Đột nhập “chốn ăn chơi” của công nhân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đêm xuống, những người công nhân kéo nhau ra “gào thét” trong các quán cà phê - karaoke với âm thanh đinh tai nhức óc, hoặc đua nhau “zô” trong những quán nhậu nằm la liệt gần chỗ trọ. Những đồng tiền cực nhọc mới kiếm được cũng bay hơi dần theo tiếng hát hay những ly rượu, trong nỗi âu lo về tương lai.
Đột nhập “chốn ăn chơi” của công nhân
Buổi tối ở xã Kim Chung luôn sôi động bởi những quán cà phê kiêm karaoke

Xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội được coi là “đại bản doanh” của gần 30 nghìn công nhân khu công nghiệp Thăng Long. Theo UBND xã Kim Chung, số công nhân tạm trú gấp hơn 2 lần số dân cư của xã khoảng 10 nghìn người. Ngoài ra, còn rất đông công nhân ở trong khu lưu trú gồm hàng chục tòa nhà cao tầng.

Nơi đây bắt đầu xuất hiện nhiều dịch vụ ăn chơi nhộn nhịp suốt ngày đêm...

Phố cà phê ca nhạc khủng

7h tối, chúng tôi tìm đến những con đường bên dưới hàng chục tòa nhà lưu trú công nhân - nơi được mệnh danh là chốn ăn chơi của công nhân khu công nghiệp Thăng Long. Những quán nhậu, quán cà phê đèn nháy lấp lóe cùng với dàn âm thanh công suất lớn đã biến xã nông thôn thành một con phố ăn chơi sầm uất.

Tới đầu đoạn đường nhà công nhân D2, những âm thanh xập xình phát ra bởi dàn loa công suất lớn và tiếng tiếng chào mời như thét vào tai của thanh niên tên Thắng - bảo vệ quán cà phê Minh ngay đầu đường: “Các sếp vào đây đi, quán em có dàn âm thanh đỉnh nhất khu, vừa uống vừa hát là phê luôn”. Dừng xe lại, chúng tôi nhận thấy cả con đường này đều kinh doanh dịch vụ cà phê kiêm karaoke. Mỗi quán đều có hai chiếc loa công suất lớn quay ra đường và màn hình máy chiếu lớn, phục vụ khách hát karaoke ngay tại “sân khấu” vỉa hè.

Quán khá đông, chúng tôi buộc phải ngồi ngay ghế gần sát với nhóm nam nữ đang reo hò nhảy nhót. Phía trên sân khấu là một cô gái đang uốn éo theo những điệu nhảy bốc lửa, bên dưới là tiếng cổ vũ của nhóm bạn. Thỉnh thoảng cô gái trên sân khấu lại cầm micro “gầm rú” điệu nhạc rock. Chúng tôi cùng nhập cuộc với nhóm bạn bằng tràng pháo tay vang giòn.

Hà - cô gái vừa hát cho biết, đây là buổi liên hoan chia tay nhóm bạn cùng dây chuyền sản xuất vì ngày mai Hà bắt đầu đến công ty mới. Trong hơi men rượu, Hà cho biết cô đã ngoài 30, gần 10 năm làm công nhân, tính vốn hiền lành. Chúng tôi hỏi Hà sao không đến những nơi yên tĩnh, đỡ ồn ào? Hà bảo, những nơi sôi động thế này giúp cô dễ quên thực tại “không người yêu, xa gia đình, và không biết tương lai về đâu...”.

Giàn loa được vặn volume lớn hơn, âm thanh vang ra “khủng hơn”, không chịu nổi, chúng tôi bước về phía chủ quán yêu cầu cho loa nhỏ lại. Yêu cầu của chúng tôi không được đồng ý, bởi quán bên cạnh mở nhạc to, nên quán mình phải to hơn (!). Chủ quán tên Minh cho biết thêm, họ phải liên tục thay loa công suất lớn để không bị các quán bên cạnh lấn lướt.

Thanh Huyền - cô bạn tôi từ thời học cấp 3 người ở địa phương, cho biết, thường buổi tối con đường cà phê kiêm karaoke chỉ có khách đến chơi, ít người đi qua, vì người đi đường ngại bị tr‌a tấ‌n bằng đủ thứ âm thanh gầm rú và sự chèo kéo sỗ sàng.

Ngoài cà phê “nhạc sống”, qua những con đường ở thôn Hậu, thôn Bầu, người ta có thể thấy nhiều quán internet, quán game luôn đông nghẹt những người còn mang trên mình bộ quần áo công nhân... Những quán này mở cửa suốt đêm phục vụ các thượng đế.

Quán trò chơi điện tử được mở suốt ngày đêm phục vụ thượng đế

Quán bi-a cũng luôn đông khách về đêm

Náo nhiệt phố nhậu

Chúng tôi có mặt tại xã Kim Chung đúng vào dịp công nhân được trả lương tháng, các quán nhậu cũng trở nên náo nhiệt hơn. Trên một con đường nhỏ dẫn từ khu công nghiệp về khu nhà ở công nhân, hai bên đường la liệt quán nhậu bình dân. Quán thịt chó có vẻ như đông đúc khách nhậu nhất.

Trong một quán “thịt cầy đủ món” ở phố Bầu, gần chục bàn trong quán đã đông nghẹt. Đưa mắt nhìn sang một bàn nhậu gồm 5 người mặc áo công nhân, thấy 2 người đã gục tại bàn còn lại ba công nhân vẫn đang đưa cốc bia lên đếm: “Một, hai, ba Zô”. Công nhân Hải, 21 tuổi quê Thanh Chương, Nghệ An giới thiệu, họ là nhóm bạn thân đều làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long.

“Hầu như tuần nào chúng em cũng nhậu ít nhất là 5 lần. Khi ai có tiền thì ra các quán, còn khi ít tiền thì ra chợ mua cá, hoặc đậu về làm đồ nhậu. Có hôm, quả ổi, quả cóc, đĩa rau cũng thành bữa nhậu. Bọn em vui lắm, nhậu thâu đêm là chuyện cơm bữa. Buồn, vui đều nhậu”, Hải chia sẻ.

Hải cũng cho biết, ở nơi đây xa nhà, không có người thân bạn bè, mỗi buổi đi làm về không biết làm gì ngoài việc ngủ. Ngày làm việc như một cái máy, tối buồn chỉ biết lấy nhậu làm vui. Tiền làm được hàng tháng hầu như “nướng” vào ăn nhậu hết, không tiết kiệm được đồng nào.

Những quán nhậu tấp nập nhất những ngày công nhân nhận lương

Dọc theo con đường nhỏ, các quán nhậu càng về khuya càng đông đúc náo nhiệt hơn. Để mắt đến một quán bia nhỏ ven đường, chúng tôi thấy có một nhóm công nhân nữ cũng đang cụng ly “zô” rất vui vẻ. Chúng tôi vào quán lân la làm quen. Một cô gái lớn tuổi nhất trong nhóm nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét rồi nói có vẻ đàn chị: “Vào ba, ra bảy nhập mâm”. Tất cả phá lên cười. Cô gái lớn tuổi tên Hạnh quê Tuyên Quang, giới thiệu nhóm nữ công nhân cùng xóm trọ chơi thân với nhau.

Thực khách chủ yếu mang trên mình bộ quần áo công nhân

Cô bé tên Mai hóm hỉnh nói: “Bọn em đứa nào cũng vui tính thế anh ạ, sau giờ làm thường không biết đi đâu, người yêu cũng không có nên chị em “tự sướng” bữa cho đỡ buồn”. Hạnh khoe chiến tích, buổi nhậu “hoành tráng” nhất của nhóm mới cách đây một tuần: “5 đứa con gái chúng em mà hết một két bia Hà Nội, nhân dịp 2 đứa trong nhóm yêu nhầm phải gã trai họ Sở. Thất tình uống là vào nhất đấy anh ạ”, nói rồi tất cả lại phá lên cười.

Nhìn ngón tay đeo nhẫn, tôi hỏi Hạnh, hình như có chồng rồi? Hạnh cho biết, cô quê ở Thái Nguyên, lấy chồng Hưng Yên, đã có con 6 tuổi. “Cháu ở với em suốt, mới gửi về với ông bà ngoại hồi tháng 9 để tiện đi học. Giá như ở đây em có hộ khẩu xin cho cháu đi học thì tốt, nhưng không xin được nên phải gửi về. Cũng may tụi trẻ này cho mình nhập hội nên bớt nhớ con, chứ dạo đầu con mới về, em buồn lắm”, Hạnh kể chuyện, dù mặt tỉnh bơ nhưng đôi mắt dường như ngấn lệ.

Dọc theo con đường nhỏ thôn Bầu dài chừng hơn 1 km, đồng hồ chỉ 22h, các quán nhậu vẫn tấp nập, thực khách chủ yếu là những người trẻ, mặc trên mình bộ đồng phục công nhân. Giờ đây, nhậu đang trở thành “mốt” của một bộ phận công nhân xa nhà. Các quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều, gật gù thâu đêm suốt sáng bên bàn nhậu đã trở nên “thường thôi” đến mức không ai buồn quan tâm…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật