“Thần dược“ hay độc dược?

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có đến Khoa Chống đau bệnh viện K mới thấy được một cách rõ rệt nhất hậu quả tai hại của việc dùng thần dược một cách bừa bãi, liều lĩnh. Hậu quả ấy hiển hiện trong những cơn đau triền miên của người bệnh, trong sự tuyệt vọng của các bác sĩ khi bệnh tình đã trở nên quá nặng, không còn cơ hội chữa trị…
“Thần dược“ hay độc dược?
bệnh nhân chớ nên tin vào thần dược của các lang băm

Đi tìm thần dược

PGS-TS Phạm Duy Hiển, Phó giám đốc bệnh viện K tiếp tôi tại cơ sở 2 của bệnh viện ngụ tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo và u ám. Trong khi ông trả lời phỏng vấn tôi thì ở bên ngoài cánh cửa, bệnh nhân và gia đình họ ngồi chờ chật cả lối đi. Khoa phòng nào cũng đông nghẹt người.

Để giảm tải cho cơ sở chính trên phố Quán Sứ, bệnh viện phải có thêm cơ sở này nhưng cả hai nơi, lúc nào cũng quá tải. Chỉ thế là đủ biết căn bệnh quái ác này khủng khiếp đến mức nào. Người mắc bệnh nhiều, mà lại là bệnh chết người, thế cho nên nhu cầu tìm thuốc chữa trị luôn là vấn đề nóng bỏng. PGS-TS Phạm Duy Hiển bảo, có bệnh thì vái tứ phương, người bệnh tìm thấy thuốc thì như chết đuối vớ được cọc nên rất dễ tin.

Có thời kỳ rộ lên bài thuốc chữa ung thư bằng cây xạ đen, thế là bệnh nhân ở đây xin về hàng loạt để tự chữa vì đã tìm thấy thần dược. Bác sĩ giải thích thế nào họ cũng không nghe. Một thời gian dài sau đó, nhiều bệnh nhân quay trở lại bệnh viện nhưng lúc ấy bệnh đã trở nên quá nặng.

Giọng PGS Hiển trầm xuống, lắc đầu buồn bã: "Nặng đến thế thì chả có cách nào chữa được nữa. Thôi thì đến giai đoạn cuối, bệnh nhân đau quá thì đành chuyển họ tới Khoa Chống đau. Lúc này, bác sĩ chỉ còn giúp được họ làm dịu bớt những cơn đau đớn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mà thôi!”.

PGS Hiển bảo, nói về thần dược chữa ung thư theo kiểu đồn đại thì nhiều lắm, có kể cả ngày cũng chả hết những bài thuốc được truyền đi theo công nghệ rỉ tai mà không cần biết đến cơ sở khoa học của nó. Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân ung thư, ông đã nghe kể rất nhiều những bài thuốc ly kỳ, khó tin đến mức hoang đường.

Có bệnh nhân bị ung thư vú nhưng không đến bệnh viện thăm khám mà lại đắp cả thủy ngân lên da để “triệt tế bào ung thư”. Lại có bài thuốc dùng cá diếc để chữa ung thư thực quản bằng cách lấy cá diếc sống, nhét đầy tỏi vào bụng, đem phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó lấy tro đó hòa vào rượu để uống. Thậm chí, có bài thuốc mà nguyên liệu chính là... đỉa. Nhiều bệnh nhân còn rỉ tai nhau một bài thuốc tương truyền là của một tử tù.

Người ta đồn rằng, tử tù này là người Việt Nam, khi bị giam cầm trong một nhà tù ở Mỹ chờ ngày ra pháp trường, ông ta đã viết thư cho một tờ báo tiết lộ bài thuốc do cha ông truyền lại. Theo đó, bài thuốc này chỉ gồm toàn những thứ cây cỏ rất dễ kiếm ở Việt Nam mà có thể chữa khỏi được cả ung thư gan lẫn ung thư phổi.

Lại có một thời nhiều người bệnh bỏ bệnh viện để đến nhà một ông lang được gọi là thần y chuyên trị ung thư máu. Ông lang này ở cách Hà Nội chỉ vài chục cây số. Hầu hết các bệnh nhân ung thư máu, kể cả giai đoạn cuối mà bệnh viện đã bó tay, ông cũng điều trị được, mà điều trị khỏi hẳn chứ không phải chỉ làm thuyên giảm. Người ta đồn rằng, ông không cần xét nghiệm, thăm khám cũng rất đơn giản, chỉ bắt mạch ở tay là ra bệnh. Thần dược của ông cũng chỉ toàn lá lẩu, giá cả khá mềm, chừng 25-30 nghìn đồng/thang.

Bên cạnh các loại thuốc lá, hoa, cây, cỏ rẻ tiền, một số bệnh nhân ung thư còn bán cả nhà cửa để lấy tiền mua những loại thuốc được xem là quý hiếm, ngày xưa chỉ vua chúa mới được dùng. Đó là sừng tê giác được đem về từ châu Phi, mài ra thành một thứ nước trắng như nước gạo để uống cho... teo khối u. Mỗi mẩu sừng tê giác bé như cái vẩy hến nhưng giá có khi lên tới cả chục triệu đồng.

Rồi người bệnh còn uống mật gấu để chữa ung thư gan với lý luận là mật gấu làm gan nóng lên như ta hơ qua lửa vậy. Nhờ đó mà khối u tan ra. Rồi hồng sâm Hàn Quốc, rồi nước trái nhàu nhập khẩu từ Mỹ... Tất cả đều được bán đắt hơn vàng và tất cả đều được quảng bá theo phương thức rỉ tai là “thần dược” chữa ung thư.

Theo các bác sĩ ở bệnh viện K Hà Nội thì hiện nay có 2 dạng thuốc mà người bệnh hay sử dụng ngoài luồng một cách bừa bãi, không theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Dạng thứ nhất là các thuốc cây cỏ hoa lá được sắc uống hoặc bôi đắp trực tiếp trên da.

Dạng thứ hai là các thuốc Tây y nhập khẩu từ nước ngoài hoặc trong nước sản xuất có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư nhưng người bệnh lầm tưởng là thuốc chữa khỏi ung thư mà cơn sốt Aslem trên thị trường vừa qua là một ví dụ điển hình.

Còn có một dạng thứ ba, mới xuất hiện nhưng có khá nhiều người đang áp dụng. Đó là chữa bệnh không dùng thuốc mà bằng cách... nhịn ăn. Những người đang đeo đuổi phương pháp này cho rằng, tế bào ung thư là tế bào khỏe nên phải nhịn ăn để cho nó chết mà nó chết thì đương nhiên là bệnh khỏi.

Người bệnh chữa theo cách này thường rỉ tai nhau bí quyết đầy màu sắc dị đoan: nhịn ăn 2 đợt, mỗi đợt 9 ngày (đối với đàn ông) và 7 ngày (đối với phụ nữ), sau đó ăn trường kỳ gạo lứt với muối vừng sau 9 tháng 10 ngày là hết bệnh.

Chuốc họa vào thân vì... thần dược

Có đến Khoa Chống đau bệnh viện K mới thấy được một cách rõ rệt nhất hậu quả tai hại của việc dùng thần dược một cách bừa bãi, liều lĩnh. Hậu quả ấy hiển hiện trong những cơn đau triền miên của người bệnh, trong sự tuyệt vọng của các bác sĩ khi bệnh tình đã trở nên quá nặng, không còn cơ hội chữa trị. Tại bệnh viện K, sau khi rời phòng làm việc của PGS-TS Nguyễn Duy Hiển, tôi lang thang trong khuôn viên bệnh viện và tình cờ gặp một người đàn ông gầy gò, nhỏ thó đang thẫn thờ ngồi ở một góc hành lang.

Khi tôi hỏi chuyện, anh ta quay mặt đi, cố giấu những giọt nước mắt, thở dài: "Nhà em ở Thái Bình. Vợ em bị khối u ở vú hồi năm kia, đã lên đây thăm khám chuẩn bị mổ. Thế rồi, chả biết nhà em nghe ai lại về, không mổ nữa để đắp thuốc của ông lang bên Nam Định. Đắp ròng rã suốt hơn một năm trời, bệnh chả giảm mà thuốc làm lở loét hết cả vùng ngực”. “Thế ông lang ấy có nói đó là thuốc gì không?”, tôi hỏi. Anh ta lắc đầu ngao ngán: "Không, vợ chồng em nào có biết. Mãi đến khi đau quá không chịu nổi, lên bệnh viện K các bác sĩ mới bảo trong thuốc có thủy ngân, nó làm thối thịt ra”. Tôi an ủi: "Thôi, đã lên đến đây là yên tâm rồi”. Anh ta lắc đầu ngao ngán: "Em đang chờ ngày mai thuê xe đưa vợ em về quê chờ chết thôi. Sau gần 2 năm đắp cái lá chết tiệt ấy, bệnh nặng mất rồi, không chữa được nữa".

Các bác sĩ ở bệnh viện K cho biết, hậu quả dễ thấy nhất của việc tự ý dùng thuốc không có cơ sở khoa học là bệnh nhân mất cơ hội chữa trị khi bệnh còn có thể chữa được mà trường hợp nói trên không phải là cá biệt. Nhiều bệnh nhân do dùng thuốc nam chữa ung thư đã bị ngộ độc, bệnh viện K phải chuyển sang Khoa Chống độc điều trị trước, sau đó mới điều trị ung thư. PGS-TS Phạm Duy Hiển khẳng định, nếu phát hiện sớm và phối hợp nhiều loại thuốc trong điều trị thì ung thư vú hoàn toàn có thể chữa trị được.

Việc nghiên cứu thuốc điều trị ung thư được xúc tiến ngày ngày ở các hãng dược phẩm nổi tiếng trên thế giới. Theo một thống kê mới nhất thì cứ 5 năm thì có khoảng 85 nghìn chất được nghiên cứu nhưng cùng với thời gian, trải qua những cuộc thử nghiệm khắt khe cũng có rất nhiều chất bị thải loại vì không đáp ứng yêu cầu khoa học.

Vì thế, có khi hàng chục năm thì các nhà khoa học trên thế giới mới tìm ra được một loại chất mới. Theo PGS -TS Phạm Duy Hiển, hiện chưa có một loại thuốc nào chữa được ung thư nhưng các thuốc đã tìm được là một yếu tố quan trọng khi dùng phối hợp với các phương pháp điều trị khác như mổ, xạ trị liệu trong điều trị. Còn trong y học cổ truyền Việt Nam thì đến nay vẫn chưa tìm ra một loại thuốc nào có thể chữa được ung thư.

Chỉ có một số chất trong cây cỏ như trong cây thông đỏ, trong cây dừa cạn... đã và đang được các nhà khoa học chiết suất sau đó điều chế để làm dược liệu trong bào chế thuốc điều trị ung thư. Vì thế, thần dược chữa ung thư chỉ là câu chuyện hoang đường. Các bác sĩ ở bệnh viện K cũng cho biết, việc chữa trị cho bệnh nhân không dựa trên cơ sở khoa học chỉ có ở những vị lang vườn, lang băm chứ các bác sĩ đông y thực thụ sẽ không bao giờ chữa bệnh theo kiểu đó.

Ngay như cây xạ đen, một loại dược liệu mà nhiều người tin là thần dược chỉ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mà thôi.

Hay như việc nhịn ăn để diệt tế bào ung thư cũng là một phương pháp không có cơ sở khoa học. Bởi vì, người bình thường nhịn ăn thì c‌ơ th‌ể đã suy kiệt huống hồ người bệnh ung thư. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều thầy thuốc đã lên tiếng phản đối phương pháp này.

GS.TS Nguyễn Ngọc Kha, nguyên Trưởng khoa Ung bướu bệnh viện Hồng Hà khẳng định, nhịn ăn hay ăn gạo lứt muối vừng chữa bách bệnh là điều phi lý, bịp bợm. Người bình thường nhịn ăn, c‌ơ th‌ể cũng đã suy kiệt, huống chi con bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. GS Kha đã gặp không ít bệnh nhân ung thư chỉ vì ăn gạo lứt muối mè đã phải vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, trụy tim mạch, tay chân lạnh, huyết áp giảm...

Theo GS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc bệnh viện K, nhịn ăn để giết tế bào ung thư chỉ là cách t‌ּự t‌ּử để mình chết trước mà thôi. Bởi ung thư là sự phát triển bất thường của các tế bào, tế bào trong điều kiện bất thường phát triển rất nhanh và chung sống cùng các tế bào bình thường khác.

Tế bào ung thư rất khỏe, nên nếu không ăn hoặc ăn không đủ dưỡng chất, c‌ơ th‌ể sẽ phải lấy từ nguồn dự trữ và như vậy, không lẽ tế bào ung thư khỏe hơn lại nhường “dinh dưỡng” cho tế bào bình thường yếu hơn? Còn khi tế bào bình thường của c‌ơ th‌ể không sống thì không thể sinh ra được những kháng thể để chống lại tế bào ung thư và như vậy người bệnh phải chết trước (dẫn theo Báo Khoa học và Đời sống).

Vì thế, hơn ai hết, những bệnh nhân ung thư sẽ phải thật tỉnh táo trong việc lựa chọn thuốc cũng như phương pháp điều trị, kẻo tiền mất tật mang.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật