Tôi muốn “cho” ân nhân một đứa con

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi 27 tuổi và đang làm kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhìn cuộc sống ổn định của tôi hiện nay, không ai biết rằng tôi từng có một quá khứ sóng gió và đáng khinh bỉ.
Tôi muốn “cho” ân nhân một đứa con
Ảnh minh họa

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó vùng ven biển Tiền Hải, Thái Bình. Trong một lần ra khơi đánh cá, bố tôi đã mãi mãi không trở về bỏ lại người vợ trẻ với đứa con chưa đầy 5 tháng tuổi. Hai mẹ con tôi rau cháu nuôi nhau trong suốt những năm tháng khó khăn đó.

 

Trong khoảng thời gian tôi mới tốt nghiệp phổ thông trung học, mẹ tôi được bác sĩ chẩn đoán là đã mắc căn bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu không được chữa trị kịp thời, mẹ tôi có thể phải đối mặt với tình huống xấu nhất bất cứ khi nào. Nghe bác sĩ nói, tôi và mẹ đã khóc đến cạn cả nước mắt.

 

Nhà tôi chạy ăn từng bữa còn chẳng đủ thì lấy đâu ra số tiền cả chục triệu như vậy. Nhưng nếu không có tiền, tôi có thể phải mất mẹ mãi mãi. Tôi đã không có bố, tôi không thể không có mẹ được. Tôi bỏ thi đại học và suốt ngày chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay mượn tiền mong đưa được mẹ lên bệnh viện tỉnh mổ tim. Họ hàng, làng xóm, người quen rất thương cảm và muốn giúp đỡ mẹ con tôi nhưng họ đều nghèo khổ nên mỗi người cũng chỉ giúp được năm ba chục mà thôi. Đã có lúc tôi tuyệt vọng và nghĩ quẩn rằng nếu mẹ lỡ có bề gì, tôi sẽ “đi” theo mẹ để hai mẹ con không bao giờ phải rời xa nhau nữa.

 

Mọi chuyện bất ngờ chuyển sang một hướng khác khi bà Nương, một người bạn của mẹ tôi hồi nhỏ đột ngột trở về làng sau nhiều năm bỏ đi biệt tích. Khi ấy, bà ta đã là một người giàu có, sang trọng. Biết câu chuyện thương tâm của gia đình tôi, bà đã đồng ý cho vay tiền mà không đòi hỏi phải thế chấp bất cứ thứ gì.

 

Nhờ có tiền của bà mà mẹ tôi đã khỏe hơn nhiều, có thể tự mình làm được những việc vặt trong nhà. Khi ấy, bà Nương mới đề nghị mẹ tôi cho tôi đi bán hàng quần áo cho bà ở Sài Gòn. Ăn ở bà nuôi, tối bà sẽ cho tiền đi học thêm ở trung tâm luyện thi đại học và hàng tháng sẽ gửi về cho mẹ tôi 800 nghìn để mẹ thuốc thang chữa bệnh. Mẹ tôi mừng lắm nên đã cảm ơn bà ta rối rít. Dù không muốn để mẹ ở nhà một mình nhưng tôi nhận thức được rằng không có cách nào tốt hơn việc theo lời bà ta.

 

Đến Sài Gòn, tôi mới tá hỏa khi biết rằng bà ta không phải là chủ cửa hàng quần áo như đã nói với mẹ mà là chủ của một nhà hàng karaoke kiêm kinh doanh luôn nhà nghỉ. Bà nuôi tới gần một chục cô gái độ tuổi như tôi chỉ để “chiều lòng” khách đến hát và thuê phòng qua đêm. Sợ hãi, tôi khóc lóc đòi về nhà thì được bà nhắc rằng mẹ con tôi còn nợ bà gần hai chục triệu, nếu không trả được nợ ngay bây giờ thì đừng hòng mà nghĩ đến chuyện ra khỏi đây.

 

Tôi định trèo tường trốn ra ngoài thì bảo vệ trong nhà hàng bắt lại và đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, bị giam lỏng và bỏ đói đến ngất xỉu. Bà Nương điên tiết nói nếu tôi không chịu tiếp khách, bà ta sẽ về quê cho người đập nát nhà tôi ra, và đánh cho mẹ tôi đến khi nào trả được nợ thì thôi. Đánh đập chán, bà ta lại dỗ ngon ngọt rằng tôi chỉ phải tiếp khách vài lần thôi, có tiền trả hết nợ rồi, bà ta sẽ cho tôi đi.

 

Tôi đã nuốt nước mắt mà bán mình trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng đó là một mụ Tú Bà hiểm độc. Tôi chịu bao giày vò, đau đớn về thể xác, nhục nhã về tinh thần nhưng được đồng nào thì đều bị mụ cướp hết. Thế nên, tôi đã sống trong tổ quỷ đó gần hai năm, ê chề tiếp bao nhiêu lượt khách, kiếm cho bà ta bao nhiêu tiền nhưng không bao giờ có thể trả nổi món nợ đó. Tôi nhiều lần muốn t‌ּự t‌ּử nhưng nghĩ đến mẹ là tôi lại thấy mềm lòng. Tôi mà chết, mẹ tôi lấy đâu ra tiền để chữa bệnh? Nên tôi cứ cắn răng mà chịu đựng cuộc sống khổ nhục đó.

 

Sau đó thì tôi gặp Đức trong một lần anh tiếp khách ở nhà hàng nơi tôi đang “làm việc”. Đức mới khoảng ngoài 30 tuổi, là giám đốc một công ty tư nhân. Tôi chính là người được lựa chọn để “giải sầu” cho anh đêm đó. Thú thực, đã quen với việc tiếp khách nên tôi cũng chả mấy quan tâm xem người mình sẽ tiếp là ai. Lần nào cũng vậy, tôi chỉ muốn mau chóng “xong việc” cho nhẹ nợ. Nhưng hôm tiếp Đức thì khác.

 

Ngay từ đầu anh đã nói anh không muốn làm “chuyện đó”, do phía đối tác cứ gợi ý nên anh phải chiều anh ta cho được việc. Cũng như những người mới quen khác, chúng tôi hỏi tên tuổi của nhau và kể chuyện về hoàn cảnh gia đình mình. Đức bắt đầu câu chuyện của anh trước. Anh nói mình đã có gia đình được 2 năm nay. Trước khi lấy nhau, hai người đã có một tình yêu đẹp kéo dài trong 4 năm. Vợ anh rất xinh đẹp và hiền lành. Cô ấy nấu ăn khéo đến mức anh thậm chí chẳng bao giờ muốn đi ăn cơm nhà hàng mà chỉ muốn về nhà thưởng thức những món ăn do chính cô ấy chuẩn bị. Chỉ cần anh ấy nói điều đó, tôi đã hiểu là cuộc sống của họ hạnh phúc đến mức nào.

 

Tôi buột miệng hỏi anh có mấy con. Anh lắc đầu buồn bã, giọng có phần hơi nghẹn lại: “Chúng tôi chưa có con. Đó là mối quan tâm số một của vợ chồng tôi hiện nay”.

 

Đồng cảm với anh, từ lúc nào, tôi cũng bắt đầu kể về câu chuyện của mình, rất chi tiết và thành thực. Anh thực sự rất xúc động. Như trong phim, người đàn ông đó đã đề nghị được giúp đỡ tôi thoát khỏi “tổ quỷ” này. Bài học về cái gọi là “lòng tốt” của người lạ từ sau vụ việc của bà Nương tôi đã quá thấm thía. Nhưng sự chân thành, đồng cảm chứ không phải sự thương hại trong mắt anh đã khiến tôi nhận sự giúp đỡ đó. Anh bỏ tiền ra để chuộc tôi và hơn thế nữa, còn cho tôi vào công ty anh làm tạp vụ để tôi có đồng lương sống qua ngày. Tuy chạm mặt nhau suốt ngày nhưng anh không hề có ý định lợi dụng tôi. Tôi càng nghĩ càng biết ơn anh, thậm chí tôi đã tự hứa với lòng mình là sẽ làm tất cả để báo đáp cho anh.

 

Trong thời gian làm ở công ty anh, tôi đỗ vào một lớp đại học tại chức chuyên ngành kế toán. Anh rất mừng và còn giúp đỡ tôi rất nhiều, còn cho tôi tiền để mua giáo trình và tài liệu học tập. Sau 5 năm học tập, tôi tốt nghiệp lớp tại chức kế toán với tấm bằng giỏi. Đức đã chu đáo xin cho tôi một chân kế toán ở công ty của bạn anh. Lương lậu không cao nhưng cũng đủ để tôi trang trải cho cuộc sống của mình.

 

Thời gian này, tôi biết anh đang phải đối mặt với một áp lực ghê gớm. Tính đến nay, anh đã lấy vợ được 7 năm mà vẫn chưa có con. Anh là con trai độc đinh trong một dòng tộc còn nặng nề về lễ giáo phong kiến. Bố mẹ anh đã ép anh chị phải có con trong năm nay nếu không thì đừng nhìn mặt các cụ nữa. Các cụ không biết rằng vợ anh đã được bác sĩ chẩn đoán vô sinh từ mấy năm về trước. Anh chị đã đi chữa trị ở rất nhiều nơi, thậm chí sang cả Singapore nhưng cũng không thể cải thiện tình hình. Anh rất yêu vợ và không muốn vì chuyện này mà hai người phải xa nhau. Nhưng anh chị cũng không thể giấu mãi cha mẹ chuyện này được.

 

Thực sự tôi rất thương anh và mong muốn mình có thể làm gì đó để trả ơn ân nhân của mình. Tôi đã nghĩ đến chuyện “đẻ hộ” cho anh một đứa con để anh có người nối dõi tông đường. Nhưng tôi không biết phải mở lời với anh thế nào. Liệu anh có cho rằng tôi là loại đàn bà tệ bạc, đáng khinh? Nếu làm như thế, tôi có vi phạm pháp luật?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật