Ca sĩ Phương Thanh nộp đơn kháng cáo

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình, TP HCM đã không xem xét vụ kiện của mình một cách công minh, ngày 4/3 ca sĩ Phương Thanh đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án này.
Ca sĩ Phương Thanh nộp đơn kháng cáo
Phương Thanh tại phiên sơ thẩm

Trong đơn kháng cáo, nguyên đơn Phương Thanh cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét một cách khách quan những chứng cứ, lời khai tại phiên tòa để giải quyết vụ án. Việc Hương Trà viết sai sự thật về cô trên blog rõ ràng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cũng như uy tín, thậm chí còn xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của Phương Thanh.  

Ngoài ra, cô ca sĩ còn đề nghị tòa án TP HCM xét xử phúc thẩm lại vụ án theo hướng buộc bà Lê Nguyễn Hương Trà (chủ nhân blog Cogaidolong) phải xin lỗi và cải chính công khai về việc đã có những bài viết trong blog xâm hại đến danh dự, uy tín của ca sĩ.

Trước đó, ngày 16/10/2007, ca sĩ Phương Thanh đã nộp đơn khởi kiện blogger Cogaidolong ra tòa vì đã xúc phạm danh dự của cô khi thông tin sai về liveshow "Mưa". Ngoài ra, ca sĩ cũng cho rằng entry "Chuyện của... Cờ" trên blog Cogaidolong ám chỉ tới chị nên yêu cầu blogger Hương Trà phải "có lời" trên 3 tờ báo với nội dung "xin lỗi Phương Thanh vì đã viết không đúng sự thật".

Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 29/2, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của Phương Thanh.

Từ vụ ca sĩ Phương Thanh đòi nhà báo Hương Trà xin lỗi: Phải chăng "cải chính" kiểu... nhà báo?!

Cứ theo nguyên tắc mà nói thì khi một người có hành vi trái pháp luật, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường bằng một khoản tiền cho người đó.

Đó là bồi thường thiệt hại về tinh thần. Còn cụ thể trong từng vụ việc có phải cải chính, bồi thường tiền bạc hay không, bồi thường bao nhiêu, cải chính như thế nào là tùy yêu cầu của nguyên đơn, kết quả thương lượng hòa giải giữa đôi bên và phán xét của tòa án.

Ca sỹ Phương thanh trao đổi với luật sư của mình và với
luật sư bên bị tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh T.Thuấn

Trong vụ tranh chấp giữa ca sĩ Phương Thanh (nguyên đơn) và nhà báo Hương Trà (bị đơn) đã được TAND quận Tân Bình xử hôm 29-2 vừa qua, nguyên đơn ca sĩ cho rằng chủ blog Cogaidolong (bị đơn Hương Trà) đã viết hai bài trên blog có nội dung không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín của mình. Nguyên đơn đòi bị đơn phải cải chính công khai và xin lỗi trên ba tờ báo khác nhau trong hai kỳ liên tiếp... Nhưng phía bị đơn nhà báo Hương Trà thì cho rằng mình viết phóng tác không hề ám chỉ “Cờ” là Phương Thanh mà nội dung cũng không có gì gọi là vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của ai. Bị đơn đề nghị chỉ “viết lại cho rõ” đăng trên blog của mình, chứ không phải cải chính, xin lỗi trên báo như yêu cầu của nguyên đơn.

Trước yêu cầu mâu thuẫn như vậy, hội đồng xét xử nhận định không có đủ cơ sở để kết luận bị đơn nhà báo viết ám chỉ nguyên đơn ca sĩ, mà nội dung bài viết cũng là đúng sự thật đã xảy ra, chỉ có điều... có thể khiến người đọc lầm tưởng mà hiểu xấu đi... Thế là tòa tuyên án bác yêu cầu của nguyên đơn ca sĩ, không buộc bị đơn nhà báo phải cải chính, xin lỗi (vì đâu có “lỗi” gì để phải “xin”, đâu có “sai” nào để phải “cải chính”)... Đồng thời, tòa ghi nhận thiện chí của phía bị đơn, chấp thuận cho bị đơn viết bài “nói lại cho rõ” trên blog của mình trong vòng hai ngày kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy là phía nguyên đơn thua trắng. Vậy thì ai đúng, ai sai? - Việc gì cũng tùy theo nhận định thôi. Vì tòa nhận định Hương Trà không ám chỉ Phương Thanh mà nội dung viết cũng không có gì sai trái thì rõ ràng làm sao buộc Hương Trà cải chính, xin lỗi. Còn việc “nói lại cho rõ” là phát xuất từ thiện chí của người viết, mình viết chưa rõ thì mình viết lại thôi. Đó là việc ngoài quy định của pháp luật nên tòa chỉ có quyền chấp nhận vậy thôi...

Nói cách khác, trong cương vị của tòa, đối với hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác thì mới phải dùng đến pháp luật mà xử lý buộc phải cải chính công khai và xin lỗi; còn ở đây, cũng theo nhận định của tòa, bị đơn không có gì sai trái, cho nên ghi nhận thiện chí “nói lại cho rõ” đã là thỏa đáng rồi. Có điều đáng để ý là với cách đối phó ấy của cánh nhà báo lâu nay không ít người tỏ ra “khó chịu” thì ở đây cũng bằng cách “dung hòa” ấy của một nhà báo đã được tòa tán dương và chấp nhận!

Suy cho cùng, trong vụ án này, tòa đã xử lý trong thẩm quyền của mình đúng theo luật định; bị đơn nhà báo đã đưa ra giải pháp dung hòa quyền lợi không trái pháp luật; và nguyên đơn ca sĩ cũng đã biết sử dụng kịp thời cái quyền kháng cáo mà pháp luật đã quy định cho mình. Tất cả đều dựa theo luật mà làm, lách theo luật mà sống, ai cũng chỉ biết dùng luật mà cư xử với nhau!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật