Những ‘mê cung“ độc đáo dưới lòng đất ở VN (kỳ 2)

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là những công trình kiến trúc độc đáo, địa đạo Vĩnh Mốc, Hoàng thành Thăng Long hay căn hầm bí mật ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội... lúc nào cũng gây tò mò với du khách.
Những ‘mê cung“ độc đáo dưới lòng đất ở VN (kỳ 2)
Ảnh minh họa

Địa đạo Vĩnh Mốc

Đây là một công trình quân dân sự, được xây dựng trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.

Địa đạo Vĩnh Mốc được xây dựng và kiến tạo trong lòng đất từ năm 1965 và hoàn thành sau 18 tháng, với chiều sâu từ 20 đến 28 m, có ba địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn.

Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.

Ðịa đạo được cấu tạo thành ba tầng. Tầng một sâu cách mặt đất từ 12 đến 15 m, là nơi sinh sống của nhân dân. Tầng hai sâu 18 m là nơi đóng trụ sở của Ðảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng ba sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc. 

Trong năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống trong địa đạo. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, trong lòng địa đạo không một người nào bị thương và đã có 17 em bé chào đời.

Hiện nay, khu bảo tàng địa đạo Vĩnh Mốc trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng, chính thức mở cửa đón du khách từ năm 1995.

Hầm ngầm ở Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam; là nơi lưu giữ các chứng tích về sự giao lưu văn hoá, giao thoa các giá trị nhân văn trong khu vực, tạo nên một nền văn hoá giàu bản sắc dân tộc.

Ngày 1/8/2010, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được Uỷ ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) công nhận là Di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu. 

Trong quần thể di sản, ngoài các di tích tiêu biểu như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, thì hầm ngầm D67 rất gây tò mò với du khách. Đây là khu hầm lớn nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương.

Hai đường dẫn xuống hầm bắt nguồn từ hai phòng làm việc của Tướng Giáp và Tướng Dũng trong nhà D67, rộng 1, 2m và có 45 bậc thang bê tông, trát đá granite. Đi sâu xuống 10m nữa là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50m2, chung một hành lang bên phải. Phòng họp hình chữ nhật toàn khối, nền lát gạch, có một cửa ra vào. Các phòng bên dành cho ban thư ký và phòng để máy móc, điện đài. Cuối cùng là phòng chứa hệ thống thông hơi, lọc khí đồ sộ chạy điện được chế tạo tại Liên Xô. Các lối lên xuống của hai đường hầm và cửa ra vào có tới sáu cửa thép sơn xanh dày 12cm, có nhiều tay nắm và hệ thống gioăng cao su có thể ngăn nước và khí độc...

Bên cạnh hầm của Bộ Chính trị, còn có hầm trước cửa nhà “con rồng” (dưới nền điện Kính Thiên), hầm gần khu làm việc của Cục Tác chiến và hầm của Ban Cơ yếu có qui mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn nhưng cũng chống được bom và tên lửa hạng nặng.

Hầm bí mật trong khách sạn 5 sao Hà Nội

Trong quá trình thi công nền móng cải tạo Bamboo Bar của khách sạn danh tiếng Sofitel Legend Metropole Hà Nội, đội thi công đào sâu hơn 2m, khoan qua trần bê tông dày 278mm thì lộ ra một hành lang ngập nước và cầu thang dẫn xuống một hầm trú ẩn bị chôn vùi từ lâu.


Hồi tháng 8/2011, Tổng giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội Kai Speth và Giám đốc kỹ thuật đã cho khoan một lỗ rộng 1m2 ngay trên nóc hầm và phát hiện diện tích hầm rộng chừng 40m2. Tại đây, họ tìm thấy một chai rượu cũ, những chiếc bóng đèn vẫn còn nguyên vẹn, ống dẫn khí, vết mực trên tường.

“Trong cuốn lịch sử khách sạn, có câu chuyện kể về Joan Baez, một ca sỹ nhạc dân gian người Mỹ từng trú ẩn dưới căn hầm này. Trước đây chúng tôi vẫn biết là trong khách sạn có một căn hầm trú ẩn từ thời chiến tranh, nhưng việc xác định vị trí chính xác không hề dễ, cho đến khi chúng tôi đóng cọc móng cho Bamboo Bar trong giai đoạn nâng cấp tháng 8.2011 thì mới phát hiện", ông Kai Speth cho hay.

Tổng giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cũng từng thốt lên: “Chúng tôi chưa từng thấy có một khách sạn nào khác ở Việt Nam hay nước ngoài có được một hầm trú ẩn cho khách và nhân viên đáng giá như thế này”.

Được biết, khi hầm trú ẩn được tìm ra, những thắc mắc về nó ngày càng nhiều hơn bao giờ hết. Ví dụ, ai là Bob Devereaux, người đã viết tên mình trên bức tường xi măng dưới căn hầm này ngày 17/8/1975? Và đó có phải là ngày căn hầm bị bịt kín hay không?...

Những ‘mê cung" khổng lồ dưới lòng đất ở VN (kỳ 1)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật