Chợ hoạn gà

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chợ Thông Huề ở Trùng Khánh, Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với đặc sản hạt dẻ xuất khẩu mà còn là chốn “hội tụ“ của những người nuôi gà vùng cao. Phiên chợ Thông Huề chỉ diễn ra 6 lần trong tháng nhưng vô cùng nhộn nhịp, đặc biệt với nghề hoạn gà.
Chợ hoạn gà
Góc dành cho những người hoạn gà.

40 năm thiến gà

Chợ Thông Huề chỉ diễn ra vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 21, 27 âm lịch trong tháng. Chợ vùng cao Thông Huề vào những ngày này trở nên nhộn nhịp, người khắp nơi đổ về như đi hội.

Những cô gái Mông trong bộ váy Mèo sặc sỡ được xuống chợ cùng với đặc sản núi như gà, rau mầm, rau dớn... Những anh chàng dân tộc Tày được thỏa chí với rượu sắn, rượu Bắc từ Lào Cai.

Và đặc biệt, chợ Thông Huề nổi tiếng với nghề hoạn gà gia truyền của một số gia đình đồng bào dân tộc. Mỗi người đi chợ đều đem theo một hoặc vài con gà, có khi để bán, có khi để hoạn. Có đôi vợ chồng còn gánh theo cả một lồng gà cỡ bự vài chục con đem đi thiến.

Người từ khắp nơi đổ xuống, phiên chợ náo nhiệt với tiếng gà kêu, tiếng người í ới gọi nhau dồn về phía tây của góc chợ Thông Huề. Đó là góc dành cho những người hoạn gà.

Ở chỗ này, vào những ngày đặc biệt, có trên hai chục thợ hoạn tập trung dọc theo 2 ven đường. Những ngày khác, ít hơn nhưng không lúc nào thiếu vắng bóng thợ hoạn.

Theo lời giới thiệu của một cán bộ thú y tỉnh Cao Bằng, chúng tôi tìm gặp ông Nông Văn Tánh - một thợ hoạn gà có thâm niên trên 40 năm hành nghề.

"Gian hàng" của ông Tánh nằm lọt thỏm trong một góc chợ Thông Huề. Nghe chúng tôi giới thiệu, ông Tánh cười khà khà tỏ ý thích thú.

Ông bảo, năm nay gần 60 tuổi đời thì đã trên 40 năm tuổi nghề. Hoạn gà từ thuở chưa có vợ. Đến sau này, nhờ cái nghề "ác ôn" mà có tiền nuôi cả gia đình.

Ông Tánh nói thêm: "Gọi là cái nghề ác ôn cho đỡ phải giải thích nhiều. Ác ôn vì mình hoạn gà. Có ai hoạn mình đâu mà mình hoạn nó".

Nói xong, ông Tánh lại ngửa mặt cười khà khà và rút chai rượu phía sau tu vài hơi. Ông bảo, có rượu vào thì đường mổ, đường khâu mới chính xác. Hơn nữa, tay mình dính cồn dính rượu cũng là để sát trùng cho gà.

Theo kinh nghiệm của ông Tánh, hoạn gà núi khó hơn gà dưới xuôi nhiều. Gà dưới xuôi trọng lượng lớn, nhiều mỡ, chưa bị lệch kê (dá‌ּi gà) thì chỉ cần mổ đúng vị trí là xong.

Gà núi lại khác, phải thăm dò kê gà trước khi mổ. Vì loại gà núi nhỏ, gầy lại hay bị lệch kê nên không đơn giản. Khối người mổ đến dăm phát mà chưa thấy kê đâu.

Dụng cụ thiến gà của ông Tánh gồm dao kéo, kẹp to nhỏ và kim khâu móc. Nhìn ông Tánh thiến gà mà tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cứ 3 phút lại xong một con. Thậm chí, có những con ông Tánh không cần khâu chỉ vì vết mổ nhỏ, lại được bôi thuốc liền da nên rất đảm bảo.

Ở chợ Thông Huề, ngoài ông Tánh là người có thâm niên lâu năm trong nghề, còn có vài thợ hoạn khác cũng là những thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm.


Bi hài nghề… hoạn
Theo lời các thợ hoạn gà Trùng Khánh, nghề này cũng không ít những chuyện dở khóc dở cười. Như anh Hoàng Thế Tinh ở xã Đoài Côn, mới 25 tuổi mà đã nổi tiếng tay nghề cao.
Thợ thiến phải có kỹ thuật tốt mới có thể hoạn gà thành công.


Chuyện đến tai một phóng viên, cô phóng viên này muốn viết bài tuyên dương tấm gương đoàn viên làm nghề hoạn gà. Đến ngày hẹn, cả bản tập trung tại nhà anh Tinh để xem cô phóng viên chụp ảnh thế nào, xem anh Tinh hoạn gà ra sao.

Rủi một cái là gà nhà anh Tinh và hàng xóm cũng đã bị anh hoạn sạch, không còn mống nào. Trong khi đó, cô phóng viên kiên quyết muốn anh hoạn gà để có ảnh minh họa cho bài viết.

Bí quá, anh chạy ra vườn bắt đại một chú gà trống đem về đè ra hoạn. Biểu diễn đang hăng thì chị vợ trẻ ở đâu chạy về tru tréo: "Ối bản ơi, ai đời lại đem con gà ra thiến hai lần bao giờ không".

Ở chợ Thông Huề, anh Tinh thuộc hàng trẻ tuổi nhưng sành nghề nên luôn đắt khách. Tuy nhiên, không ít thợ hoạn ngược lại, như ông Mà Văn Sự.

Không biết tay nghề thế nào mà gà hoạn bị chết liên tục. Có những phiên chợ, ông Sự phải chạy trốn vì khách đem gà chết đến bắt đền.

Có đận, ông Sự và các đồng nghiệp phải cùng nhau "hội ý" cho ca thiến một chú gà Tây. Lần đầu tiên, gặp loài gà lạ nên các thợ thiến không khỏi tò mò. Vinh dự thuộc về thợ thiến trẻ Hoàng Thế Tinh, các đồng nghiệp là phụ tá kiêm cố vấn.

"Nghề thiến gà đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Nếu sai sót thì vừa mất uy tín mà chủ gà lại bị thiệt. Người thiến gà giỏi, mỗi ngày có thể hoạn được gần 1.000 con".

Thợ thiến Nông Văn Tánh

Cuộc hoạn diễn ra suôn sẻ, ai cũng khen kê gà Tây vừa to vừa lạ. Sau khi khâu xong vết mổ, chú gà Tây cứ đứng quay tròn như say rượu rồi lăn ra chết.

Chủ gà vừa tiếc vừa tức tối chạy lại kiểm tra kê gà. Ai ngờ tập thể thợ thiến chợ Thông Huề đã thiến nhầm hòn cật nên con gà Tây lăn ra chết. Cũng may, trước khi thiến họ đã giao kèo với nhau "gà chết thì thôi" nên chủ gà không dám bắt đền.

Lộc kê gà

Giá công thiến của thợ hoạn chợ thông Huề cũng rất khiêm tốn: 5.000đ/con. Tuy nhiên, giá ấy chỉ là tiền dao kéo, còn tiền thu thực sự mà cánh thợ gọi là lộc nghề từ những kê gà.

Kê gà tại Trùng Khánh được bán với giá 300.000đ/kg. Các tay buôn kê gà cho nhà hàng, khách sạn phải đặt hàng và đặt cọc tiền mới có thể lấy được hàng. "Mình bán 300.000đ là rẻ, họ đem về bán cho nhà hàng với giá 800.000đ một cân, hời gần gấp đôi", ông Sự cho hay.

Kê gà núi vừa thơm ngon lại bổ, nghe đâu các đại gia lùng ăn kê gà để tăng khả năng đàn ông. Thậm chí, có những phiên chợ kê gà được bán với giá hàng triệu đồng/kg.

Mỗi phiên chợ ông Tánh cũng thu được 1kg kê gà. Kê gà được cho vào một chiếc túi bóng, đến cuối buổi chợ, các tay buôn sẽ đến trao tiền lấy hàng. Có tháng, ông Tánh thu được gần chục triệu đồng từ lộc kê gà.

Theo ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề: "Mỗi phiên chợ, Thông Huề cũng xuất đi hơn chục cân kê gà. Đây thực sự là nguồn thu của các thợ thiến chuyên nghiệp ở miền núi".

 

 

"Bà con khắp nơi đều đưa gà về chợ Thông Huề để thiến. Chợ đã thành cái tục bởi những thợ thiến gia truyền. Trước đây, còn có cả những thợ thiến là phụ nữ. Bây giờ thì chỉ có nam giới làm nghề mà thôi".
Ông Lưu Hồng Sơn (Chủ tịch UBND xã Thông Huề)
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật