Gượng dậy sau siêu bão

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân Bắc Trung bộ lầm lũi thu dọn “bãi chiến trường” do siêu bão số 10 gây ra. Tuy nhiên, những thiệt hại nặng nề ngày một tăng lên…
Gượng dậy sau siêu bão
Ông Nguyễn Văn Cam (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tu sửa lại mái nhà sau khi bị bão cuốn bay

thiệt hại ngày một tăng

Tại Quảng Trị, lực lượng phản ứng nhanh trong bão lũ gồm công an, quân sự, biên phòng, đoàn, hội thanh niên... về các vùng bị thiệt hại nặng để giúp dân khắc phục hậu quả. Hơn 3.000 ngôi nhà bị bão làm tốc mái tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Đakrông đã được trợ giúp khắc phục tránh để dân phải trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Theo ông Phan Văn Kiều - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị - hầu hết các trường bị tốc, đổ cây xanh, sập tường rào, cổng trường... Một số trường bị mất điện, nước sinh hoạt, nặng nhất là các trường trên 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Ở Quảng Bình, theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đình Nhân: “Tất cả các huyện, trường tốc mái, cửa kính vỡ, hàng rào sập, nhà xe đổ…”. Ảnh hưởng nặng nhất là huyện Quảng Trạch thiệt hại lên đến 83 tỷ đồng. Bão số 10 cũng khiến 113 tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình bị chìm, mất tích và hư hỏng nặng. Trong đó có 24 tàu thuyền bị chìm và mất tích (TP Đồng Hới 15 tàu, huyện Quảng Ninh 8 tàu, huyện Bố Trạch 1 tàu).

Ngoài ra, có 89 tàu thuyền bị hư hỏng nặng, trong đó huyện Quảng Trạch có 48 chiếc, Đồng Hới 29 chiếc, Bố Trạch 12 chiếc. Tổng thiệt hại về tàu thuyền ước khoảng 37 tỷ đồng. Tỉnh này đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương hỗ trợ 10.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân và 480 tỷ đồng kinh phí để khắc phục khẩn cấp các công trình giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất... Bên cạnh tài sản, Quảng Bình cũng đã có 7 người chết; Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh đã có 1 người chết xảy ra vào hôm qua 2/10.

Tại Nghệ An, chính quyền địa phương và người dân cũng đang tập trung khắc phục hậu quả của bão lũ. Mưa lũ đã làm 3 người chết, 2 người bị thương, 1 người mất tích ở tỉnh này.

Tại Hà Tĩnh, hồ Kẻ Gỗ  mở cửa xả tràn từ sáng 2/10 ở mức 50 m3/s (tối đa là 200 m3/s, gây ngập lụt trên diện rộng tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Vĩnh, Cẩm Thạch của huyện Cẩm Xuyên và 5 xã Thạch Hương, Thạch Điền, Thạch Xuân, Thạch Đài và Nam Hương của huyện Thạch Hà. Gần 9.000 học sinh hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà  đã phải nghỉ học.

Tại huyện Kỳ Anh sự cố 388 cột điện bị gãy đổ, 70.158 m đường dây điện nông thôn bị đứt, toàn bộ hệ thống điện tê liệt, hiện cơ quan chức năng đang tâp trung mọi nguồn lực khắc phục sự cố lưới điện của dân sinh và KKT Vũng Áng trong thời gian sớm nhất. Hàng ngàn học sinh ở các xã vùng ngoài đê Đức Thọ như: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu, Đức La, Đức Quang, Đức Vĩnh vẫn chưa thể đến trường gần 2 tuần do nước ngập. Một số trường của huyện Hương Sơn cũng phải cho học sinh nghỉ học và sẽ tổ chức học bù trong ngày nghỉ bão khi nước rút.

Tại Thanh Hóa, sau khi lũ đi qua, cảnh hoang tàn hiện rõ trên những cánh đồng, thôn xóm trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Nhiều hộ gia đình chỉ biết thở dài ngao ngán vì bao nhiêu tài sản đã bị lũ cuốn trôi ra biển lớn. Theo thống kê từ UBND huyện Tĩnh Gia, mưa lớn làm vỡ 4  hồ đập là Hồ Đồng Đáng, Hồ Thung Cối xã Phú Lâm, đập Khe Luồng, đập Thoi Loi. Hơn 700 ha lúa đang vào mùa thu hoạch bị mất trắng, 507 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và mất trắng, hơn 10 ngàn gia súc, gia cầm, thiết bị máy tính trường học.. bị trôi theo dòng lũ, tổng ước tính thiệt hại khoảng 135 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy huyện Tĩnh Gia - Trương Bá Phúc cho biết: “Đa số những người dân ở vùng lũ bị ảnh hưởng là những xã nghèo nên khi lũ đi qua đời sống của người sẽ gặp muôn vàn khốn khó. Trong những ngày tới chúng tôi tiếp tục huy động các lực lượng trực tiếp xuống từng gia đình hỗ trợ, đồng thời giúp dân làm lại nhà cửa, bên cạnh đó phối hợp với các sở ban ngành làm sạch môi trường, phòng tránh dịch bệnh bùng phát sau lũ, cấp thuốc cho bà con.”.

Những tấm lòng hảo tâm đến với người dân bị nạn

Trong các ngày 1, 2 và 3/10, nhiều đoàn cứu trợ của các cấp ngành trong và ngoài các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vẫn khẩn trương tổ chức thăm hỏi các địa phương có người chết, thiệt hại. Ngày 3/10, đoàn cứu trợ của Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN TP. Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận  làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, ủng hộ tỉnh Quảng Bình 2 tỷ đồng; trao 400 suất quà trị giá 200 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại tại các xã Sơn Lộc, Phú Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương, Quảng Phương (Quảng Trạch).

Tại Nghệ An, sáng 3/10, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Quỳnh Lưu và công an thị xã Hoàng Mai đã ra quân tình nguyện giúp nhân dân dọn dẹp lại nhà cửa, nạo vét, khơi thông, vệ sinh một số tuyến đường của xã Quỳnh Vinh, phường Quỳnh Thiện, tặng 60 thùng mỳ tôm cứu trợ cho nhân dân xóm 16, 20 của xã Quỳnh Vinh. Cũng trong sáng ngày 3/10, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cùng đại diện các phòng, ban, ngành đoàn thể huyện đã đến trao số tiền cứu trợ 100 triệu đồng cho nhân dân thị xã Hoàng Mai bị lũ lụt do bão số 10.

Chiều 3/10, tại Văn phòng UBND tỉnh, đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Rảnh - Trưởng ban Dân vận Thành ủy - làm trưởng đoàn đã đến trao món quà trị giá 700 triệu đồng nhằm chia sẻ những khó khăn cho người dân vùng lũ Nghệ An. Cùng ngày, tại Văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đại diện đón nhận 32.000 ly sữa cứu trợ do Ngân hàng Bắc Á kết hợp với Cty CP sữa TH và 2 tấn gạo do Cty TNHH Văn Minh tặng cho người dân vùng lũ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật