Miền Trung, còn gì sau bão?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sao bão Wutip, những thống kê thiệt hại về nhà sập, nhà trôi, nhà tốc mái, cây cối mùa màng hư hại, số người chết, bị thương vẫn đang được các phóng viên tác nghiệp ở các địa bàn gửi về Tòa soạn. Các thống kê đều vẫn đang tăng, dù bão đã đi qua 4 ngày.
Miền Trung, còn gì sau bão?
Nhà cửa tan hoang sau cơn bão.

Bão đi qua, hoang tàn, đổ nát, nước mắt tang thương ở lại. Chúng tôi tự hỏi: Tết này lại thêm bao nhiêu ngôi nhà hoang lạnh khói nhang ông bà, tiên tổ? Dọc quốc lộ (QL) 1A này, chỉ mươi, mười lăm ngày nữa thôi, bao nhiêu người dân quê khô gầy ôm chiếc túi vải xác xơ nhảy xe đò thiên di về phương Nam, mưu sinh với nhọc nhằn hè phố, lề đường?

Chiều tối 30/9, khi bão gió ầm ầm trên đất trời miền Trung, cả Hà Nội, Sài Gòn đều dịu nhẹ mây trời, những người con miền Trung xa quê thấp thỏm theo dõi cơn bão dữ qua tivi, cập nhật qua mạng Internet, đau đáu lòng quê từng giây, từng phút theo từng cơn giật của mưa gió bão bùng. Chừng mươi, mười lăm phút, khi chúng tôi đang ở giữa vùng tâm bão lại có điện thoại từ những anh em đồng hương ở phương Bắc, miền Nam hỏi hối hả: “Bão răng rồi? Bà con ra răng?”.

Chúng tôi nghĩ, qua điện thoại họ sẽ nghe tiếng mưa gầm, gió rít, cây cối rầm rầm ngã đổ... họ thổn thức lắm, đêm ấy chắc không ngủ được... Vì không có nhiều thời gian để thông báo cặn kẽ, chỉ ngắn gọn vài lời rằng: “kinh khủng lắm. Khắp nơi tan nát hết rồi! Dân quê mình lại một cái tết đầy lo âu”.

Mươi ngày trước, đất miền Trung nắng nóng bỏng chân, gió lùa khô họng. Đi dọc Bình - Trị - Thiên, Thanh - Nghệ - Tĩnh mà như nếm được cái vị mặn chát của nắng gió nơi đầu lưỡi. Nhưng cũng chỉ mấy hôm sau thôi, dải đất như một vệt mực nhỏ nhoi vắt qua bản địa đồ lại phải dầm mình trong những cơn bão to, lũ dữ nối tiếp, dập dồn. Những con người lấm lem bùn đất đang vật lộn bên căn nhà đã tan tành, giữa bùn nước mênh mông để kiếm tìm những thứ còn sót lại.

Ám ảnh mãi cảnh em bé gái ở xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tay cầm gói mì tôm sống, nhai tạm qua cơn đói mà như nghẹn… Em trai nhỏ tranh thủ chút nắng yếu ớt bên QL 1A qua Triệu Phong (Quảng Trị) để hong lại mấy cuốn tập vở, cuốn sách vớt lại được giữa bạt ngàn nước mênh mông. Bà mẹ già sục bùn tìm lại chén bát, nồi xoong nửa vỡ nửa còn, méo mó, phơi lại thúng gạo đã mốc meo…

Có những mái đầu bạc vật vã khóc đưa tiễn mái đầu xanh, những người trụ cột gia đình ra đi chưa một lời dặn dò con cháu. Những gia đình mất cha, những đứa con côi từ nay vắng mẹ… Rồi cảnh vị cán bộ Phó Sở ở Nghệ An được vớt lên cùng những gói mì tôm chưa kịp phát cho người dân vùng lũ… Đau đớn chất chồng thành vết thương khắc sâu vào trong ý niệm.

Em trai phơi lại sách vở bên QL1A, đoạn qua Triệu Phong (Quảng Trị).

Và cứ thế, sau mỗi đận thiên tai không chỉ người dân miền Trung xa xứ lại nao lòng hướng vọng mà tấm lòng đồng bào cả nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài lại dang tay ôm lấy miền Trung, cùng sẻ chia nghĩa tình, hoạn nạn với khúc ruột mến thương. Cũng như ý niệm trong trong câu hát: “Thương nhau, câu hát cong hai đầu. Yêu nhau gừng cay muối mặn...”.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Báo Pháp Luật Việt Nam kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước hãy ủng hộ, đóng góp nhằm giúp đỡ người dân các tỉnh Bắc Trung bộ khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, sớm vượt qua khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật