

- Đã xây được nhà, mua được xe hơi, trả nợ ngân hàng sắp xong. Gần đây anh sống thế nào?

- Sự tử tế là một điều đặc biệt thiếu thốn trong xã hội chúng ta ngày nay nên tôi thấy cuộc sống không vui. Tôi không thú vị khi sống, chỉ gắng làm tròn sứ mạng của mình. Nói thế, nhưng nếu sống lương thiện thì thấy đời sẽ đẹp hơn.

- Anh có những cam kết nào với cuộc đời này?

- Chỉ có một cam kết: sống lương thiện và có ích.

Tôi sống nặng về tâm linh

- Anh theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật giáo. Một nghệ sĩ Phật tử thì khác gì với nghệ sĩ không tôn giáo?

- Tôi không biết. Nhưng tôi thấy điều này, giờ kể lại. Trong ngày giỗ tổ, khi tôi đang đứng thắp hương thì có một số nghệ sĩ đàn anh nói: "Làm gì mà tin tưởng dữ vậy? Tôi nè, tôi có đốt cây nhang nào đâu mà vẫn hay như thường". Anh ấy diễn hay thiệt. Nhưng cái hay của anh ấy mỗi lúc một mai một dần và cho đến giờ, trong hành trang không có gì để đời cả. Khán giả đã quên anh ta là ai. Sống thiếu đức tin, mình dễ buông tay, cả trong nghệ thuật.

- "Tôi có niềm tin đặc biệt vào các đấng thiêng liêng", anh bảo vậy. Niềm tin đó anh đặt vào con người bao nhiêu?

- Tôi không tin vào con người, con người không phải là thần thánh, con người là sản phẩm của thượng đế. Mà đã sản phẩm thì đương nhiên sẽ có những sản phẩm kém chất lượng.

- "Lòng tham vô cùng, đời người hữu hạn". Trước mâu thuẫn đó, anh phải gạt bỏ những cái tham nào?

- Thực ra tôi đã chối bỏ nhiều cơ hội lắm, cả cơ hội về danh vọng và tiền bạc. Từ bỏ đến mức người nói tôi ngu, cờ đến tay mà không chịu phất. Nhưng thôi. Nói cho cùng, nghệ thuật sống cuối cùng là nghệ thuật chịu từ bỏ.

- Anh thú nhận: "Tôi đang tập sống theo những điều Phật dạy, nhưng chưa được". Làm một con người lương thiện và có ích vẫn chưa đủ với anh sao?

- Tôi hay nghĩ đến nụ cười miên viễn và toàn giác của Đức Phật.

Về sự suy tàn và cái chết

- Sự suy tàn và cái chết, anh muốn nói gì về nó?

- Tất yếu mà, có gì phải né tránh.

- Anh sẽ làm gì khi khán giả không còn thích anh nữa?

- Làm thinh. Rút về phía sau. Cái gì cũng có luật đào thải, tôi cũng sẽ tàn lụi, nhưng mình chơi cho tốt, cho đẹp thì sẽ chơi được lâu hơn. Trong nghệ thuật, người bị đào thải nhanh là người không đẹp. Hãy chơi cho đúng luật để cuộc chơi cho lâu dài.

- Và sân khấu kịch nói TP HCM sẽ như thế nào nếu anh không yêu thích nó nữa?

- Tôi chưa hình dung được điều đó. Đến giờ tôi vẫn thích kịch và chắc chẳng bao giờ hết thích, chỉ làm không nổi nữa thôi. Tôi chỉ hết thích khi kịch không còn chân thật nữa, nó giả dối và trở thành công cụ chuyển tải những ý đồ không phục vụ cho vẻ đẹp của con người.

- Đến bao giờ anh bắt đầu đọc những cuốn sách viết về cái chết?

- Chưa đâu. Tôi không sợ chết. Không phải chúng ta, ai cũng đang dần đi tới với cái chết của mình đó sao? Đã là chuyện tất yếu, tôi không nghĩ nhiều về nó. Nhưng tôi cũng đã chọn lựa một cái chết cho mình. Tôi sẽ hiến xác mình cho y học. Ngay cả chết cũng nên lựa chọn một cái chết có ích cho đỡ phí, phải không?

- Anh từng đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh nghĩ gì trong lúc đó?

- Tôi nghĩ đến mẹ. Tôi chỉ sợ tôi chết trước mẹ tôi thôi. Hiện giờ tôi là người duy nhất chăm sóc cho bà. Ngoài ra, không có gì đáng kể.

- Anh cũng từng có nguy cơ trở thành tàn phế. Phải tàn phế anh sợ nhất điều gì?

- Tàn phế, đấy là điều đáng sợ nhất với tôi, hơn cả cái chết. Khi tôi ngã từ trên cao xuống, gãy xương sống, có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn, tôi cứng cả người vì sợ hãi. Tôi sợ khi mình trở thành gánh nặng của người khác, sợ không đứng trên sân khấu được nữa, không nuôi được mẹ, mà nợ ngân hàng chưa trả hết. Chính nỗi sợ này đã khiến tôi lạc quan chiến đấu với bệnh tật của mình. Và tôi đã vượt qua như một điều kỳ diệu.

- Anh hình dung thế nào về cái chết của anh?

- Tôi muốn tuổi già của mình khi tiếp cận với cái chết sẽ không ở trong môi trường nghệ thuật nữa. Tôi vẫn thích cuối đời mình được ở trong một thứ ánh sáng thật, không ở trong thứ ánh sáng huyền ảo, giả tạo của sân khấu. Và nếu có đầu thai, tôi cũng xin đừng cho tôi làm người nữa, chỉ xin làm kẻ không có nhân ảnh. Trống không. Vô hình.

- Nietzsche - triết gia người Đức - có nói: "Bạn đến với đàn bà ư? Nhớ mang theo một cây roi". Vậy nếu đến với Thành Lộc, nhớ mang theo cái gì?

- Đến với Thành Lộc thì nhớ mang theo một nén nhang, ngay khi tôi còn sống. Nén nhang đốt lên, có cảm giác tất cả trầm lắng xuống và mọi người yêu mến nhau hơn. Khi trong tay cầm nhang thì người ta rất trang trọng và tử tế, chân thành.

(Theo Thanh Niên Tuần San)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật