Gá thân mong đổi đời nơi xứ Hàn

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khuôn mặt trẻ măng, phục trang mang đậm dấu ấn của mỗi miền quê, các cô gái ôm khư khư tập hồ sơ trên tay, nhẫn nại chờ tới lượt vào phỏng vấn xin visa. Trong lúc chờ đợi, nhiều cô lôi ảnh cưới khoe nhau dung nhan các ông chồng Hàn.
Gá thân mong đổi đời nơi xứ Hàn
Mỗi lần có hàng chục phụ nữ xếp hàng trước Lãnh sự quán

Cô gái trẻ vừa ló ra sau cánh cổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM, người đàn bà tên Lưu mừng rỡ đứng phắt dậy rồi lập cập chạy xô tới hỏi han. Nếp nhăn trên khuôn mặt đen đúa của bà giãn ra, khi thấy cô gái gật đầu, vẻ mừng rỡ.

"Con gái tôi đậu rồi! Mấy tháng nữa nó sẽ được sang Hàn Quốc với chồng, bõ công tôi bán heo, bán gà, đi lên đi xuống Sài Gòn năm lần bảy lượt", bà Lưu hồ hởi nói với nhóm các ông bố, bà mẹ có con gái lấy chồng nước ngoài, cùng ngồi chờ từ sáng trước cổng Lãnh sự quán.

Còn vẻ mặt Hiên, con gái bà Lưu cũng toát lên vẻ hớn hở, mãn nguyện xen sự căng thẳng. "Đây là lần thứ năm em phỏng vấn xin visa kết hôn. Những lần trước rớt hoài vì giấy tờ lúc thiếu cái này, khi thiếu cái khác. May mà lần này đậu, nếu không chẳng biết xoay đâu ra tiền cứ đi đi về về mãi được", Hiên nói.

Hiên là con thứ sáu trong gia đình có 8 anh chị em, hiện sinh sống ở một xã nghèo, tỉnh Đăk Lăk. Năm ngoái, cô đã làm đám cưới với một người đàn ông Hàn Quốc, qua mai mối của một phụ nữ cùng ấp tên Lan. Theo lời Hiên, bà Lan đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, rồi lấy chồng, ở lại bên đó đã 12 năm. Bà này rất giàu có, thường gửi tiền về cho gia đình, khiến nhiều cô gái ở xã này ao ước cũng lấy được chồng Hàn.

Năm 2004, bà Lan về quê, đến từng nhà có con gái trong ấp, ướm lời có muốn lấy chồng Hàn Quốc không, sẽ làm mai cho. Từ đó, mỗi năm bà này về Việt Nam vài lần, mỗi lần làm mai được 3-4 đôi.

"Nghe dì Lan kể các chị cùng quê lấy được chồng Hàn Quốc sang đó sung sướng, em muốn đi lắm, nhưng mãi năm ngoái mới thuyết phục được má đồng ý. Nhà nghèo, em cũng chỉ mong lấy chồng Hàn để có tiền giúp gia đình như các chị", Hiên ngậm ngùi kể.

Giữa năm 2007, bà Lan dẫn theo 2 người đàn ông Hàn về Đăk Lăk. Sau khi coi mắt, Hiên được một trong hai người đàn ông họ Lee ưng thuận. Sau đó, ông Lee đưa cho bà Lưu 1,5 triệu "đền ơn má" rồi dẫn Hiên lên TP HCM mua quần áo, hai hôm sau thì làm đám cưới luôn.

Mẹ Hiên nói bà không muốn cô lấy chồng xa vì chỉ có mình cô là con gái, nhưng khuyên can thế nào, Hiên cũng không nghe.

"Nó dọa sẽ bỏ nhà đi bụi nếu tôi không đồng ý cho lấy chồng Hàn Quốc, nên đành chấp thuận. Cưới xong, chồng nó về nước ngay, nói để lo thủ tục bảo lãnh, nhưng giấy tờ thiếu tùm lum, đến lần thứ năm này mới xong", bà Lưu than thở.

Đang chia sẻ dở câu chuyện với nhóm gia đình các cô dâu Việt cùng cảnh ngồi chờ con phỏng vấn trong Lãnh sự quán, một cậu thanh niên dáng bặm trợn ào tới, gắt gỏng: "Biết người ta là ai mà nhiều lời quá, mau về quê chuẩn bị tinh thần đi", rồi kéo mẹ con bà Lưu xềnh xệch tới phía mấy xe ôm đang đứng chờ sẵn.

"Nghe nói cậu thanh niên đó là cháu bà Lan. Cậu này sống tại TP HCM, phụ trách lo giấy tờ cho các cô, sau khi bà Lan đã mai mối xong", một người đàn ông cũng chung cảnh ngồi chờ con phỏng vấn như bà Lưu từ sáng sớm, cho biết.

"Đàn ông Hàn cũng "nhím" (keo kiệt) lắm, chẳng sung sướng gì đâu mà cứ đổ xô lấy nó. Tôi có con gái làm dâu Hàn Quốc, nên biết quá mà", bà Rốt, ngồi chờ phỏng vấn xin visa đi thăm, nuôi con gái sắp sinh tại Seoul chép miệng và lắc đầu nói.

Bà Rốt quê Bạc Liêu, có con gái là Nết, lấy chồng Hàn Quốc, được hai năm. Bà ly hôn từ trẻ, chỉ có mình Nết là con, nên cô mang họ mẹ. Ba năm trước, tỉnh Bạc Liêu rộ lên phong trào lấy chồng Hàn Quốc, con gái bà cũng bị cuốn theo.

"Tôi mần ruộng, còn con Nết làm nghề may, cũng đủ sống. Thế mà khi có bà mai đến nói sang Hàn Quốc được sung sướng, nó khóc lóc, lạy lục đòi tôi cho đi lấy chồng Hàn, còn dọa nếu tôi không đồng ý, sẽ ở giá suốt đời", bà Rốt nói, giọng buồn bã.

Qua môi giới của một người phụ nữ lớn tuổi là "má Út", Nết được một người đàn ông họ Park, chừng gần 50 tuổi, làm tài xế taxi ở Seoul ưng thuận. Sau đó, cô dâu và chú rể được bố trí nói chuyện, tìm hiểu riêng và có một đám cưới tại một nhà hàng nhỏ, trên TP HCM.

Theo yêu cầu của bà mai, gia đình bà Rốt chỉ được 10 người lên thành phố dự đám cưới. Sau bữa tiệc ngắn gọn, chồng Nết đưa cho bà phong bì 1.000 USD, nhưng bà Út đi theo giật lại ngay.

"Lúc ấy bà ta nói lấy lại tiền để chia cho các bên môi giới rồi chừa 2 triệu đồng, chỉ đủ tiền thuê xe. Sau này tôi mới biết, con rể đã đưa trước cho bà ta 5.000 USD để làm đám cưới, nhưng tôi một thân một mình, cũng không biết bà ta ở đâu mà đến đòi. Nghe đâu, sau đó bà ta đã bị công an bắt", bà Rốt kể với giọng uất ức. 

Bà Rốt cũng cho biết, sau khi sang Hàn Quốc, con gái viết thư về cho biết ang sống cùng gia đình chồng trong một căn hộ chung cư cũ. Nết không được chồng cho đi làm, chỉ ở nhà để "sinh con nối dõi tông đường". Hai năm, cô sinh liền 2 con, đứa đầu là gái, cháu bé sắp sinh cũng là gái, nên chồng cô không mướn y tá chăm sóc nữa, đề nghị đưa bà Rốt sang phục vụ vài tháng.

"Tôi coi báo, thấy viết nhiều về cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc bị đánh chết, rồi nhả‌y lầ‌u t‌ּự t‌ּử nên sợ lắm. Nhân tiện con rể bảo lãnh sang nuôi vợ nó ở cữ, tôi quyết tâm đi, dù phải chi thêm không ít tiền, để được tận mắt xem con sống như thế nào" bà Rốt nói.

Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng trăm thiếu nữ xếp hàng dài trước Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM để xin cấp visa kết hôn, bất chấp cái nắng nóng đầu mùa.

Khuôn mặt trẻ măng, cách phục trang mang đậm dấu ấn của mỗi miền quê, các cô gái ôm khư khư tập hồ sơ trên tay, nhẫn nại chờ tới lượt mình được vào phỏng vấn. Trong lúc chờ đợi, nhiều cô gái lôi những bức ảnh cưới đính kèm trong hồ sơ ra để "khoe" nhau dung nhan các ông chồng Hàn. 

Khi thấy người lạ lân la gợi chuyện, các cô nhanh chóng chuyển sang thái độ cảnh giác và trả lời tỉnh queo "em phỏng vấn để du học, hoặc đi xuất khẩu lao động, đi du lịch" một cách trơn tru như thuộc bài.

Ở vỉa hè phía bên kia đường trước cổng Lãnh sự, người thân các cô chăm chú dõi theo nhất cử nhất động của con gái họ, trong sự giám sát của các cò môi giới. Mỗi khi có người lạ mặt đến hỏi chuyện họ, những người này áp sát lại hỏi han, rồi tìm cách cắt ngang câu chuyện của gia đình cô dâu với những người không quen biết.

Và mỗi một cô gái bước ra từ cổng Lãnh sự quán, người thân các cô cùng đồng loạt chạy xô tới, hỏi thăm "có đậu không?, người ta phỏng vấn những gì?...". Thái độ của người nhà lúc mừng rỡ, hớn hở, khi ỉu xìu theo tâm trạng của những đứa con vừa bước ra từ cuộc phỏng vấn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật