ĐH tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại VN?

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ những năm 1990s, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện một số trường ngoài hệ công lập. Bắt đầu gọi là dân lập, bán công, v.v… Khoảng hai - ba năm trước, Việt Nam đưa ra loại hình trường ĐH tư thục. Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương chuyển tất cả loài hình này thành trường tư thục. Một số trường ĐH tư thục mới bắt đầu xuất hiện.
ĐH ngoài công lập của VN: Vì lợi nhuận
 
Thực chất của những trường tư thục ở Việt Nam đều là trường vì lợi nhuận, mặc dù luật không nói một cách rõ ràng và các trường tư thục cũng không muốn đề cập công khai đến đề tài nhạ‌y cả‌m này (trong quy chế trường ĐH tư thục năm 2005, có tất cả các từ “cổ đông”, “góp vốn”, “tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư”, “phân chia thu nhập”,…, nhưng không có các từ “cổ tức”, “lợi nhuận”). Tính chất vì lợi nhuận thể hiện rõ qua việc có các cổ đông cùng nhau quản lý trường và phân chia lợi nhuận (tức là cổ tức) .  
 
Việc các ĐH ngoài công lập được mở ở Việt Nam thời gian qua là rất đáng hoan nghênh. Các trường đã và đang làm những việc rất khó khăn vất vả. 
Cũng những việc như nhau, nhưng những trường công lập có nhà cửa đàng hoàng, đất đai rộng rãi, hàng năm có ngân sách của chính phủ cho hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, có đội ngũ giáo viên được đào tạo sẵn qua nhiều năm,…, còn các trường tư nhà cửa phải đi thuê hoặc tự xây lấy, đất không có mà nếu có thì cũng ở những nơi xa, bất tiện, không được chính phủ cấp kinh phí, cán bộ giảng dạy phải tự tìm trong một môi trường thiếu trầm trọng,…
Trong điều kiện bất lợi như thế, một số trường tư thục đã tự khẳng định được mình về chất lượng, vẫn phát triển và đem lại lợi nhuận cho cổ đông. Điều đó nói lên rằng, nhu cầu học ĐH ở Việt Nam rất lớn và các trường tư thục vẫn có thể phát triển  tốt.
 
Tất nhiên, các trường tư thục phải thu học phí cao hơn để đủ trang trải chi phí và có phần tích lũy cho sự phát triển của trường. Chính phủ nên hỗ trợ họ một cách gián tiếp thông qua việc bảo lãnh cho SV tư thục được vay ngân hàng nhiều hơn SV trường công lập để học, và thông qua việc cho họ tham gia đấu thầu bình đẳng với các trường công lập để thực hiện các chương trình giáo dục của chính phủ.
 
Một bất lợi lớn của các trường tư thục vì lợi nhuận là họ không thể vận động quyên góp tài trợ được. Không có công ty và nhà hảo tâm nào tài trợ cho các tổ chức vì lợi nhuận cả, vì như thế là cho các cổ đông của trường. Không được chính phủ tài trợ, không nhận được tài trợ từ tư nhân và các tổ chức từ thiện, là những trở ngại lớn đối với các trường tư thục vì lợi nhuận, cản trở họ trở thành những trường ĐH  nghiên cứu, đa ngành nghề. Điều này hạn chế một cách đáng kể sự xã hội hóa giáo dục.
ĐH phi lợi nhuận đầu tiên?
Tôi hình dung những trường ĐH tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam, nếu có, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc quyên góp tiền của các nhà hảo tâm, các công ty tư nhân trong và ngoài nước, v.v…Đặc biệt là nếu có luật cho phép các khoản đóng góp từ thiện cho trường phi lợi nhuận được trừ vào thu nhập chịu thuế (một điều nên có) của cá nhân hoặc công ty.
Sẽ dễ dàng hơn khi đến gặp những đại gia làm ăn phát đạt trong thời gian qua, hay các công ty tư nhân lớn nhỏ trong và ngoài nước, để đặt vấn đề quyên góp tiền cho trường. 
Nhiều tổ chức, quỹ từ thiện và công ty quốc tế cũng có chính sách chỉ tài trợ cho các trường phi lợi nhuận mà thôi. Các trường tư thục phi lợi nhuận khi đó sẽ có hẳn các phòng ban chuyên trách về việc gây quỹ và quản lý quỹ để đầu tư sinh lợi cho trường. Đấy sẽ chính là mô hình xã hội hóa giáo dục ĐH toàn diện hơn so với mô hình xã hội hóa giáo dục hiện nay đang được áp dụng.
Những thuận lợi về mặt quyên góp tiền sẽ cho phép các trường tư thục phi lợi nhuận phát triển để trở thành những trường  ĐH nghiên cứu hoàn chỉnh với những cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đủ  để nghiên cứu và đào tạo về nhiều ngành khoa học tự nhiên, xã hội và công nghệ. 
Kết hợp với những quy chế mềm dẻo linh hoạt, không bị ràng buộc bởi sức ỳ vốn là một lực cản lớn đối với mọi sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục, những trường tư thục phi lợi nhuận sẽ có một số lợi thế quan trọng trong phát triển để trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà các trường công lập hay tư thục vì lợi nhuận không có được.
 
Hiện nay ở Việt Nam, chưa có quy định hay điều luật nào về các trường ĐH phi lợi nhuận. Cho nên, nếu như có ai đó muốn thành lập một trường phi lợi nhuận chắc sẽ lúng túng, và có lẽ là không thể thành lập được vì sẽ không được các cơ quan chức năng thông qua. 
Khác với những việc từ thiện khác, thành lập trường đại học là một công việc phải liên tục tiến hành và phát triển, với sự tham gia đóng góp tiền, trí tuệ và công sức của nhiều người.  Cho nên, cần có những luật hướng dẫn chi tiết về việc thành lập, quản lý và điều hành các trường ĐH phi lợi nhuận.
 
Tôi thấy xung quanh chúng ta có nhiều người hảo tâm. Ngay cả khi hầu hết dân chúng còn nghèo, đã không hiếm người sẵn sàng đem tài sản cá nhân hiến tặng xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam đã nổi lên một tầng lớp người rất thành đạt trong kinh doanh; càng ngày lớp người này càng đông và giàu hơn. Hy vọng trong số những cá nhân gặp may mắn đó sẽ có những người muốn trả lại cho xã hội bằng một trong những cách có ích nhất: để thành lập một trường ĐH tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam.  
Trên thế giới, ngoài Mỹ thì Nhật là một nước cũng có nhiều trường tư thục phi lợi nhuận, tiêu biểu là các trường Keio và Waseda (khoảng 70% trường ở Nhật là tư thục). Một số nước châu Á khác cũng có trường tư thục phi lợi nhuận, nhưng ít hơn nhiều cả về số lượng mà quy mô. Ở Đài Loan, có khoảng hơn 10 trường tư thục, trong số đó có một trường đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đó là trường ĐH Tamkang.  Ở châu Âu, theo truyền thống, hầu hết các trường ĐH đều là trường công lập, nhưng mấy năm gần đây có xu hướng thành lập thêm các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.  Các trường đại học quốc tế  ở Bremen và Bruchsal (Đức) là ví dụ các trường tư thục phi lợi nhuận mới thành lập.  Các trường lớn ở Anh đều do chính phủ tài trợ, nhưng họ có tính độc lập cao như những trường tư thục phi lợi nhuận.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật