Công nghệ làm két bạc bằng... cát đen

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo lời một công nhân sản xuất két sắt ở Đại Tự tiết lộ, với những chiếc két rẻ tiền, tôn mỏng, chỉ cần dùng con dao nhọn đâm mạnh là cát đen ở thành két sẽ bục ra...
Công nghệ làm két bạc bằng... cát đen
Công đoạn ban đầu là cắt những tấm tôn mỏng, hàn thành khuôn từng loại két

Ít ai biết rằng những chiếc két bạc giữ gìn của cải, tiền vàng của các gia đình, doanh nghiệp được người dân thôn Đại Tự sản xuất phần lớn từ… cát đen, ốp bê tông và tôn mỏng. Với công nghệ làm két như vậy thì độ an toàn có cao?

Tiền nào của nấy…

Phóng viên  đã về thôn Đại Tự (Kim Chung, Hoài Đức Hà Nội) để tìm hiểu công nghệ làm két bạc mà các gia đình, doanh nghiệp sử dụng lâu nay. Được biết, nghề làm két bạc ở Đại Tự hình thành được hơn chục năm nay. Hiện cả làng có hàng chục cơ sở sản xuất, công ty quy mô lớn thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Mỗi ngày người dân thôn Đại Tự sản xuất ra hàng ngàn két bạc, tủ hồ sơ, giá để tài liệu… cung cấp cho các gia đình, doanh nghiệp Hà Nội đến TP.HCM.

Nếu có dịp đến làng Đại Tự, nhiều người sẽ dễ nhầm đây là điểm công nghiệp làng nghề quy củ, bởi hai bên đường là những dãy nhà xưởng sản xuất, với hàng trăm công nhân miệt mài làm việc, xe ô tô, xe máy tấp nập ra vào nhận hàng. Nhưng tìm hiểu kỹ, phần lớn các hộ dân làm nghề ở đây theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm.

Thế nhưng chứng kiến các công nghệ làm két bạc thủ công phần lớn bằng… cát đen, ốp bê tông và tôn mỏng ở đây chúng tôi tự hỏi: két bạc có độ an toàn cao không? PV Infonet.vn tìm đến Xưởng két bạc Việt – Ý, vài chục chiếc két vừa sản xuất bày phía ngoài, mùi sơn nồng nặc, khiến người nôn nao...

Phía trong xưởng được đóng bằng cánh cửa tôn có ghi dòng chữ “không phận sự miễn vào”, nhưng tôi vẫn nghe tiếng hàn xì xoẹt, tiếng gõ của các công nhân đang làm việc chát chúa, inh tai bên trong. Khi giới thiệu là người muốn mua két bạc ngỏ ý muốn vào thăm, anh quản lý xưởng từ chối thẳng thừng và đẩy tôi ra và nói: “Thích thì xem hàng ở ngoài này, người lạ không được vào trong…”

Những tấm két bạc thô sơ hình thành

Tìm đến cơ sở sản xuất có tên là Ngọc Quang, vào đến cổng xưởng, đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm chiếc két bạc ở đây đã đóng hộp chuẩn bị xuất xưởng. Vừa dựng xe, một người đàn ông trung tuổi bước ra hỏi tôi vào đây làm gì, tìm ai? Sau một hồi giải thích, người đàn ông này mới miễn cưỡng tiếp và cho PV biết tên là Trần Ngọc Quyến, đại diện cơ sở sản xuất này.

Ông Quyến cho biết, trung bình một ngày xưởng sản xuất ở đây có thể làm được 10 – 20 két bạc, phần lớn làm theo đơn đặt hành cho các doanh nghiệp, hộ gia đình khắp cả nước. Theo như ông Quyến, két bạc ở đây có nhiều loại từ K30, K40 đến to nhất là K100. Mỗi chiếc có kích thước nặng nhẹ khác nhau, từ 1 đến 3 tạ.

Đánh bóng và sơn chống rỉ

Chi phí làm một chiếc két trên từ 500 ngàn đến 1 triệu, sau khi trừ nguyên vật liệu, lương công nhân, điện… mỗi chiếc két lãi được khoảng từ 300.000 đến 500.000 ngàn đồng/chiếc, tùy kích thước to nhỏ khác nhau. Trung bình giá một chiếc két bạc xuất tại xưởng từ 800.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/chiếc.

Khi hỏi về quy trình làm két thì người đàn ông này giấu nhẹm, và mời PV ra khỏi xưởng.

Công nghệ… nhồi cát

Quanh quẩn tìm hiểu công nghệ làm két bạc ở Đại Tự, PV Infonet.vn phải mất gần cả ngày mới nắm được. Đưa ngón tay trỏ kiểm tra độ an toàn và chắc chắn của vài chiếc két đang chờ đóng hộp. Gõ vào 4 thành và phía trên két, đều nghe tiếng bộp bộp kêu của cát và bê tông. Khi được hỏi độ an toàn, thì một công nhân làm nghề thừa nhận: “Những chiếc két này thực ra có độ an toàn không cao lắm". Công nhân này cho biết, chỉ cần những tên “đạo chích” lấy được két, sau đó dùng 1 con dao nhọn đâm mạnh 1 cái vào két và rạch ra là lớp cát bục ra và chúng có thể dùng đột hay máy cắt, cắt lớp tôn mỏng ra là có thể lấy được tiền vàng.

Sau đó chuyển vào phòng kín "nhồi" cát đen và ốp bê tông

Theo tìm hiểu của PV Infonet.vn, từ những tấm tôn trắng dầy khoảng 1cm được người thợ cắt theo khuôn hình, kích thước từng loại két, sau đó công nhân hàn các tấm tôn lại với nhau. Phần trên và phần đáy két bạc cũng được hàn 1 tấm tôn mỏng để làm chân và giữ cát. Sau khi hình thành nên chiếc két thô, công đoạn tiếp theo là quét lên một lớp sơn chống rỉ. Sau đó, được công nhân chuyển ra địa điểm kín đáo khác “nhồi” cát đen vào, phủ một lớp mỏng bê tông xi măng lên, sau đó hàn 1 lớp tôn mỏng nữa phía ngoài và phủ lớp sơn chống rỉ màu ngoài cùng két. Phía cửa mở được lót tấm nhựa mỏng để gắn khóa và mật mã mở két…

“Kết cấu một chiếc két bạc có tới 2/3 là cát đen và bê tông. Nếu không làm vậy người làm nghề ở đây lấy đâu ra lãi mà duy trì sản xuất. Trong khi đó, giá bán một chiếc két đang có xu hướng giảm đi và thị trường tiêu thụ ngày càng bão hòa” – một công nhân cho biết.

Rồi đưa ra sơn lớp bên ngoài...

Nếu như trước kia 1 chiếc két người dân làm ra và xuất xưởng giá trị tới 4 đến 5 triệu đồng/chiếc, thậm chí 6 -7 triệu đồng/chiếc, vì vậy họ sản xuất mất nhiều công sức, tỷ mỉ công phu, cẩn thận bao nhiêu, thì nay dân Đại Tự chạy theo số lượng, lợi nhuận… bấy nhiêu bỏ mặc chất lượng, nên nghề làm két bạc kiểu thủ công ở đây đã dần mất thị trường, mặc dù giá có rẻ hơn trước tới một nửa.

Két thành phẩm xuất xưởng


Anh T., một công nhân làm két phân tích, "Tiền nào của ấy”, vì tuổi thọ một chiếc két sản xuất ở đây chỉ sử dụng được một thời gian. Sau đó, các tấm tôn két sẽ bị rỉ sét theo thời gian do lớp sơn mất tác dụng, nếu có va đập mạnh thì cát ở thành két có thể bục ra. Chính vì thời gian sử dụng ngắn vậy, cộng với phần lớn két “nhồi” bằng cát nên mới “đại hạ giá” như hiện nay".

Vài năm trở lại đây, két bạc được người Đại Tự làm ra tiêu thụ rất chậm, nên một số cơ sở xoay sang làm cả giá để sách, tủ hồ sơ bằng tôn…để tăng doanh thu. Không những vậy, người dân nơi đây hằng ngày phải đón những chiếc xe tải vào ra tấp nập, hai bên đường ngổn ngang những cuộn thép to nhỏ, đủ kiểu; tiếng máy cắt, máy mài, máy hàn inh tai, nhức óc ngày đêm…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật