Lặng lẽ ươm mầm nơi chân sóng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Biết bao chuyến tàu “tử thần” ở vùng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa bị cuốn trôi trong trận cuồng phong của biển cả.
Lặng lẽ ươm mầm nơi chân sóng
Lớp học với nhiều lứa tuổi khác nhau của cô giáo Nguyễn Thị Thông.

Cướp mạng sống của nhiều ngư dân, chôn vùi thân thể họ nơi đáy sâu hoang lạnh khiến nhiều đứa trẻ bơ vơ vì mồ côi cha và thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.

Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ước mơ con chữ trở thành xa xỉ đối với nhiều con trẻ ở vùng quê nghèo. Xót xa cho những phận đời, phận người ấy, cô Nguyễn Thị Thông sau mấy chục năm cống hiến cho ngành Giáo dục, về hưu lại tiếp tục ươm mầm chữ trên những triền sóng của quê hương…

Xót xa những cảnh đời bất hạnh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ, cô Thông đã nuôi mơ ước được đứng trên bục giảng dạy chữ cho con em vùng quê quanh năm lăn lộn với sóng gió. Học hết lớp 7, cô  năn nỉ bố mẹ xin cho dạy lớp vỡ lòng của thôn. Làm cô giáo làng một năm, UBND xã thấy cô yêu nghề, động viên cô đi học sư phạm. Năm 1966 tốt nghiệp, cô về dạy  tại Trường Tiểu học Đa Lộc, xã Đa Lộc, Hậu Lộc. Sau nhiều năm nỗ lực, cô giáo Thông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc, rồi Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Minh (Đông Sơn), đến năm 1987 cô về Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, đảm nhiệm chức Hiệu trưởng đến khi nghỉ hưu. Mặc dù làm quản lí nhưng hằng ngày cô vẫn đứng lớp để được gần gũi với học trò, tận tay uốn các em từng nét chữ. Đến năm học 1996 – 1997, cô được phong tặng Nhà giáo ưu tú.

Ngư Lộc là xã thuần ngư, có 319 phương tiện hoạt động khai thác với hơn 2.000 lao động đi biển và nuôi trồng thủy sản. Hằng năm chịu nhiều rủi ro, mất mát do gió bão, thiên tai gây ra. Bởi thế, từ xa xưa, người dân vạn chài Ngư Lộc thường ví von cho thân phận người phụ nữ “Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”. Toàn xã có khoảng hơn 200 phụ nữ sống đơn thân do chồng đi biển không trở về, nhiều trẻ em sớm vắng bóng cha. Hình ảnh những đứa trẻ da cháy nắng, mái tóc vàng hoe, xơ xác, buộc vội bằng dây chun, hoặc cắt gần như trọc. Áo mặc, cái sờn vải, cái khuy còn khuy mất… hằng ngày ra biển nhặt tôm cá sau mẻ lưới từ mờ sáng cho kịp phiên chợ chiều trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. Tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng đó, cô Thông trăn trở tìm cách giúp đỡ các em.

Người mẹ hiền và lớp học tình thương

Năm 2001 về hưu, thấy nhiều cháu đến tuổi đi học không được đến trường, nhiều người lớn chưa biết chữ. Cô đến gõ cửa từng nhà, vận động cha mẹ các em cho con tới lớp của cô. Ngày 10/2/2002, cô khai giảng lớp học ở ngay căn nhà hai gian của mình, với 16 em nhiều độ tuổi. Lớp học thiếu bàn, ghế, cô lên xin  trường cấp 1 được ít bàn ghế gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho các cháu ngồi tạm. Thương học sinh, cô bê cả bàn uống nước, tháo cánh cửa nhà, cửa bếp làm bàn ghế cho học sinh. Nhiều hôm cô trò đang học thì trời đổ mưa, mái nhà bị mưa hắt, mấy cô trò mang áo mưa che đậy để nước đỡ chảy xuống nền. Giáo trình ở lớp học tình thương này cũng không giống bất kì trường lớp nào, bởi những học sinh của cô lớn có, bé có, đều học cùng. Học trò hầu hết chưa biết mặt chữ, nhiều cháu trí nhớ kém, học trước quên sau. Tan học, các em lại ném sách vở vào góc nhà, đi nhặt rác, nhặt ngao, ốc mưu sinh. Hành trình đưa con chữ tới học trò của cô cũng khó khăn như sự mưu sinh của các em. Vừa đảm nhiệm vai trò người thầy trên bục giảng, cô vừa đảm nhiệm thiên chức của người mẹ, lo cho các em từ sức khỏe đến ăn mặc. Cô còn đi xin quần áo cũ ở các gia đình trong xã về cho các em. Vì thế, học trò gọi cô bằng cái tên trìu mến “mẹ Thông”. Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của cô được nhiều người biết đến, nhiều phụ huynh đăng kí cho con em tham gia. Cô còn mở thêm lớp dạy ban đêm cho những người lớn tuổi. Đến nay, cô đã dạy được hàng trăm em biết đọc, biết viết thành thạo, nhiều em sau khi được cô dạy đã chuyển vào học tại các trường tiểu học. Nhiều trường hợp đang học tại trường do tiếp thu kiến thức chậm, không theo kịp chương trình học, nhà trường lại gửi vào lớp học của cô. Lớp học ban đêm của cô cũng đã xóa mù chữ cho 43 người lớn tuổi… Nhiều thế hệ trưởng thành, vẫn luôn nhắc và nghĩ về cô như người khơi nguồn ánh sáng, lật giở những trang buồn của tuổi thơ sang trang mới nhiều niềm vui, tươi sáng hơn.

Đã bước sang tuổi 68, mái tóc ngả bạc nhưng những trăn trở không nguôi của cô giáo Thông còn hằn in trong đôi mắt. Được chèo lái con thuyền tri thức và chắp cánh cho mỗi thế hệ học trò là niềm vui lớn của cô. Tạm gác những khó nhọc của cuộc đời, quên đi nỗi cô đơn, buồn tủi vì đã hi sinh tuổi thanh xuân, quên đi giấc mơ về một mái ấm gia đình, những ánh mắt trẻ thơ, cô vẫn miệt mài với công việc gieo chữ thầm lặng của mình nơi chân sóng Ngư Lộc. Bởi hơn ai hết, cô hiểu, cái nghèo đeo bám nơi vùng quê là thiếu vắng ánh sáng của tri thức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật