Ông Tập đã tìm ra cách ‘trị’ Hồng Kông?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tịch Trung Quốc mời hơn 60 nhà tài phiệt hàng đầu Hồng Kông sang Bắc Kinh trong khi hàng nghìn sinh viên bắt đầu chiến dịch bãi khóa.
Ông Tập đã tìm ra cách ‘trị’ Hồng Kông?
Sinh viên Hồng Kông biểu tình tại trường ĐH Trung Quốc ở Hồng Kông

Ông Tập dường như đã tìm ra cách "trị" Hồng Kông, đó là nhằm vào những “ông trùm” trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho tới ngân hàng và sản xuất, bao gồm cả các đại diện của các tổ chức kinh doanh Hồng Kông và các ủy viên Chính hiệp Trung Quốc.

Theo lời mời của ông Tập, một nhóm hơn 60 nhà tài phiệt hàng đầu Hồng Kông đã sang Bắc Kinh. Chuyến đi được lên lịch sau khi Bắc Kinh đưa ra một khuôn khổ hạn chế đối với các cuộc bầu cử chọn ra người đứng đầu Hồng Kông kể từ năm 2017 gây ra các cuộc biểu tình và hoạt động tẩy chay quy mô lớn.

Hầu hết các nhà tài phiệt Hồng Kông đều có lợi ích rất lớn ở Trung Quốc đại lục, và thường hậu thuẫn hoặc im lặng trước các chính sách của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Nhóm tài phiệt này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo Hồng Kông.

Các nhà tài phiệt này đã chỉ trích các nhà hoạt động dân chủ của Hồng Kông, những người đang đấu tranh đòi Trung Quốc chấm dứt can thiệp vào cuộc bầu cử lựa chọn nhà lãnh đạo của họ bằng quy định chỉ có những nhân vật được Bắc Kinh chỉ định mới được quyền ra tranh cử.

Một trong những nhà tài phiệt là chủ tịch hãng Henderson Land, ông Lee Shau-kee, cho biết mô hình bầu cử trên toàn cầu là khác nhau; phương án bầu cử năm 2017 đang bị dư luận lên án là phương án “rất tốt” để đảm bảo sự thịnh vượng của đặc khu này.

“Cải cách chính trị nên tiến hành dần dần. Trung Quốc rất phức tạp, tiến hành quá nhanh sẽ có hại” - ông Lee Shau-kee nói. Ông cho rằng hoạt động phản kháng của dư luận Hồng Kông sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với Hồng Kông và làm hỏng danh tiếng của trung tâm tài chính quốc tế.

Lui Che-woo, người đứng đầu tập đoàn K. Wah kêu gọi sinh viên và những người biểu tình cần có thái độ xây dựng. “Họ không nên có những hành động khác, nếu không hài lòng họ có thể nói ra, đừng phá hủy Hồng Kông. Chúng tôi phấn đấu suốt 70 năm qua. Mọi người trên thế giới nghĩ rằng Hồng Kông là một thành phố kiểu mẫu. Tôi hy vọng điều này được tôn trọng”.

Phái đoàn bao gồm cả những người giàu nhất Hồng Kông tham dự một cuộc hội thảo được Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc tổ chức ngày 22/9 về nền kinh tế đất nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp họ trong buổi chiều cùng ngày và họ dự tiệc chiêu đãi buổi tối do Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang chủ trì.

Được biết, đây là đoàn lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất của Hồng Kông tới Bắc Kinh kể từ năm 2003 đến nay, khi Hồng Kông chấn động bởi làn sóng biểu tình quy mô lớn phản đối việc chính quyền định thông qua một dự luật chống lật đổ có tên gọi là Điều 23.

Theo các chuyên gia phân tích, với chuyến đi này, Bắc Kinh đã gửi thông điệp tinh vi đến các tài phiệt Hồng Kông rằng nếu họ không ủng hộ Bắc Kinh một cách quyết liệt, lợi ích kinh doanh của họ ở đại lục và Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nó cũng cho thấy vị thế mong manh của Bắc Kinh hiện nay. Theo Giáo sư Willy Lam thuộc Đại học Hồng Kông: “Họ biết người dân Hồng Kông vẫn rất không hài lòng với cơ chế bầu cử do họ đề xuất. Thế nên họ cần những ông lớn có nhiều tiền của và ảnh hưởng để có thể thuyết phục được dư luận”.

Trong khi chính quyền Trung Quốc cố tranh thủ ảnh hưởng của các nhà tài phiệt thì tại Hồng Kông, hàng ngàn sinh viên bắt đầu chiến dịch bãi khóa kéo dài một tuần để đòi quyền dân chủ cho đặc khu hành chính này. Chiến dịch bãi khóa thu hút sinh viên từ hơn 20 trường đại học và cao đẳng trên khắp Hồng Kông.

Ngoài chiến dịch bãi khóa, sinh viên Hong Kong sẽ tiếp tục tổ chức một loạt các cuộc tuần hành lớn vào ngày 1/10 tới đây.

Sinh viên Hồng Kông cho rằng kế hoạch chỉ định ứng cử viên vào vị trí trưởng đặc khu hành chính trong nhiệm kỳ 3 năm là sự phản bội lời hứa của Bắc Kinh về việc trao thêm quyền dân chủ cho vùng đất này sau khi nó được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Tuy nhiên, chiến dịch này của sinh viên đã vấp phải những phản ứng quyết liệt đầu tiên từ phía chính quyền. Bưu điện Hồng Kông đã từ chối gửi những truyền đơn kêu gọi bãi khóa, trong khi một loạt trường học đe dọa sẽ hạ điểm hạnh kiểm nếu học sinh, sinh viên bỏ lớp.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc thậm chí còn gọi phong trào bãi khóa này là “một tuyên ngôn ngây thơ của những kẻ cực đoan Hong Kong”.

Mặc dù vậy, các nhà tổ chức chiến dịch bãi khóa vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh đến khi nào Hồng Kông có được “nền dân chủ thực sự”, và tuyên bố rằng đây sẽ là “một trò chơi dài” với chính quyền Bắc Kinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật