Bèo bọt đời công nhân ở trọ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là công nhân nói chung thường phải đối mặt với nhiều thiếu thốn, sống chật vật. Công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long cũng phải bươn chải trong khó khăn, cố gắng làm việc và nhận về những đồng lương ít ỏi. Với giá cả leo thang như hiện nay, họ phải triệt để tiết kiệm chi tiêu để có thể trụ lại sống đời công nhân.
Bèo bọt đời công nhân ở trọ
Ảnh minh họa
Khổ như… công nhân

Đến khu trọ có gần 40 phòng của một chủ hộ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), thật không ngờ công nhân ở đây lại phải sống thiếu thốn, mất vệ sinh như vậy. Phòng ở chật hẹp, ẩm thấp, vào mùa Hè thì nóng bức, rác thải chất đầy chỗ sinh hoạt tập thể của cả xóm. Nguồn nước ngầm ô nhiễm, trong khi công nhân trọ ở thôn Bầu, thôn Nhuế và thôn Hậu Dưỡng chủ yếu vẫn dùng nước giếng khoan được bơm trực tiếp mà không qua bể lọc nên quần áo thường bị ố vàng, bị ngứa, nổi mụn ngoài da... Loại "nước bẩn” này cũng làm cho các khu vệ sinh công cộng ở các dãy nhà trọ trở nên cáu bẩn, nhem nhuốc. Đa số công nhân được hỏi đều có chung ý kiến, rằng họ rất biết dùng nước giếng khoan là không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng để tiết kiệm mỗi tháng 20 đến 30 nghìn, họ chấp nhận dùng... nước bẩn!!! Em Trần Thị Hoa (Hiệp Hòa - Bắc Giang) hiện đang trọ ở đội 5, thôn Bầu cầm mấy bộ quần áo bị ố vàng ra than thở: "Dùng nước ở đây bẩn kinh khủng, chúng em không dám mua quần áo sáng màu, đặc biệt là áo trắng. Mấy bộ này rất đẹp, nhưng chỉ giặt vài lần là đã vàng hết, không thể mặc nổi. Em định chuyển đi chỗ khác nhưng lúc này rất khó tìm phòng trọ... ”

Có tận mắt nhìn thấy không gian sinh hoạt, nhất là bữa ăn của công nhân mới thấy hết cảnh sống trầy trật mà họ đang phải trải qua; phải đương đầu với sự leo thang của giá cả. Những thứ mà họ mua về dùng chủ yếu là rau, đậu, lạc, loại cá khô nhỏ... Các loại thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thịt bo... là những thứ xa xỉ với công nhân.

Với đồng lương ít ỏi, đa số công nhân phải giảm thiểu chi tiêu hết mức có thể. Người nào làm có thâm niên, lương khá thì cùng lắm mỗi tháng để ra được sáu, bảy trăm nghìn đồng. Những người lương thấp nhận đồng nào là tiêu hết. Chưa hết, công nhân ở đây còn lâm vào tình trạng đói thông tin, đói nước sạch, đói ăn (ăn không đủ chất)... Vào những ngày nghỉ, rất nhiều người đóng cửa ở nhà ngủ, không đi chơi để khỏi phải mất tiền chi phí phát sinh.

Em Nguyễn Thị Phương (huyện Cẩm Khê - Phú Thọ) hiện đang làm cho công ty CANON tâm sự: "Chúng em phải tiết kiệm đủ đường, ví như không mỹ phẩm, không ăn vặt, không buôn điện thoại. Chúng em ra chợ chỉ dám mua rau, đậu, lạc về dùng. Vì công ty cho ăn một bữa, nên đứa nào cũng đợi đến công ty để được ăn thức ăn có chất hơn. Ngay đến cả nước máy chúng em cũng không dám dùng mà phải dùng nước giếng khoan để tiết kiệm tiền”. Cũng là người ngoại tỉnh đến thuê phòng trọ để làm việc nhưng Dương Thị Xuyến (Bắc Ninh) lại có một nỗi niềm khác: "Lương của hai vợ chồng em được năm triệu. Em có con nhỏ nên phải gọi em trai em ra trông cháu cho hai vợ chồng đi làm tăng ca, có như thế mới có tiền chi phí cho sinh hoạt. Giá phòng trọ ở đây khoảng 400 đến 800 nghìn, với người thu nhập cao thì thấy bình thường, với chúng em lại là một khoản rất lớn...”

Nhiều hiểm họa rình rập

Lãnh đạo xã Kim Chung cũng thừa nhận, ngoài số dân trên địa bàn, số công nhân ở các địa phương khác đến thuê trọ ở ba thôn của xã lên đến 2,6 vạn người với hơn 9.000 phòng. Đó là chưa kể đến một số công ty có phòng ở cho công nhân thuê. Với số công nhân đông, phòng trọ nhiều, tình trạng rác thải sinh hoạt quá nhiều cộng với các nhà máy xả nước thải ra nguồn nước càng làm cho khu vực này trở nên ô nhiễm. Xã Kim Chung đã thành lập đội công nhân dọn vệ sinh, nhưng lực lượng này chỉ có 15 người, vì quá mỏng nên dù có nỗ lực đến mấy họ cũng không đáp ứng nổi công việc. Công nhân dọn vệ sinh căng mình ra trên địa bàn rộng, đông đúc nên có khu dân cư phải "giữ” rác sinh hoạt ở tại nhà đến bốn ngày mới có người đến dọn. Ông Nguyễn Văn Đỏ - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cảnh báo: "Vấn đề môi trường trong xã và môi trường ở các nhà trọ công nhân rất đáng báo động, chúng tôi chưa có cách gì khắc phục. Các phòng trọ là do chủ nhà tự xây, đa số sơ sài, không bảo đảm chất lượng. Nếu chủ nhà trọ không giám sát, quan tâm đến tình hình vệ sinh thì nguy cơ bệnh tật cho công nhân là rất cao”.

Công nhân ở các nhà trọ trong khu vực còn phải đối diện với một hiểm họa nữa, là khi dân số cơ học trong khu vực tăng cao, đồng nghĩa với mất an ninh trật tự trước các tệ nạn như nghiện hút, cờ bạc, đánh nhau, trộm cắp, lừa lọc... Phòng đã chật, cuộc sống công nhân đã khổ nhưng ở các khu nhà trọ, tình trạng mất cắp diễn ra liên miên. Ban đêm, quần áo ướt, giày, dép... nếu để ngoài cửa thì sáng hôm sau sẽ bị... bốc hơi. Không ít phòng trọ bị cưa khóa, lấy trộm tiền, đồ dùng. Phòng ở của nữ công nhân cũng thường bị kẻ lạ mặt "viếng thăm”...

Xin đừng… tăng lương

Bình thường lương thấp, cuộc sống khó khăn thì người lao động mong được tăng lương để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, công nhân ở nhiều KCN trong cả nước, đặc biệt ở KCN Bắc Thăng Long lại không muốn tăng. Đây là một nghịch lý phản ánh thực chất giữa mức lương mà công nhân được nhận so với giá cả thị trường. Vào đầu tháng 5-2011, khi Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu thì giá cả nhiều mặt hàng đã "chạy trước” cả tháng trước đó. Đầu tháng 10-2011, lương tối thiểu lại được điều chỉnh thì đây lại là một mối lo mới. Bởi chỉ mới nghe tin sẽ tăng lương thì chủ nhà trọ đã "nhổ” giá phòng đồng thời nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng.

Thực sự, công nhân nói chung và công nhân ở KCN Bắc Thăng Long có cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Điều đó chứng tỏ vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân còn mờ nhạt. Việc nâng cao chất lượng sống cho công nhân là một việc làm bức thiết, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành, cán bộ địa phương.
Vãn Tình
Ông Lê Văn Chẩn - Trưởng thôn Bầu:

100% số hộ dân ở thôn đã có nước sạch nhưng công nhân không dám dùng mà chấp nhận dùng nước giếng khoan với mức 30 nghìn đồng/người. Như vậy, mỗi em cũng tiết kiệm được vài chục nghìn mỗi tháng.
Công nhân Nguyễn Nam Hải (Phú Thọ):

Vì đời sống kinh tế của công nhân khó khăn nên xảy ra rất nhiều chuyện. Ngoài dân nghiện ngập lấy cắp đồ, chính công nhân cũng "cầm nhầm” của nhau để rồi dẫn đến xích mích, mất an ninh trật tự. Thêm nữa, nhiều đôi nam nữ ở ghép cho đỡ tốn tiền phòng, họ sống với nhau như vợ chồng nên tình trạng nạo phá thai cũng khá phổ biến.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật