Nhạc trẻ lai căng: Giai điệu vay mượn, ca từ thô thiển

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chọn biệt danh ngoại, học hỏi phong cách ngoại là một nỗ lực tạo dấu ấn của nhiều giọng ca trẻ. Nhưng, nhiều người vẫn nhầm lẫn (hay cố tình nhầm lẫn) giữa học hỏi với sao chép
Nhạc trẻ lai căng: Giai điệu vay mượn, ca từ thô thiển
Quang Vinh và Bảo Thy

Chưa bao giờ thị trường âm nhạc xuất hiện ngày càng nhiều ca khúc do chính ca sĩ sáng tác như thời gian gần đây. Bên cạnh những ca sĩ có tên tuổi tham gia sáng tác, hàng loạt ca sĩ chưa có tên tuổi trên thị trường âm nhạc cũng nhảy vào sáng tác ca khúc cho chính mình. Gần đây, cùng với việc phổ biến mạnh mẽ dòng nhạc dành cho khán giả tuổi teen, thị trường ca nhạc cũng bắt đầu xuất hiện nhiều tác giả sáng tác nhạc tuổi teen. Trong đó không ít ca sĩ chuyên hát nhạc teen cũng vào cuộc với những sáng tác riêng như: Bảo Thy, Quang Vinh, Yến Trang-Yến Nhi, Thủy Tiên, Hiền Thục, Nguyễn Ngân Hà, Tăng Nhật Tuệ, Thùy Chi,...

Công bằng mà nói, khả năng sáng tác của một số ca sĩ tên tuổi đã có ít nhiều thành công, góp thêm một điểm son vào sự nghiệp âm nhạc của họ. Chính thành công này đã trở thành động lực, hay nói đúng hơn là cách thức để ca sĩ trẻ tự tiếp thị tên tuổi mình.

Tuy nhiên, rất ít ca khúc do họ sáng tác thật sự để lại dấu ấn. Bởi, ngoài tính dễ nghe, dễ thuộc, thường những ca khúc này không có gì nổi bật về giai điệu và nội dung ca từ. Tệ hại hơn, nhiều ca khúc trong số này có giai điệu na ná nhạc Hàn, Hoa, Anh, Pháp... và trở thành đối tượng nghi án đạo nhạc trên các forum âm nhạc. Những tuyên bố nhập nhằng kiểu “album mới của Thy có 3 ca khúc tự sáng tác” khiến khán giả nôn nao chờ đợi và cuối cùng đã phải thất vọng vì ca khúc ấy rất giống với một ca khúc của *****cat Dolls. Cách phản ứng của khán giả là tẩy chay. Những dòng chữ đại loại như: “Bảo Thy ơi đừng đạo nhạc” xuất hiện tràn ngập trên các diễn đàn âm nhạc teen.

Ca sĩ Hiền Thục luôn im lặng trước những nghi án cho rằng cô cầm nhầm ca khúc

Lúc đó, giọng ca bước ra từ thế giới mạng này mới đính chính rằng, cô chỉ viết lời ca khúc, còn bài hát là một ca khúc Hoa đã được mua bản quyền hẳn hoi. Không chọn phương án đính chính như Bảo Thy, ca sĩ Hiền Thục luôn im lặng trước những nghi án cho rằng cô cầm nhầm ca khúc và trường hợp Một trái tim một tình yêu thời gian gần đây là một điển hình.

Khi ca khúc Vẽ trái tim do Quang Vinh sáng tác ra mắt, những lời tán dương tận mây xanh từ người hâm mộ xuất hiện khắp forum âm nhạc. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, chính những người yêu nhạc phát hiện phong thái của Vẽ trái tim rất giống với ca khúc Autumn goodbye của Britney Spears. Và những dòng chữ đầy châm biếm: “Quang Vinh chịu ảnh hưởng nặng nề về phong cách Britney Spears” xuất hiện trên diễn đàn âm nhạc mạng. Những video clip phiên bản, lai tạo về ý tưởng từ những video clip của Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ,... cũng không hiếm trên thị trường nhạc Việt hiện nay.

Não tình, đau thương, trách cứ đủ chuyện

Ca sĩ Lâm Chấn Huy
Nhóm Thiên Trường Địa Hải

Dẫu sao, những giai điệu vay mượn từ các ca khúc nước ngoài còn dễ chịu hơn những giai điệu trong một số sáng tác của ca sĩ trẻ. Bởi, phải là những ca khúc nổi tiếng mới được chọn để vay mượn. Và thường, những ca khúc này rất dễ nghe, hợp lý trong từng khúc thức.

Đáng sợ nhất là phần ca từ Việt được lắp vào đó: nhố nhăng, ngô nghê và vô nghĩa. “Alố. Em à. Nhớ anh không? Nhớ à”, những câu giao tiếp bình thường này những tưởng khó trở thành ca từ của một bài hát. Ấy vậy mà nó là điểm nhấn của ca khúc Mi Ya Hee (nhạc ngoại, lời Vũ Hà). Phong trào ưa chuộng lối nói thẳng của nhiều tác giả trẻ hiện nay khiến cho ca khúc trở nên thô thiển. Thay vì thể hiện mối tình đơn phương của mình một cách ý nhị thì tác giả ca khúc Anh chỉ dám nháy máy cho em (Lâm Chấn Huy hát) lại chọn cách nháy máy phá đám “Sợ nhận ra anh em từ chối sẽ khiến anh đau lòng hơn. Nhiều lần gọi phone cho em nhưng anh nháy máy mà thôi”. Tệ hại hơn là “Thân tôi giờ đây sao không ai hiểu cho. Mang một hình hài thân xác đàn ông. Ai cũng nói tôi là người đồng tính. Miệng đời sao lắm nhiều chua cay” (trong ca khúc Kiếp đàn bà, thân xác đàn ông- Thiên Trường Địa Hải hát).

Chưa bao giờ, tình ca Việt lại não tình, đau thương và trách cứ nhiều đến thế. Ngay khi chọn đối tượng khán giả là teen nhưng Bảo Thy vẫn cứ gào thét rằng: “Nếu anh còn yêu em thì xin chớ xát muối thêm người hỡi. Khi trái tim dại khờ còn một vết thương. Đau lắm anh ơi” (ca khúc Xin đừng xát muối trái tim em). Hãy nghe lời ca của bài hát Thì thôi em đã sai (sáng tác: Lâm Chấn Huy): “Người hỡi chớ nên hờn dỗi/ Dù em đã không hề sai/ Nhưng người nói em đã sai/Thực chất em đây đã đúng/... Giờ tự nhiên anh mang giận hờn/Thì thôi tại em đã sai xin lỗi anh được chưa”; hay ca khúc Đàn ông ai cũng như ai (Nhất Trung): “... Thì ra đàn ông ai cũng thế/Ai cũng giống như ai/Thì ra đàn ông ai cũng thế/Ai cũng quá tham lam/Chỉ yêu một người thôi/Không thể làm anh thỏa vui/Để rồi anh phải đi tìm người khác/...”. Không thể hiểu nổi khi những ngôn từ này có thể thành lời ca cho một ca khúc!

Không phải tất cả khán giả tuổi teen đều yêu thích loại nhạc này, nhưng phải nói có một bộ phận thích nghe những giai điệu dễ nghe, ca từ dễ hiểu kiểu như vậy nên những bài hát này vẫn có điều kiện nảy nở trên thị trường âm nhạc hiện nay.

Trong khi những ca khúc đậm chất Việt (chủ yếu được phát hiện trong sân chơi Bài hát Việt) vẫn còn đang loay hoay tìm công chúng thì những ca khúc dạng này lại rất dễ được khán giả teen đón nhận. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi nhạc Việt vẫn còn khan hiếm những nhạc sĩ thật sự tài năng để có được những ca khúc đáp ứng được cả hai yêu cầu: bảo đảm về chuyên môn lẫn thị hiếu của khán giả. Trong khi đó, nhiều cây viết trẻ lại nôn nóng muốn nổi danh. Vì vậy, hiện tượng sáng tác vay mượn giai điệu, ca từ dễ nhớ nhưng không được trau chuốt, thậm chí sử dụng ngôn ngữ nước ngoài một cách máy móc, tùy tiện đang tồn tại trong đời sống âm nhạc.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật