Nóng dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nguồn vốn đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) lại tăng khá mạnh.
Nóng dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc
Ảnh minh họa

Dệt may nóng trở lại

Sau một thời gian dài chững lại, vốn FDI vào ngành dệt may có dấu hiệu tăng trở lại từ giữa năm 2012, nổi bật là các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Mới đây, tập đoàn sợi màu Huafu của Hồng Kông đã được cấp phép phát triển dự án dệt nhuộm tại khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo, tỉnh Long An. Với số vốn đăng ký 136 triệu đô la Mỹ, Huafu sẽ phát triển dự án trên khu đất rộng 20 héc ta, mỗi năm sản xuất 30.000 tấn sợi và nhuộm 20.000 tấn bông, dự kiến từ giữa năm tới. Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) cũng vừa được chính quyền tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín, từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu đô la Mỹ...

Ở TPHCM, trong tháng 3-2014 cũng đã có hai nhà đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông được cấp phép đầu tư. Đáng chú ý là dự án phát triển Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc), vốn đầu tư 140 triệu đô la Mỹ.

Những doanh nghiệp dệt may khác của Trung Quốc và Hồng Kông đã có mặt ở Việt Nam từ trước như Texhong, TAL... hiện cũng đang tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Nhìn lại những năm 1990, lúc ngành dệt may, nhuộm, da giày bắt đầu thu hút mạnh vốn FDI, đó là khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời. Khi đó, các dự án quy mô lớn của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... đã tham gia giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động phổ thông góp phần thúc đẩy kinh tế ở một số địa phương. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, lĩnh vực này không có chuyển giao công nghệ gì đáng kể, tiếp tục thâm dụng lao động, chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng, tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp, sử dụng một diện tích đất khá lớn.

Đến nay, nhận định về sự quay trở lại của dòng vốn Trung Quốc vào lĩnh vực dệt may và nhuộm, giám đốc một doanh nghiệp dệt may lớn trong nước cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc nhanh nhạy đón đầu cơ hội hưởng thuế suất xuất khẩu 0% của hàng may mặc Việt Nam khi vào Mỹ. Đây là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh thị trường xuất khẩu đang được mở rộng, ngành dệt may Việt Nam thu hút giới đầu tư còn bởi có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công thấp hơn các nước khác và khâu quản lý môi trường cũng dễ dãi hơn.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước cho biết họ không quá bất ngờ trước việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào may mặc và dệt nhuộm ở Việt Nam. Bởi lẽ nguồn lợi lâu nay của họ từ việc xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may sang Việt Nam đang bị đe dọa, nay họ muốn tiếp tục hưởng lợi bằng việc mang cả công nghệ, nhà máy sang Việt Nam dệt, nhuộm vải.

Nhưng có một thực tế là gần đây, chính quyền nhiều địa phương không còn mặn mà với các dự án dệt nhuộm vì mối lo môi trường bị ô nhiễm. Một số doanh nghiệp trong nước, kể cả đơn vị lớn nhất trong ngành dệt may là Vinatex muốn tăng đầu tư để đón đầu TPP nhưng các thành viên của tập đoàn này cũng đang kêu khó. Câu hỏi đặt ra là liệu các dự án của Trung Quốc có gây ô nhiễm môi trường và Việt Nam có kiểm soát được? Giới phân tích cho rằng lẽ ra cần phải ưu tiên khích lệ các dự án đầu tư dệt - nhuộm trong nước để tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Gia tăng vào bất động sản

Gần đây, nhiều kênh truyền thông quốc tế thông tin thị trường bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt. Moody’s cũng đã tuyên bố hạ mức tín nhiệm đối với ngành bất động sản nước này và dự báo trong vòng 12 tháng tới, thị trường này sẽ có tốc độ bán hàng chậm chạp, mức tồn kho cao và thanh khoản suy yếu. Trong khi đó ở Việt Nam, dòng vốn của doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào lĩnh vực bất động sản đang tăng.

Tập đoàn Sun Wah (Hồng Kông) với 48% vốn góp vào Công ty TNHH Bay Water thông qua Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (BVI) đã tham gia vào dự án khu chung cư kết hợp trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM, có mức đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ. Trước đó, Sun Wah đã tham gia vào Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital và có kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp và một khu du lịch sinh thái ở Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Giữa năm 2013, Quỹ Đầu tư Warburg Pincus (Hồng Kông) cũng ký hợp đồng góp 200 triệu đô la Mỹ để mua khoảng 20% cổ phần của Vincom Retail. Chỉ sau đó vài tháng, EXS Capital, một tập đoàn chuyên đầu tư vào châu Á, đã rót 37 triệu đô la Mỹ vào Sơn Kim Land.

Ở Quảng Ninh, Công ty cổ phần tập đoàn Texhong của Trung Quốc vừa được cấp phép đầu tư phát triển dự án hạ tầng KCN Hải Hà có diện tích 660 héc ta, vốn đầu tư khoảng 215 triệu đô la Mỹ. Tham vọng của Texhong là rót khoảng 950 triệu đô la Mỹ để đầu tư toàn bộ phần đất được quy hoạch cho KCN trong tổng thể dự án KCN Cảng biển Hải Hà quy mô khoảng 3.000 héc ta...

Ngoài ra, hiện có khá nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang ngấp nghé mua lại các dự án bất động sản trong nước. Theo Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, cùng với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, một số nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào bất động sản ở miền Trung. Trong đó, các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đối với các dự án nghỉ dưỡng kèm dịch vụ giải trí.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật