Hành trình thoát khỏi cuộc hành hình kinh hoàng của IS

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Những tiếng súng vang lên lần lượt, từng người ngã xuống đất, một số người khác la lên vì sợ hãi“, một thiếu niên 17 tuổi may mắn sống sót sau buổi hành hình tập thể kể lại.
Hành trình thoát khỏi cuộc hành hình kinh hoàng của IS
Khidir và vết thương ở cổ khi kể lại ký ức sống sót sau vụ hành hình tập thể của phiến quân. Ảnh: FP

Tạp chí Foreign Policy, đã đăng tải bài viết kể về ký ức kinh hoàng của Khidir người may mắn sống sót sau buổi hành hình tập thể.

Ngày 15/8, phiến quân Hồi giáo xông vào ngôi làng của Khidir ở phía tây thị trấn Sinjar. Bọn chúng buộc tất cả dân làng phải tập trung tại ngôi trường duy nhất. Sau đó, phiến quân tước đoạt điện thoại và những vật dụng giá trị của người dân, như nhẫn cưới, trang sức, tiền của. Bọn chúng nói sẽ đưa người dân đến núi Sinjar để "đoàn tụ" với những người Yazidi đang trú ẩn ở đây.

Khidir là thành viên trong nhóm 20 đàn ông đầu tiên phải rời khỏi làng. "Khi đó, tôi đã nghĩ bọn chúng sẽ không tàn bạo như tưởng tượng".

Tuy nhiên, khi đoàn xe rời làng khoảng 10 phút, chúng dừng lại đột ngột. Khidir trông thấy hai chiến binh đang đợi sẵn với những khẩu súng máy. Lúc này, Khidir giật mình nhận ra họ sẽ không đến ngọn núi như lời phiến quân. "Chúng đưa mọi người đến nơi hành hình", Khidir nói.

Khidir không bao giờ quên ánh mắt lạnh lùng của những kẻ hành quyết. Bọn chúng vận bộ đồ đen trùm kín người và chỉ để lộ phần mắt. Khidir cảm nhận các tay súng như đang cười thầm trước khi tiến hành vụ thảm sát. Phiến quân bịt mắt Khidir và người làng, sau đó bắt họ quỳ gối. "Bọn chúng nói ’Tất cả chấm dứt ở đây’", Khidir nhớ lại.

Những tiếng súng vang lên lần lượt, từng người ngã xuống đất, một số người khác la lên vì sợ hãi.

Sau đó không lâu, Khidir cảm thấy đau nhói và bỏng rát ở phần cổ. Viên đạn đi trượt nên cậu thoát chết. Khidir quyết định giả vờ chết để thoát thân. Một thời gian lâu sau khi phiến quân rời khỏi hiện trường, Khidir ngồi dậy và trông thấy tất cả người trong làng, gồm một người anh họ của Khidir, đều đã chết. Tuy nhiên, ngoài Khidir vẫn có một người hàng xóm còn sống với vết thương ở chân.

"Chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn là phải tìm cách thoát khỏi nơi đây", Khidir nói.

Khidir và người hàng xóm đi bộ rất lâu mới tới một ngôi làng của người Sunni. Tại đây, người làng chỉ cho họ thức ăn, nước uống và bảo phải rời đi ngay.

Khidir lại tiếp tục hành trình cho đến khi tới một ngọn núi mà các chiến binh người Kurd ở Syria đang chiếm giữ. Họ đưa Khidir và bạn tới khu vực biên giới gần Syria. Khidir nghỉ lại đây 2 đêm. Hôm sau, Khidir thuê xe tới thành phố Dohuk của người Kurd tại Iraq. Chị gái và anh rể của Khidir đã chuyển tới đây từ đầu tháng 8 vì sợ hãi phiến quân Nhà nước Hồi giáo sẽ tấn công làng của họ.

Trước đây, Khidir từng giận dỗi với anh chị vì cho rằng họ quá sợ hãi nên mới rời làng. Giờ đây, Khidir ước giá có thể trở về quá khứ để thuyết phục cả gia đình cùng đi sơ tán.

Khidir không có tin gì về bốn anh em còn lại và bố, nhưng cậu chấp nhận rằng họ đều có thể đã chết. Anh cả của Khidir là người có học vấn cao duy nhất trong gia đình sau khi tốt nghiệp Đại học Mosul. "Tất cả đều hi vọng anh ấy sẽ thành công trong cuộc sống", cô Hadeela, chị gái của Khidir, nói.

Cách đây 3 tuần, Khidir và chị gái cũng ngỡ rằng các chị em và mẹ của họ đều không còn. Tuy nhiên, một buổi sáng gần đây, Khidir bất ngờ nhận cuộc gọi từ người chị 19 tuổi tên Badeaa đang sống tại Kocho. "Chúng tôi nhận được những thông tin mang đến hi vọng, nhưng cũng rất nhiều lo âu", Hadeela nói.

Badeaa kể một sự thật còn đáng sợ hơn cái chết: phiến quân đang giam giữ mẹ con cô và 40 phụ nữ trong làng tại một ngôi nhà ở thị trấn Tal Afar vốn do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát. Giọng dồn dập và lo sợ, Badeaa nói mọi người hiện tại vẫn ổn, nhưng họ không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra và khi nào được thả. Badeaa hỏi thăm về bố và các anh em, nhưng Hadeela từ chối trả lời.

"Lời nhắn cuối cùng của Badeaa là ’Đừng gọi lại vào số này, kẻo chúng mà biết thì sẽ giết chúng em’. Sau đó cô ấy cúp máy", chồng của Hadeela cho biết.

Giờ đây, khi đang sống ở trại lánh nạn cùng chị gái, Khidir vẫn nhớ về ngôi làng nơi cậu sinh ra và trưởng thành, nhớ về khu vườn có những luống cà chua mà cậu tự trồng, căn phòng sinh hoạt gia đình, góc bếp nơi mẹ cậu nấu những bữa ăn cho cả nhà. Tuy nhiên, Khidir không muốn trở về làng nữa vì "mọi người chết cả rồi, không còn làng nào nữa".



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật