Nỗi ám ảnh người thu dọn t‌ử th‌i

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong hơn 20 năm làm nghề, anh Dung không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần thu gom, nhặt nhạnh từng chút da thịt của người xấu số.

Trung tá Nguyễn Văn Dung - Tổ trưởng Tổ khám nghiệm tai nạn giao thông, công an huyện Gia Lâm, Hà Nội, vẫn còn rất “phong độ” nhưng xét về tuổi nghề và nhất là “cái nghề” chuyên xác định dấu vết trên thân thể, hiện trường trong các vụ tai nạn thì vị cán bộ này thuộc hàng “cây đa, cây đề” ở đơn vị. Anh đã “ngót nghét” 24 năm làm khám nghiệm.

Giữa buổi chiều nhưng trụ sở Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Gia Lâm, vắng lặng, bởi quân số của đơn vị đều đổ ra đường cả. Tổ khám nghiệm của Trung tá Dung có 10 biên chế, song cũng vắng bóng tới hơn 2/3. Số còn lại ở nhà ứng trực.

“Công việc của chúng tôi có gì đáng nói đâu”, anh bắt đầu kể về tình huống đầu tiên anh bước chân vào nghề. Đó là hồi anh mới được điều về tổ khám nghiệm tai nạn của Công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vừa nhận nhiệm vụ sáng hôm trước thì ngay chập tối hôm sau, anh cùng đồng đội phải đến đường Minh Khai khi nhận tin báo có vụ chết người tại đây.

Có mặt tại hiện trường, Trung tá Dung tá hỏa vì trước mắt anh là một đống bầy nhầy và mùi khó chịu bốc lên nồng nặc. “Thật khác xa với hình dung của tôi. Cho dù đã lên dây cót từ trước, song vẫn bị sốc”, anh hồi tưởng.

Ngày đó, một người đàn ông ở xã Cổ Nhuế trên đường đi thu gom chất thải về không may bị xe ô tô cán phải. Anh ta thiệt mạng ngay tại chỗ. Chiếc xe đạp thồ và đôi sọt bị chèn nát. Phân ở trong 2 chiếc sọt bắn tung tóe, phủ đầy lên người nạn nhân. Xác định xong vị trí phương tiện, đồ vật liên quan cũng như chỗ người xấu số nằm, anh Dung buộc phải vào nhà dân xin từng xô nước để rửa sạch c‌ơ th‌ể không còn nguyên vẹn của người đoản mệnh ấy.

Anh và đồng đội hì hục đo vẽ, sờ nắn, nhặt nhạnh từng phần c‌ơ th‌ể tan nát và nhanh chóng thu dọn, giải phóng hiện trường. Xong việc, anh ngẩng mặt lên thì phố phường Hà Nội đã sáng đèn. Trung tá Dung bảo: “Công việc buộc phải hoàn thành, không sai sót, nhưng quyết không để thất lạc, thiếu hụt bất kỳ một chút da thịt nào của người xấu số. Đó là điều tối kỵ”.

Trung tá Dung đã được điều chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau, song cái “nghiệp” của anh vẫn vậy. “Mươi năm trở lại đây đỡ rồi vì được trang bị đầy đủ phương tiện hơn. Thông tin liên lạc, đi lại cũng rất thuận tiện, chứ trước đây, có mấy vụ tai nạn mà chúng tôi không phải mó tay vào” - vị Tổ trưởng Tổ khám nghiệm cho biết. Theo anh, ngày chưa có điện thoại việc thông báo cho gia đình nạn nhân đến phối hợp với lực lượng cảnh sát vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể ở thời điểm tai nạn xảy ra.

Trong khi đó, nhiệm vụ đòi hỏi các anh phải có mặt ngay lập tức. Nếu nạn nhân chưa thiệt mạng, bằng mọi giá phải đưa người ta đến cơ sở y tế gần nhất. Còn nếu sự sống không còn thì ngoài việc xác định rõ các dấu vết, cơ chế hình thành tai nạn, thương tích trên thân thể còn phải nhanh chóng đưa th‌i hà‌i người xấu số về nhà bảo quản.

Vì thế cái việc “bất đắc dĩ” là lượm nhặt từng mảnh thân thể của người bị tai nạn giao thông không các anh thì còn ai vào đây. Bây giờ có phương tiện, lực lượng chuyên dụng tại các bệnh viện và công tác điều tra được chuyển hẳn sang lực lượng khác nên Trung tá Dung cùng đồng đội ít phải “mó tay” vào. Vị cán bộ này thú thật, đến giờ anh vẫn cứ bị chiếc “mô tô ba” đặc chủng chở xác nạn nhân ở khoang thùng ngày nào ám ảnh. Bởi nó không chỉ là nỗi thiếu thốn, vất vả của lực lượng khám nghiệm mà còn là sự tang thương, đau xót của một kiếp người.

Hơn hai chục năm làm khám nghiệm là ngần ấy thời gian Trung tá Dung phải chứng kiến, “nếm trải” nỗi đau đớn, xót thương của không biết bao nhiêu gia đình có người bị chết vì tai nạn. Trong đó có khá nhiều trường hợp có cảnh ngộ thật éo le, trắc trở với nhiều người cùng bị tai nạn một lúc hoặc “ra đi” kế tiếp nhau. Các vụ việc đau lòng ấy, hầu hết đều có người nhà nạn nhân đến đưa về lo hậu sự, sau khi cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục. Thế nhưng ở nơi này, nơi kia vẫn còn có những con người mà vì một lý do nào đó đã không có thân nhân thừa nhận.

Ngay trước khi được về với Công an huyện Gia Lâm, chính anh Dung là người “cứu thoát” một lái xe tải khỏi vòng lao lý. Sáng nọ, những người sống ở khu vực cây xăng, gần ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh cứ thấy một ông già lảng vảng ở đó. Mấy lần người ta thấy ông lão định băng qua đường, nhưng rồi lại thôi. Thế nhưng khi chiếc xe tải đi từ hướng nội thành Hà Nội ra tới nơi thì ông lão bất ngờ đạp chân vào dải phân cách giữa lao người vào đầu ô tô. Sau tiếng va chạm chát chúa, ông lão nằm bất động, còn lái xe thì mặt mày tái xanh… Ông lão sau đó chết tại bệnh viện Xanh Pôn. Lái xe ô tô cũng lập tức phải làm việc với cơ quan công an.

Có mặt tại hiện trường lấy lời khai của nhân chứng, Trung tá Dung băn khoăn rất có thể ông già đã t‌ּự t‌ּử. Nhào vào bệnh viện, nhưng anh không thể lấy được lời khai của người bị nạn, giấy tờ tùy thân ông lão cũng không có. Thật may, thông tin hữu ích từ cô y tá cho biết, trước đó cô này vừa vứt một mảnh giấy ở túi áo nạn nhân vào sọt rác. Anh tất tả bới tìm và đọc thấy ông lão viết mấy chữ nghệch ngoạc: “Cảm ơn ai đã chôn cất tôi. Tôi có 730.000 đồng, xin mọi người hãy giúp tôi làm từ thiện”.

Kết hợp với vết chân nạn nhân còn in ở dải phân cách cứng và nhiều tài liệu khác, Trung tá Dung kết luận nạn nhân đã quyên sinh. Nhiệm vụ hoàn thành đáng lý phải vui mừng vì “minh oan” cho lái xe ô tô, song anh không khỏi day dứt, bởi nạn nhân là người vô thừa nhận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật