“Ban công Juliet” ở Hà Nội

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ban công không chỉ làm duyên cho ngôi nhà mà còn là cầu nối không gian trong nhà với thiên nhiên, đất trời. Đứng ở đây có thể ngắm phố, ngắm cây và chứng kiến cuộc sống trôi qua trước mắt. Ban công từng là một nét văn hóa rất riêng và độc đáo trong kiến trúc của phố Hà Nội...
“Ban công Juliet” ở Hà Nội
Ban công tại biệt thự cổ 29 Cao Bá Quát - Hà Nội.

Sau khi đánh thắng quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long và chuyển kinh đô vào Huế. Năm 1805, lấy cớ chữ Long (rồng) chỉ tượng trưng cho Kinh sư nên Gia Long đã cho đổi chữ Long (rồng) trong Thăng Long sang chữ Long (thịnh). Thế là sau hơn 800 năm là kinh đô, Thăng Long trở thành trấn thành. Năm 1815 Gia Long công bố "Hoàng Việt luật lệ" (hay còn gọi là Luật Gia Long), đây là bộ luật thứ hai của triều đại phong kiến Việt Nam sau Luật Hồng Đức đời Hậu Lê. Luật có 22 quyển với 398 điều, bao quát các mặt của đời sống chính trị, xã hội trong đó có nhiều điều khoản hạn chế về xây nhà ở Hà Nội. 

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi đã cho sửa "Hoàng Việt luật lệ" để phù hợp với cách cai quản của mình. Về xây dựng nhà cửa ở Hà Nội, "Hoàng Việt luật lệ" sửa đổi đã quy định: "Nhà trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng hai mái. Cấm làm nhà có gác cao bằng vai kiệu trương quan đi tuần" và "Cấm không được trổ cửa sổ ra bên đường".

Cùng với những cấm đoán trong xây dựng, chính sách thuế của nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức cũng tác động tiêu cực đến bộ mặt đô thị Hà Nội. Nhà nước phong kiến này không căn cứ vào buôn to hay bán lớn để định ra mức thuế mà thu theo mặt tiền của cửa hàng. Mặt tiền càng rộng thuế càng cao, bất kể chiều sâu của ngôi nhà và hàng hó‌a chấ‌t bên trong nhiều hay ít. Kiểu thu thuế này khiến nhiều gia đình có mặt tiền rộng phải è lưng ra đóng thuế nên họ xẻ nhỏ chia cho con cái, có nhà thì bán hay cho thuê và kiến trúc nhà ống ra đời.

Khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội vào năm 1883, sang năm 1884, họ mới lục tục kéo về và dù luật lệ của nhà Nguyễn về nhà cửa vẫn còn nhưng thực tế nó không có giá trị vì thực dân Pháp đã cai quản Hà Nội. Tuy nhiên kinh tế khó khăn nên thành phố vẫn còn rất nhiều nhà lá.

Viên Công sứ đầu tiên tại Hà Nội là Bonnal bắt đầu lên một kế hoạch xây dựng bằng việc cho xây Tòa Đốc lý, bưu điện... ở phía đông Hồ Gươm theo tinh thần kiến trúc cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Bonnal cũng ra quyết định làm con đường quanh Hồ Gươm, mở rộng phố Hàng Khảm (bao gồm phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay), con đường huyết mạch từ khu nhượng địa đến thành Hà Nội.

Năm 1885, việc mở rộng phố Hàng Khảm hoàn thành và người ta cho lát vỉa hè, trồng phượng hai bên, nhà xây gạch thay cho nhà lá xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện tại tầng 3 nhà số 3 phố Hàng Khay vẫn còn hàng số 1886, tức là năm xây dựng ngôi nhà. Và cũng tại nhà số 3 này vẫn còn một ban công trên tầng 2, có lẽ đây là ban công đầu tiên của nhà dân ở Hà Nội.

Để có công cụ quản lý thành phố, chính quyền đã ra nhiều nghị định để quản lý đô thị, thuế má, trong đó có "Quy chế về lục lộ thành phố Hà Nội" ban hành ngày 12-9-1891 do Đốc lý Beauchamp ký. Quy chế này quy định: "Ban công chỉ được làm ở độ cao 4m tính từ mặt vỉa hè lên ở những phố có chiều rộng không dưới 10m với phần nhô ra là 0,80m. Với ban công tầng nhỏ cửa sổ trên tầng trệt là 0,22m". Quy chế này là sự thay đổi lớn trong xây dựng nhà ở cho người dân Hà Nội vì không chỉ được phép xây cao hơn cả "kiệu của trương tuần" mà nhà Nguyễn trước đó cấm dân mà còn cho phép họ xây nhô ra.

Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế cho rằng: "Ban công đã cho người Việt một giá trị mới: giá trị cá nhân, giá trị của con người thị dân. Chưa bao giờ người Việt được đứng ở tầm cao như vậy để nhìn xuống người đi đường và cũng chưa bao giờ những kẻ thị dân được nhìn ở tầm cao như vậy".

Ban công là phiên âm từ balcon trong tiếng Pháp có nghĩa là phần làm nhô ra của ngôi nhà. Ban công có trong kiến trúc cổ điển Châu Âu nhưng trở nên phổ biến sau khi bi kịch "Romeo và Juliet" của W.Shakespeare viết năm 1597 được công diễn, trong đó có cảnh nàng Juliet trên ban công và Romeo đứng ở dưới tâm tình. Cái tên "ban công Juliet" ra đời từ đó.

Năm 1923, một loạt công trình lớn được xây dựng tại Hà Nội với kiến trúc theo phong cách Pháp kết hợp với kiến trúc dân gian Việt Nam. Người tiên phong là kiến trúc sư Ernest Hébrard khi ông thiết kế tòa nhà chính của Đại học Dược (phố Lê Thánh Tôn hiện nay), kiến trúc này mở đầu cho phong cách kiến trúc Đông Dương.

Không chỉ ở các công trình lớn, kiến trúc Đông Dương còn thấy ở nhiều biệt thự xây dựng trong những năm 1930 ở khu vực "khu phố Pháp" (Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung...) và tất nhiên không thể thiếu được "ban công Juliet" xinh xắn. "Ban công Juliet" cũng xuất hiện ở hầu hết các nhà dân xây dựng từ năm 1930 đến 1954.

Ban công nhô ra phía mặt đường, chỉ chiếm một phần chiều rộng của mặt tiền có lan can uốn bằng sắt dẹt với các hoa văn đa dạng, từ hoa lá, họa tiết thừng đến chữ Thọ và cả chữ quốc ngữ viết tắt tên chủ nhà có tính thẩm mỹ, chứa đựng ý nghĩa. Tất nhiên các kiến trúc sư thiết kế các họa tiết lan can trên ban công nhưng không thể không nói đến những người thợ sắt vô cùng lành nghề và khéo tay.

Một trong những cửa hàng có thợ giỏi phải kể đến là Hãng Cơ khí Phúc Long (ở 173 phố Phan Đình Phùng), trước khi chế tạo ra những chiếc xích lô gọn nhẹ vào năm 1952, Phúc Long đã nổi tiếng Hà Nội về làm cửa sắt, lan can ban công từ những năm 1930. Cửa sắt, lan can của Phúc Long không có mối hàn mà ghép với nhau bằng đinh tán và bây giờ vẫn còn thấy chẳng hạn như cánh cổng Hội Hợp Thiện (phố Lê Trực, nay là Ủy ban nhân dân phường Điện Biên). Kiến trúc sư Ngô Đức Diên khi thiết kế ngôi nhà 46 phố Hàng Ngang cho nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã chọn Phúc Long làm lan can sắt.

Ngày 10-10-1954, hàng vạn cán bộ, công nhân, bộ đội từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô không có chỗ ở đã phải thuê hay ở nhờ nhà dân trong phố. Một vài khu tập thể tức tốc được xây dựng ở bờ sông Hồng nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu và Nhà nước đã phải phân nhiều biệt thự, nhà mặt phố mà chủ đã di cư vào Nam cho cán bộ. Từ một hộ nay có nhiều hộ hơn nên diện tích chia cho các hộ cũng hẹp và để thêm diện tích sinh hoạt, chỗ thơ mộng nhất của ngôi nhà biến thành chỗ phơi quần áo, có nhà che phía ngoài làm bếp. Tình trạng đó kéo dài cho đến ngày nay.

Sau năm 1975 và kéo dài đến đầu những năm 1990, một số nhà xây mới vẫn theo phong cách kiến trúc cũ, tuy nhiên họ làm ban công hết cả chiều rộng mặt tiền. Có nhà dùng ban công làm nơi hóng mát mùa hè nhưng nhiều nhà đặt chậu hoa hay trồng hoa giấy. Song có điều lan can sắt không còn họa tiết đẹp như trước nữa, thợ sắt chỉ nối các đoạn sắt tròn bằng mối hàn xù xì và hình thù rất tùy tiện.

Có chủ không có sắt đã thay thế bằng hình con tiện gốm hay các viên gạch trang trí khiến ban công trở nên nặng nề và thô vụng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải kể đến tình trạng khan hiếm sắt, quản lý xây dựng đô thị lỏng lẻo và thiếu quy định chặt chẽ trong xây dựng nhà ở.

Đầu tháng 3-2012, tại viện Goethe diễn ra triển lãm "Nhà mặt phố" của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Để có được hình ảnh chân thực làm nền cho những bức tranh sử dụng không gian 3 chiều, họa sĩ đã phải chụp hàng nghìn ngôi nhà từ cũ đến mới và một kết quả từ những bức ảnh cho thấy, "ban công Juliet" còn rất ít. Với những ngôi nhà mới xây, gia chủ rất thực dụng bởi đất thành phố quý hơn vàng nên họ không làm ban công.

Bắt đầu từ tầng hai trở lên, họ xây tường để tăng diện tích sử dụng cho các căn phòng. Lại có nhà làm khung nhôm bịt kính, rồi quảng cáo kín cả mặt tiền. Cảm giác của người xem triển lãm là sự phát triển dường như ngoài tầm kiểm soát. "Ban công Juliet" đang ít dần làm mất đi sự lãng mạn trong văn hóa kiến trúc của Hà Nội...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật