Ngư dân đứt gánh mưu sinh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơn bão số 10 đổ vào Quảng Bình đã đánh vỡ hàng trăm chiếc tàu của ngư dân, đẩy nhiều ngư dân bỗng chốc lâm vào cảnh kiệt quệ...
Ngư dân đứt gánh mưu sinh
Ngư dân xã Đức Trạch sửa lại tàu cá bị gió bão đánh vỡ.

Gia sản tan tành

Làng biển Cảnh Dương nằm ở cửa sông Roòn, người dân bao đời bám biển mưu sinh. Làng dần thoát ra khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu cũng nhờ nghề biển. Cảnh Dương hiện có 373 tàu cá công suất từ 20CV trở lên, đây là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất của huyện Quảng Trạch.

Thế mà khi cơn bão số 10 quét qua, chưa khi nào người dân nơi đây lại chịu sự tổn thất về tài sản lớn đến vậy. Bão tan, ngư dân Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi) ra bờ sông, nhìn chiếc tàu cá QB 93064 của gia đình bị vỡ toang, mà đứt từng khúc ruột. “Tàu tui neo chằng chéo rất kỹ rồi, rứa mà vẫn cứ bị sóng đánh vào bờ, vỏ tàu bể toang, máy móc cũng bị hư, ngư lưới cụ trôi hết…” – anh Anh nói trong nước mắt.

Cạnh đó, ông Đồng Thanh Hòa - chủ tàu QB 93842 ngồi bần thần sau chiếc tàu đã bị sóng đánh vào bờ làm vỡ nát phần đuôi, nước ngập cả khoang tàu, máy móc hỏng hóc, dụng cụ mất sạch. Ông Hòa cho biết, con tàu này được ông mua lại 2 năm trước, trị giá gần 1 tỷ đồng. “Hai năm qua đánh bắt không được bao nhiêu, nợ nần chưa trả xong, cả gia tài của gia đình tui coi như bị bão đánh bay xuống biển mất rồi”- ông Hòa nghẹn ngào nói.

Ông Phạm Phi Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, mặc dù đã được che chắn cẩn thận nhưng cơn bão số 10 đã đánh vỡ 139 chiếc tàu cá của địa phương, trong đó có 39 chiếc bị hư hỏng hoàn toàn.

“Theo thống kê sơ bộ, trong cơn bão dữ này, xã Cảnh Dương bị thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng thì trong đó thiệt hại về tàu thuyền của ngư dân đã lên đến 23 tỷ đồng”- ông Hùng nói.

Ở xã Đức Trạch (Bố Trạch), hàng chục chiếc tàu cá đã được neo đậu rất cẩn thận vậy mà gió bão vẫn không buông tha, trong đó có nhiều chiếc tàu ngư dân vừa đầu tư đóng mới có giá 2-3 tỷ đồng, chưa kịp hạ thuỷ cũng đã bị bão đánh vỡ tan tành.

Đứt đường mưu sinh

Sau bão, ngư dân Nguyễn Văn Tiền (36 tuổi) ở thôn Trung Đức, Đức Trạch (Bố Trạch) phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn tiền để sửa lại chiếc tàu cá vừa hoàn thành trị giá gần 3 tỷ đồng, chưa kịp hạ thuỷ đã bị bão đánh tan một nửa thân, gỗ bị nước cuốn trôi ra biển.

Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, ngoài 113 tàu cá bị hỏng nặng, ngành thuỷ sản Quảng Bình còn thiệt hại nặng nề với 289ha nuôi trồng bị mất trắng (chủ yếu là cá, may mắn là vụ tôm bà con nông dân đã thu hoạch xong- PV), ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Thế nhưng, số người có khả năng sửa lại tàu cá như ông Tiền trong hoàn cảnh hiện tại là rất hiếm hoi. Gặp chúng tôi, nhiều ngư dân cho biết, họ đã vay tiền ngân hàng để đóng tàu đi biển, bây giờ nợ chưa trả hết, nên khó mà gượng dậy sau mất mát này.

“Ngư dân suốt đời bám biển, đương đầu với sóng to, gió lớn ngoài biển khơi đã quá cực khổ, nay tàu đã vào bờ mà vẫn bị bão lấy đi hết cả gia tài, cắt đứt đường mưu sinh…” - một ngư dân than thở.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB& TKCN tỉnh Quảng Bình, trong cơn bão này toàn tỉnh có 113 chiếc tàu cá bị bão đánh vỡ, điều này cũng đồng nghĩa với việc 113 chủ tàu bị trắng tay (trung bình mỗi tàu cá có giá trị khoảng 2 tỷ đồng), mang nợ sau bão và hàng ngàn lao động nghề biển sẽ mất công ăn việc làm.

Chiều 3.10, trao đổi với NTNN, ông Trần Đình Du – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, hiện tại Sở đang đi kiểm tra tình hình thiệt hại của bà con ngư dân. Trước mắt, Sở sẽ cử cán bộ kỹ thuật giúp ngư dân trục vớt tàu chìm, sửa chữa máy móc của tàu hỏng, giúp ngư dân mau vượt qua khó khăn này để tiếp tục bám biển mưu sinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật