Quyết định cưỡng chế xây dựng hàng rào Đầm sen Cần xem xét nguyện vọng của dân!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Lỡ” mua phải những mảnh đất do UBND xã chuyển nhượng trái phép, các hộ dân khu vực Đầm Sen tổ 19, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội phải sống trong cảnh “khóc dở, mếu dở” gần 20 năm qua…
Quyết định cưỡng chế xây dựng hàng rào Đầm sen Cần xem xét nguyện vọng của dân!
Việc cưỡng chế thu hồi đất tại khu vực Đầm Sen đã tuân thủ theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP HÀ Nội? Ảnh : Thành Vinh

Hệ lụy từ "án bỏ túi"

Là những cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội, các hộ dân thuộc tổ dân khu D, tổ 19, phường Khương Đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và ngay cả khi "lỡ" bỏ tiền "mua" phải những mảnh đất do UBND xã “bán” trái phép, sống trong cảnh không được xây nhà, cấp điện, đường sá, vệ sinh nhưng họ vẫn "cam chịu".

Chuyện bắt đầu từ tháng 10 năm 1992, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 579/CV - UB ngày 13-04-1991 và Quyết định số 35 của UBND huyện Thanh Trì ký cấp đất cho các hộ dân có nhu cầu và mục đích làm nhà ở, UBND xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân - PV) có chủ trương giãn dân trong xã.

Từ phong trào "giao đất" của UBND xã Khương Đình, 152 hộ gia đình sau khi nộp đủ các nghĩa vụ tài chính và đền bù hoa màu trên đất thì được UBND xã Khương Đình cấp Giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở tại Khu Đầm Sen, Đầm Hồng, trong đó có hộ dân hiện đang khiếu kiện được chính quyền xã cấp tại Khu D khu vực Đầm Sen.

Tuy nhiên, "đầu xuôi đuôi chẳng lọt", vào năm 1995, bản án của TAND TP Hà Nội tuyên xử các "công bộc" sở tại và một số đối tượng về tội "vi phạm quản lý, sử dụng đất đai" tại khu vực trên và đồng thời có quyết định thu hồi 2.500m2 đất do các bị cáo đã mua đi bán lại bất hợp pháp, giao chính quyền địa phương quản lí và giải quyết theo thẩm quyền.

Gần 20 năm trôi qua, phán quyết tịch thu 2.500m2 đất tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen của TAND TP Hà Nội vẫn không thể thi hành án được với lí do không xác định được vị trí, mốc giới của phần đất phải thu hồi, số đất phải thu là bao nhiêu, đồng nghĩa việc xác định tối tượng thi hành án dân sự về việc thu hồi đất là không có. Bản án "treo" cũng có nghĩa với việc đẩy người dân vào cảnh "dở khóc, dở cười".

"Chúng tôi không được xây nhà, không được cấp điện, cấp nước, đường sá và vệ sinh môi trường cũng không được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Mãi đến mấy năm gần đây, kêu khản cổ mới có điện có nước, ai làm nhà đều phải lén lén, lút lút…" - ông Võ Văn Vinh, 17 năm làm tổ trưởng (1995-2011) tổ dân phố số 19 - phường Khương Đình, nơi những người dân lỡ mua phải "đất sai phạm" từ 20 năm trước bức xúc nói.

Sau 20 năm mòn mỏi đợi chờ và bởi nhu cầu dân sinh, người dân nơi đây đã tự ý xây dựng những căn nhà tạm để sinh hoạt. Tuy nhiên, việc làm trên được coi là trái Pháp Luật, sai quy hoạch nên bị buộc tháo dỡ.

Bức xúc, người dân đã đâm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Theo đơn các hộ dân gửi các cơ quan báo chí, các hộ dân Khu D khu vực Đầm Sen cho rằng, việc cưỡng chế nhà tạm của người dân là trái với những quy định tại văn bản mà trước đây UBND xã Khương Đình ban hành năm 1992, do ông Hoàng Văn Tràng, Phó chủ tịch UBND xã Khương Đình (bây giờ là UBND phường Khương Đình) ký. Việc cưỡng chế khi chưa xác định được mốc giới, nguồn gốc, diện tích lô đất đã đập công trình nhà dân là hành động quá vội vàng (!?).

Thứ 2, hai Thông báo số 63/TB-TTPTQĐ ngày 29-11-2011 và Thông báo 03/TB-TTPTQĐ ngày 16-2-2012 của Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu công trình đô thị quận Thanh Xuân về việc khởi công, triển khai công trình Xây dựng hàng rào tôn bao quanh khu đất Đầm Sen là không phù hợp với Luật Đất đai và các quy định hiện hành.

Cụ thể, chủ đầu tư khi đo đạc, khảo sát hiện trạng đã không thông báo cho các hộ dân có đất biết; không có diện tích sơ đồ và quyết định giao đất đối với khu vực thi công. Việc làm trên của Trung tâm quỹ đất đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, an ninh, đời sống sinh hoạt cũng như xâm phạm bất hợp pháp vào đất của các hộ dân.

Thứ 3, tại Công văn số 1279/UBND-TNMT, ngày 28-2-2012 của UBND TP Hà Nội về việc "chấn chỉnh, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai, về thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn Thành phố" quy định rõ nhiều nội dung như: Rà soát các quy định về thu hồi đất, giao đất, thuê đất tại các Điều 38, 39, 40 Luật Đất đại 2003 và thu hồi đất khi thực hiện các kiến nghị, quyết định tại bản án có hiệu lực Pháp Luật của Tòa án, báo cáo, đề xuất xử lý các trường hợp bất cập, vướng mắc (nếu có).

UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và TĐC, GPMB thu hồi đất…Tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành bàn giao theo đúng quy định của Pháp Luật….

Chiểu theo Công văn 1279/UBND-TNMT và cách ứng xử của các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân vừa qua, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng quận Thanh Xuân và phường Khương Đình đang phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội (?!).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật