Chuyện hy hữu: 16 bị cáo được tuyên trắng án

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Viện quy kết tội tham ô tiền phí cầu đường, tòa sơ thẩm tuyên vô tội do không chứng minh được thiệt hại.

viện quy kết tội tham ô tiền phí cầu đường, tòa sơ thẩm tuyên vô tội do không chứng minh được thiệt hại.

Không đồng tình với phán quyết của TAND thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), mới đây VKSND thị xã đã kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng có tội đối với 16 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên trạm thu phí Phước Hòa, Phú Cường. Phần lớn các bị cáo đều đã bị tạm giam từ bảy tháng đến một năm...

Khoán để thu phí

Tháng 4/1995, Võ Bảy được làm đội trưởng Đội thu phí cầu Phước Hòa (huyện Phú Giáo). Việc thu phí thông thường phải thông qua bán vé nhưng Bảy đã dựa vào chỉ tiêu hàng năm của Sở Giao thông Vận tải “linh động” khoán cho từng ca trực. Số tiền khoán nộp bao gồm khoản tiền phải nộp vào ngân sách (phù hợp với số vé bán ra), tiền để lập quỹ đội và... tiền chia đều cho nhân viên trong ca trực. Riêng Bảy được hưởng khoảng 1/4 phần tiền chia riêng của mỗi người.

Theo chủ trương này, hàng ngày các ca trực đều cho tất cả xe qua cầu và chỉ xuất vé cho xe nào có nhu cầu. Cuối mỗi ca, ca trưởng nộp tiền khoán cho Bảy và hủy vé cho phù hợp. Trung bình mỗi nhân viên được chia từ vài chục ngàn đến hơn một triệu đồng trong một ca trực. Bảy cũng đã thu về cho mình số tiền tương ứng như đã thỏa thuận.

Đầu năm 2002, toàn đội được chuyển về thu phí cầu Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một). Cũng với cách khoán phí như trên, đội tiếp tục ăn chia tới tháng 12/2002 thì bị phát hiện. Cả 17 người trong đội đều bị khởi tố, trong đó có một người đã chết nên được đình chỉ điều tra.

“Luẩn quẩn” định tội danh

Ban đầu, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội nhận hối lộ. Gần một năm sau, Bảy bị khởi tố thêm tội tham ô tài sản nhưng đến năm 2004, Bảy được đình chỉ điều tra tội danh này. Đồng thời, 15 bị can còn lại bị thay đổi tội danh sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Cuối cùng, tất cả đều bị truy tố tội tham ô tài sản.

Về mặt thiệt hại, đầu tiên các bị can khai chiếm đoạt hơn 6,5 tỷ đồng, đã chia nhau tiêu xài hơn 3,7 tỷ đồng, lập quỹ trái phép và chi sai nguyên tắc gần ba tỷ đồng. Sau đó, họ lại khai chỉ chiếm đoạt hơn 160 triệu đồng, chia nhau tiêu xài hơn 67 triệu đồng, còn lại để lập quỹ trái phép và chi sai nguyên tắc. Dựa vào những con số các bị can khai sau này, VKS tỉnh đã lập cáo trạng truy tố họ ra tòa nhưng ủy quyền cho VKS thị xã giữ quyền công tố.

Chứng cứ buộc tội yếu

Tháng 3/2007, TAND thị xã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, nhận thấy tài liệu chứng cứ không đủ yếu tố buộc tội, tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Kết quả điều tra bổ sung sau đó vẫn không có gì mới và VKS giữ nguyên cáo trạng truy tố ban đầu.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai mới đây, tất cả 16 bị cáo đều không thừa nhận có hành vi tham ô tài sản. Họ cho rằng số tiền hơn 67 triệu đồng mà cáo trạng quy kết họ chiếm đoạt thật ra là phần tiền thừa thối lại cho tài xế nhưng tài xế không nhận và tiền tài xế bồi dưỡng riêng cho họ. Đây không phải là khoản tiền thu được do không xuất vé khi xe qua trạm. Cạnh đó, số tiền này các bị cáo chia từng ít một sau mỗi ca trực và đã tiêu xài hết nên... không thể nhớ chính xác tổng số tiền mỗi bị cáo được chia là bao nhiêu. Khoản tiền mà các bị cáo nộp tại cơ quan điều tra là do ước lượng, hoàn toàn không có cách tính cụ thể hay dựa vào tiêu chí nào.

Ngoài ra, các bị cáo cũng không thừa nhận có hành vi cùng nhau bàn bạc lập quỹ với số tiền gần 90 triệu đồng để chi các khoản không đúng nguyên tắc tài chính.

Các luật sư bào chữa lập luận, các chứng cứ trong hồ sơ chỉ đủ kết luận số tiền hơn 67 triệu đồng là các bị cáo được tài xế cho. Việc cơ quan điều tra yêu cầu các bị cáo giao nộp số tiền này rồi lại căn cứ vào số tiền này để buộc tội tham ô tài sản là không đúng, không khách quan. Hơn nữa, các khoản bị coi là chi sai nguyên tắc nằm trong khoảng 5% là nguồn quỹ của đội, được Sở Giao thông Vận tải cho phép. Đó là chưa kể các bị cáo không được giao quản lý tài sản thì không thể truy tố họ về tội tham ô bởi đây là một trong những yếu tố bắt buộc cấu thành tội này.

Về phần mình, đại diện nguyên đơn dân sự là Sở Giao thông Vận tải tỉnh xác nhận họ không có thiệt hại gì trong vụ này. Do đó, luật sư cho rằng không có căn cứ để chứng minh sự thiệt hại (số tiền nhà nước bị chiếm đoạt). Mà không có thiệt hại thì không thể có chuyện tham ô.

Trắng án

Tòa sơ thẩm nhận định, việc các bị cáo thay đổi lời khai trong quá trình điều tra cho thấy cơ quan điều tra chưa đủ chứng cứ chứng minh số tiền các bị cáo chiếm đoạt. Hơn nữa, cơ quan điều tra cũng không chứng minh được tổng số lượng xe qua cầu để đối chiếu với số tiền các bị cáo nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó mới quy ra số tiền nhà nước bị thất thu. viện dẫn Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa cho rằng không thể dùng lời nhận tội của các bị cáo để làm chứng cứ kết tội. Cạnh đó, lời nhận tội đó đã bị thay đổi qua từng giai đoạn điều tra và các bị cáo đã phủ nhận tại tòa nên không đủ cơ sở để chứng minh các bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 67 triệu đồng như cáo trạng truy tố.

Ngoài ra, căn cứ vào các phiếu chi viết tay, hóa đơn của các hàng quán..., cáo trạng quy kết số tiền gần 90 triệu đồng là “quỹ đen” và chi sai nguyên tắc để xử lý các bị cáo cũng là chưa có cơ sở. Trong số này có phiếu ghi thời gian lâu nhất là cuối năm 1995, gần nhất là cuối năm 2002, số còn lại không thể hiện thời gian chi. Trong khi đó, có bị cáo đến năm 1996, 1997 hoặc thậm chí đến năm 2000 mới về nhận công tác ở đội thu phí nhưng vẫn bị buộc phải chịu trách nhiệm đối với các khoản chi trước khi về công tác là không thể chấp nhận. Hơn nữa, không thể phân biệt được đâu là “quỹ đen” với quỹ 5% hợp pháp để chi các khoản phục vụ hoạt động của đội như tiếp khách, ma chay...

Từ các nhận định trên, cuối cùng tòa quyết, tất cả 16 bị cáo không phạm tội.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương:
Nhắm mắt cũng thấy oan

Qua diễn biến tại tòa cũng thấy đại diện cho Sở Giao thôngVận tải khai cơ quan chủ quản không bị thất thoát thì HĐXX thiếu hết một căn cứ để buộc tội. Cáo trạng xác định hơn 156 triệu đồng là tài sản chiếm đoạt (tham ô) nhưng lại không đưa ra được những bằng chứng cụ thể để chứng minh ai phạm tội, phạm tội lúc nào, người nào với người nào, bao nhiêu lần, cụ thể mỗi lần ra sao... để kết tội, để cá thể hóa hình phạt. Vụ án này có nhiều bị cáo nên rất phức tạp. Vì vậy phải làm rõ những bị cáo nào trong thời gian bảy năm tham gia từ đầu đến cuối, bị cáo nào tham gia sau chứ gộp chung vào nhau thì có người oan. Kết tội chung chung, “kết tội tập thể” là trái luật.

Theo tôi, vụ này đã bị cắt xén, bỏ lọt tội phạm, hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ đã rõ mà truy tố tội tham ô. Cá nhân tôi thấy phải điều tra, truy tố, xét xử lại cho rõ ràng, minh bạch hơn vì vụ án này làm chưa hoàn chỉnh. Là cơ quan xét xử nên lúc nào cũng phải nằm lòng “không làm xấu đi tình trạng của bị cáo”, còn trong Bộ luật TTHS, “lời nhận tội chưa phải là cơ sở để kết tội”.

Về trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải để cấp dưới phạm tội kéo dài thì giám đốc cũng phải chịu trách nhiệm. Đây là phí phải do HĐND quyết, Sở khoán là chưa đúng. Chủ trương sai thì ai đưa ra sai phải chịu trách nhiệm như người thực hiện mới công bằng. Người đưa ra chủ trương không phạm tội mà người thực hiện phạm tội là bỏ lọt tội phạm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật