Quận Chúa biệt động

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Quận Chúa biệt động” viết về số phận kỳ lạ của một Quận Chúa triều Nguyễn đã trở thành một chiến sĩ biệt động thành dũng cảm, với những tình tiết hấp dẫn và li kì như huyền thoại.
Quận Chúa biệt động
Ảnh minh họa
Nhân kỉ niệm 33 năm ngày giải phóng miền Nam (1975 - 2008), để giúp bạn đọc tiếp cận với tác phẩm, từ số báo này, Tiền phong biên soạn và trích giới thiệu một số chương đặc sắc nhất từ cuốn sách “Quận Chúa biệt động” của tác giả Đặng Vương Hưng sắp ra mắt bạn đọc.

Kỳ I: Lá ngọc cành vàng

Một ngày đầu mùa hạ năm 2007, ông Phạm Vũ Quỳnh, Thư ký riêng của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo giới thiệu với tôi một bà cụ khoảng 80 tuổi, dáng người mảnh mai, gương mặt quý phái và phúc hậu. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một quán cà phê nhỏ ở cuối đường Mai Hắc Đế, Hà Nội. Bà nói giọng Sài Gòn, pha giọng Huế và cả giọng Sơn Tây.

Cảm thấy câu chuyện của bà cụ không thể ngồi ở quán cà phê một buổi mà nghe hết được, tôi quyết định dành thời gian cùng bà về Đức Trọng (Lâm Đồng) và ở lại Tây Nguyên cả tháng trời, để được tiếp tục nghe câu chuyện đời khó tin mà thật đó. Bà cụ đã kể rất nhiều về cuộc đời mình, xen giữa câu chuyện, nhiều lần bà bật khóc, khiến cho gương mặt già nua cứ giàn giụa nước mắt...

Thì ra, bà cụ là nhân chứng của một trong những thời kỳ hào hùng, nhưng cũng bi thương nhất lịch sử nước nhà...

Từ “Quận Chúa lá ngọc cành vàng” đến các bí danh

Người phụ nữ ấy sinh ra trong một gia đình có thể gọi là “danh gia vọng tộc”. Theo gia phả và lời kể của những người thân trong gia đình dòng tộc, thì bà là cháu đời thứ tư của dòng họ Phạm Đăng (tính từ khi dòng họ này phiêu dạt vào Nam), là “con bác con chú ruột”, chung một người ông với vua Bảo Đại và là cháu ruột của Thái hậu Từ Dũ (mẹ của vua Tự Đức).

Một thời, bà được người ta gọi là Quận Chúa xinh đẹp, sống trong nhung lụa và lễ nghi. Nhưng cái thời ấy với bà thật ngắn ngủi, chỉ còn trong ký ức xa mờ (*).

Người phụ nữ ấy có rất nhiều tên. Khi còn nhỏ, người ta gọi bà là Quận Chúa Ngọc Diệp. Bà tuổi Nhâm Thân, sinh ngày 28/4/1932 ở Huế, nhưng trong thời gian hoạt động Cách mạng (1945 - 1975), bà lần lượt mang hai thẻ căn cước do chính quyền cũ cấp, với nội dung khác nhau: Phạm Ngọc Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Sơn Tây; và Nguyễn Như Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Trà Vinh.

Bà Đặng Hoàng Ánh (tức Phạm Ngọc Diệp, Út Diệp, Ba Diệp...) - Nhân vật chính của cuốn sách, ảnh chụp khi còn nhỏ và năm 2008.

Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, khi phải sống trong Đoàn 307 Liên hợp quốc, bà có tên là Huỳnh Thu Nga, mang bí danh là H12.

Khi làm việc với Anh Hai “Xe Ngựa” (đồng chí Phạm Văn Xô, nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ) bà thường được gọi là Út Diệp, hoặc Út Đẹt (vì người nhỏ nhắn, gầy ốm).

Khi sang Cộng hòa Pháp học Y khoa, bà có tên là Léna Phạm. Đặc biệt là từ ngày tham gia hoạt động trong lực lượng Cảm tử quân của Trung ương Cục miền Nam và Biệt động thành Sài Gòn, do yêu cầu công tác bí mật, để che mắt địch, bà phải thay tên, đổi họ liên tục: Ba Diệp (tức Nguyễn Như Diệp); Cô Tư Mắt Kiếng (vì bị cận thị, phải đeo kính thường xuyên); Lâm A Mùi (thời gian sang Lào vận chuyển vàng và đôla về Việt Nam, 1961-1962); Hoàng Nga (thời gian làm tiếp tân Tổng thống phủ Sài Gòn, 1964-1965); T2R; TW307...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để tránh sự trả thù và truy sát của kẻ xấu, theo lời khuyên của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, bà đã đổi họ tên mới là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940. Với họ tên này, bà đã được Công an tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng minh nhân dân số 250272236, ngày 19/10/1984.

Hiện bà Đặng Hoàng Ánh đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng – nơi từng là “vùng đất dữ” một thời, bởi những hoạt động của tàn quân phản động FULRO, trước khi bị lực lượng an ninh ta triệt phá.

Đặng Hoàng Ánh là con người của một thời. Không chỉ có cha mẹ, mà chính là chiến tranh và loạn lạc đã sinh ra người như bà.

“Cha tôi - Lệ Chất tiên sinh”

Bà Đặng Hoàng Ánh kể: Sinh thời, nhiều người thường kính trọng gọi cha tôi là Lệ Chất tiên sinh. Cha tôi tên thực là Phạm Đăng Chất; Người còn rất nhiều họ và tên khác như: Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh), Nguyễn Như Chuyên, Nguyễn Như Xừng (tự Xứng), Đặng Thái Phúc, Đặng Hoàng Phúc,...

Cha tôi sinh năm 1862, đồng niên và đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cha tôi là người gốc Hoàng Phái triều Nguyễn và là một Nhân sĩ yêu nước đầu thế kỷ 20.

Trong “Loạn Duy Tân”, cha tôi phải cải họ thay tên là Nguyễn Như Chuyên chạy sang Anh quốc. Sau đó, về nước lấy vợ ở Thanh Oai, Hà Tây người lấy lại tên là Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh). Vì cha tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên bạn bè đã tiến cử với Công sứ Pháp Claude Léon Lucien Garnier ở Phan Thiết - Bình Thuận và được ông ta trọng dụng cho làm thông phán.

Hồi đó, Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh còn thành lập “Liên Thành thương quán” kinh doanh nhiều mặt hàng như: Nước mắm, vải vóc, tơ lụa, thuốc Bắc... Hội quán này được Công sứ Pháp rất ủng hộ và ông ta cũng có cổ phần trong đó.

Nhân cơ hội đó, cha tôi đã cùng một số bạn bè xin mở rộng “Liên Thành thương quán” thành lập Hội Quán Liên Thành (còn được gọi là Liên Thành công ty, hay Công ty Liên Thành).

Thực chất, đây là một tổ chức hoạt động yêu nước gồm ba bộ phận với ba chức năng gồm: “Liên Thành Thương quán” (chuyên làm kinh tế, gây quỹ hoạt động); “Liên Thành thư xã” (truyền bá các sách báo và tài liệu tuyên truyền có nội dung yêu nước) và “Dục Thanh học hiệu” (trường dạy học cho con em lao động nghèo, theo nội dung yêu nước và tiến bộ).

Đầu thế kỷ hai mươi, hầu như thương trường của Việt Nam đều do người Pháp và ngoại kiều chiếm giữ. Người Việt chỉ mới mở được một vài công ty mà Liên Thành là một ví dụ. Nhưng Công ty Liên Thành tồn tại và phát triển được, một phần là nhờ Quan Công sứ Bình Thuận là Claude Léon Lucien Garnier cũng có cổ phần trong đó.

Cuối tháng 5 năm 1911, Quan Công sứ Bình Thuận Claude Léon Lucien Garnier đã quyết định cử cha tôi là Nguyễn Như Chuyên (tức Trần Lệ Chất) sang Pháp và Anh lo việc buôn bán cho Công ty Liên Thành. Ông ta cấp phép cho cha tôi xuất ngoại bằng phương tiện tàu thủy. Lo xong giấy tờ, cha tôi vội thu xếp hành lí và tìm ngay về Sài Gòn.

Ngày 2 tháng 6 năm 1911, chiếc tàu chở khách của “Hãng Năm Sao” có tên là Amiral Latouche Tréville đã cập Bến Nhà Rồng.

Cha tôi mang tên là Nguyễn Như Chuyên đã làm thủ tục xuất cảnh xuống tàu. Ngày 5 tháng 11 năm 1911, con tàu Amiral Latouche Tréville khởi hành, rời bến Nhà Rồng, đưa Văn Ba và cha tôi hướng về Pháp...

Khoảng năm 1920, được tổ chức phân công, cha tôi xin về làm Chánh lục sự Tòa án Mỹ Tho. Sau đó, “Lệ Chất tiên sinh” cưới bà Lâm Huê Trà (tức Trương Ngọc Trầm, em họ của ông Trương Gia Mô) làm người vợ thứ hai. Và đấy cũng chính là mẹ đẻ của tôi sau này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật