Có nguy biến mới thấy hết sức mạnh...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao nhiêu thổn thức, âu lo từ đất liền đang hướng dồn ra biển Đông - nơi hàng trăm cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển, ngư dân và lực lượng kiểm ngư Việt Nam đang căng sức, đối mặt với tàu to Trung Quốc, cũng là bấy nhiêu tình yêu thương mà hậu phương dành cho các anh. Tổ quốc có nguy biến mới thấy hết sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Biển - bờ, quá khứ - hiện tại… đã liền mạch; lòng dân, ý Đảng và hành động của nhà nước cùng một chí hướng, đang được tiếp nối bởi thế hệ trẻ...
Có nguy biến mới thấy hết sức mạnh...
Tàu cá ngư dân Đà Nẵng (tàu gỗ - giữa) trong vòng vây ráp của tàu Trung Quốc. Ảnh: Thanh Hải

Sau cái bắt tay hữu hảo

Lê Mạnh Thường - cán bộ tuyên huấn Cảnh sát biển vùng 1 (Hải Phòng) - cũng có mặt trên tàu 4033 cùng với đoàn nhà báo chúng tôi ra Hoàng Sa lần này. Anh đã làm thơ ngay khi tàu nhổ neo, run rẩy trong cái vẫy tay chào đất liền. Thế nhưng, mặt trận nóng bỏng không chừa không gian cho miền suy tưởng.

Khi biên đội tàu cảnh sát biển chúng tôi tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 5 - 6 hải lý, chuông báo động rung lên, khẩu lệnh tác chiến sắc lạnh của chỉ huy liên tục cảnh báo ý đồ và hành vi của Trung Quốc trên các con tàu đang chĩa mũi, lao thẳng về phía mình. Sĩ quan cảnh sát biển có tâm hồn nhà thơ này chợt sa sầm nét mặt, như thể đang nén uất hận. Thường lên boong tàu làm nhiệm vụ, và anh chợt nhận ra tàu địch đang lao thẳng về phía tàu mình lại là... tàu quen, người quen...

Lê Mạnh Thường kể, mới ngày 13.4 vừa rồi, anh tháp tùng theo tàu cảnh sát biển Việt Nam để ra vùng biển vịnh Bắc bộ cùng với lực lượng Tổng đội Nam Hải ngư chính của Trung Quốc, thực hiện đợt kiểm tra liên hợp về nghề cá. Chuyến tuần tra chung kéo dài 7 ngày, với hải trình dọc vùng biển ngang đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Trước khi cùng xuất phát, biên đội tàu của 2 nước đã thực hiện các lễ nghi chào xã giao, lên tàu của nhau để bắt tay, tặng quà lưu niệm, trao đổi công tác...

Chu Anh Vinh - Tổng đội trưởng ngư chính khu Nam Hải (Trung Quốc) - đã lên từng tàu cảnh sát biển của Việt Nam, bắt tay, ôm chặt bờ vai từng chiến sĩ cảnh sát biển và nói những lời có cánh về tình hữu nghị Việt - Trung. “Nhưng chao ôi! Bây giờ chính con tàu 3210 và những con người luôn môi mép hữu hảo kia đang truy đuổi ta, ngay trên vùng biển chủ quyền Việt Nam”. - Mạnh Thường không kìm nén được tức giận. Nhưng anh chưa kịp phản ứng gì thêm thì thuyền trưởng đã lệnh khẩn: “Các nhà báo khẩn trương vào trong tàu. Con 3210 đang tăng tốc, ý đồ đâm thẳng tàu ta rất rõ. Các đồng chí đóng chặt cửa, họ đã giương sẵn vòi rồng rồi...”

Âm mưu núp sau chiêu bài hữu nghị là đối sách thường xuyên mà Trung Quốc dùng với Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhưng một bước từ “bạn” sang thù khi những cái bắt tay mới tuần trước tưởng chừng vẫn còn nóng ấm của những con người trên con tàu hải cảnh 3210 của Trung Quốc đã thật sự gây sốc cho chúng tôi.

Đồng lòng

Suốt một tuần trên vùng biển nóng Hoàng Sa, tôi đã có dịp sang thăm nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam. Chứng kiến khả năng tinh nhuệ của các chiến sĩ trẻ khi tác chiến, một tinh thần quyết liệt vì chính nghĩa, vì dân tộc, tôi thấy có phần yên lòng. Những con tàu chấp pháp của Việt Nam không chỉ có máy lớn, đảm bảo tốc độ cao, sự cơ động tuyệt vời mà còn được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Giữa đêm đen trên biển, chúng tôi có thể thấy rõ tàu địch. Các chiến sĩ không chỉ đếm được số tàu, định vị chính xác vị trí đối phương, mà còn có thể đo được kích thước tàu, hướng di chuyển, tốc độ... đoán định được mưu đồ của họ.

Lại nhớ chiều 19.5, khi biên đội tàu cảnh sát biển chúng tôi đổi hướng, vòng về phía đông nam Hoàng Sa thì bất ngờ gặp rất nhiều tàu thuyền của ngư dân miền Trung đang bình yên đánh cá. Đoạn tiếp của chuyến hải hành, phía trước chúng tôi là hàng trăm tàu Trung Quốc ken kín như một pháo đài sắt trên biển đang chĩa thẳng mũi tàu hướng về phía tàu Việt Nam.

Đặc biệt, đoạn cách giàn khoan chừng 10 hải lý, là cảnh tàu cá giả danh của Trung Quốc hung hăng vây đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt trên vùng biển ngàn năm hương hoả của tổ tiên mình... Cùng lúc, chúng tôi nhận được thông tin nhói lòng, có đến 3 tàu cá của ngư dân Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vừa bị tàu Trung Quốc đâm va, hư hỏng nặng. Trong khi đó, 2 ngư dân khác ở Quảng Ngãi cũng bị người trên tàu cá giả danh của Trung Quốc đánh trọng thương tại vùng biển này, vừa được chuyển vào đất liền.

Giữa mênh mông biển khơi, những con tàu đánh cá bằng gỗ giống như chiếc lá. Trên đấy là những ngư dân “chính hiệu” ở miền Trung đang bám biển làm ăn và cuộc mưu sinh khó nhọc ấy được nối tiếp từ bao đời nay. Giờ Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm ngư trường truyền thống, họ không sợ hãi, vẫn từng đoàn ngày đêm giong cờ ra khơi vừa đánh bắt hải sản, vừa khẳng định chủ quyền, dẫu các tàu Trung Quốc cậy thế tàu to, đông quân để truy đuổi, đâm va, ức hiế‌p ngư dân mình suốt hơn 20 ngày nay.

Chứng kiến những con tàu cá mong manh thô sơ của ngư dân miền Trung hiên ngang thẳng tiến vào ngay vòng vây nóng bỏng của hàng trăm tàu Trung Quốc, tôi mới hiểu sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa không hẳn chỉ dựa vào tàu to, súng lớn...

Nối bước tiền nhân

Thường thì đêm đến, tàu cảnh sát biển 4033 của chúng tôi “thả neo” cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hơn 10 hải lý. Những lúc như vậy, tình cảm ngưỡng vọng, thương nhớ Hoàng Sa từ đất liền luôn trong tôi lại trào lên. Làm sao có thể đành lòng được khi ở đáy sâu hơn ngàn mét nước dưới thân tàu là cả nghĩa địa của bao lớp tiền nhân. Ngoài những hùng binh của Đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải từ các triều đại phong kiến, còn trùng trùng mộ phần của ngư phủ miền Trung.

Những điều này không phải trên các trang sách sử, trong các lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, mà tôi đang nghe, đã chạm qua cơn gió lạnh, khắc khoải chạy vuốt thân tàu. Trong phòng câu lạc bộ, các chiến sĩ đùa vui, hát hò sau một ngày chiến đấu mệt lử. Trên boong tàu nhiều người thả câu, vớt mực ung dung như không hề có những cuộc quần nhau nghẹt thở với tàu Trung Quốc mới chiều nay. Chính những chiến sĩ trẻ này, cả vạn ngư dân can trường bên các tàu cá kia và triệu triệu người dân Việt ở đất liền đang tiếp bước các tiền nhân, gìn giữ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Có mặt cùng chúng tôi trên điểm nóng Hoàng Sa, nhà báo Hoàng Đình Nam (hãng AFP - Pháp) tâm sự: “Dân tộc mình, cả chính thể Việt Nam từ bao đời nay đều trọng hoà hiếu, chính nghĩa. Nhà nước luôn đặt mối quan hệ hữu hảo với nước láng giềng Trung Quốc lên hàng đâu. Sự "tế nhị" đến mức chưa bao giờ gọi thẳng tên, chỉ rõ mặt Trung Quốc - kẻ ngang ngược, dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là xâm lược. Thế nhưng sự nhân nhượng nào cũng có giới hạn”.

Nhà báo Hoàng Đình Nam đã có lý khi khẳng định điều này. Hai chữ Hoàng Sa, gắn với các sự kiện Trung Quốc chiếm đóng, gây hấn trên biển Đông chỉ được dùng rất hạn chế trên các trang báo, trong sách giáo khoa... Tất cả cũng là vì “tế nhị” trong mối quan hệ ngoại giao đầy tinh thần hữu hảo của nhà nước Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng với sự xâm phạm bờ cõi lần này, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ngay trên thềm lục địa Việt Nam, thì Đảng, Nhà nước VN đã bày tỏ quan điểm rõ ràng, ra những tuyên bố mạnh mẽ, lên án thẳng hành động xâ‌m lượ‌c của Trung Quốc.

Không chỉ bằng lời nói, những tuyên bố phản đối ngoại giao, mà báo chí trong nước và quốc tế đã được tạo điều kiện ra tận vùng biển nóng để thông tin một cách chân thực nhất về hành động ngang ngược, ngạo mạn của Trung Quốc. Đặc biệt, việc lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam cùng với tàu cá của ngư dân miền Trung ra ngay tại vùng biển Hoàng Sa để thực hiện quyền chấp pháp, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển chủ quyền Việt Nam trong thời gian qua là những động thái cứng rắn của nhà nước, hợp với ý nguyện toàn dân...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật