Những thầy giáo trẻ gieo chữ giữa heo hút đại ngàn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ nắn nót từng nét chữ cho lũ trẻ trên bản Dốc Mây heo hút thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), những thầy giáo trẻ cắm bản trên xã vùng biên này còn là những “bác sĩ” khám, bốc thuốc chữa bệnh bà con.
Những thầy giáo trẻ gieo chữ giữa heo hút đại ngàn
Thầy Thuỷ phải nắn nót từng nét chữ cho từng em ...

Dốc Mây heo hút giữa đại ngàn

Tờ mờ sáng, khi những áng mây trắng xóa còn quấn quanh những ngọn núi cao chót vót, chúng tôi cùng thầy Nguyễn Đình Thi, Hiệu phó trường Tiểu học Long Sơn bắt đầu cuộc hành trình gian khó tiến vào bản Dốc Mây. Dọc đường đi, thầy Thi vỗ vai: “Cố gắng lên hai nhà báo trẻ nhé, các bạn mà lên được trên ấy chắc dân bản, các thầy và lũ trẻ vui lắm đó, bởi Dốc Mây xa ngái nên ít người vào thăm”.

Bản Dốc Mây chỉ cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng gần 30 km nhưng phải mất hơn nửa ngày trời cắt rừng, vượt suối chúng tôi mới đến được với bà con thôn bản. Khoảng gần chục km đầu, chúng tôi còn ngồi được trên chiếc xe máy băng qua những cung đường hình chữ Z với những lớp bùn non nhầy nhụa như hồ dán. Vượt qua đoạn đường “khổ ải” thứ nhất ấy, phía trước là một dãy núi cao ngút mắt, một bên là con khe thác dữ lượn uốn khúc. “Từ đây, phải cuốc bộ, leo núi vượt khe mất khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ nữa mới tới Dốc Mây”, thầy Thi nói chắc nịch.

Gian nan đường lên Dốc Mây

Chúng tôi dần bỏ lại phía sau những ngôi nhà sàn thấp nhỏ nằm rải rác ở bản làng Trung Sơn (bản Trệt). Đặt chân đến khe Biệt Kích, dường như chỉ còn mấy thầy trò chúng tôi giữa chốn rừng rú heo hút, quay đi ngoái lại chẳng thấy một nóc nhà sàn nào. Theo chân thầy Thi, chúng tôi bám sát nhau chậm bước luồn lách, bặm người trèo qua những tảng đá tai mèo sắc nhọn để băng qua con khe với những khối đá khổng lồ án ngữ cả lối đi. Dọc đường đi, không ít phen hú vía khi anh bạn đồng nghiệp bị trượt chân ngay miệng vực sâu hoắm. Những bước chân đã bắt đầu cảm thấy run!

Đi qua những khối đá tai mèo không ít phen hiểm trở

Thầy Thi trấn an anh em bằng những bài thơ do chính thầy sáng tác sau những chuyến vượt rừng “cõng” chữ vào thôn bản Dốc Mây.

“Một ngày dài đi giữa mưa sa
Cùng vượt qua bao đèo cao thác chảy
Có ngờ đâu bây giờ phải nằm lại
Bên suối giữa ràng, ngắm cảnh mưa rơi…
…Đêm nay giữa rừng, mai đến với bản xa
Dốc Mây đó, đàn trẻ thơ đang đợi
Con chữ Bác Hồ gùi nặng cả ba lô
Gùi cả tâm tình về nơi bản nhỏ”.

Trường Tiểu học Long Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 30 cán bộ, giáo viên, và 273 em học sinh được chia thành 6 điểm lẻ, nhưng ở Dốc Mây là điểm xa nhất, đi lại khó khăn nhất. Để vào được Dốc Mây phải cuốc bộ mất hơn nửa ngày đường.

Lên đến đỉnh dốc Gùi, thầy Thi chỉ tay về phía xa xa và nói đó là Dốc Mây, một bản làng heo hút, chỉ rải rác mấy chục nóc nhà sàn, phía trước là suối, sau là núi. Rồi từ dưới đỉnh dốc, một người đàn ông đứng đầu bản mừng rơn hét to: “Ồ, thầy Thi lại vào thăm dân bản miềng (mình) đấy à!”.

Bản Dốc Mây có 17 hộ với 81 nhân khẩu. Người dân Dốc Mây chủ yếu sống nhờ nương rẫy trồng lúa hoặc ngô, sắn và mỗi năm chỉ làm một vụ. “Cuộc sống của bà con thôn bản còn khó khăn lắm. Năm được mùa rẫy còn có cái ăn, năm thời tiết khắc nghiệt, mất mùa là bà con lại thiếu ăn. Bản Dốc Mây năm nay bị ảnh hưởng thời tiết nên vụ mùa chỉ thu được khoảng 50%, chỉ đủ ăn trong vòng 3 tháng. Đảng ủy, UBND xã Trường Sơn luôn chăm lo cho bà con bản Dốc Mây về gạo, muối và các chương trình mục tiêu khác nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống để giữ miền biên cương”, Phó bản Hồ Văn Thế cho biết.


Dốc mây heo hút giữa đại ngàn

 

Những người thầy gieo chữ trên non kiêm “bác sĩ”

Ghé thăm điểm trường tạm bợ trống hoác được dựng bằng mấy tấm ván tại bản Dốc Mây khi trời đã về chiều, thầy giáo cắm bản Trần Thanh Thuỷ và Nguyễn Văn Phú phấn khởi. “Trước đây, bà con và lũ trẻ ở thôn bản Dốc Mây được Đồn biên phòng 597 đóng ở xã Trường Sơn dạy cái chữ nhưng từ năm 2008 đến nay, Dốc Mây thuộc một điểm lẻ của trường Tiểu học Long Sơn. Cuộc sống của bà con thôn bản ở đây còn khó khăn lắm. Vì thế mà cái chữ cũng nặng trĩu trên vai những người thầy đi gieo chữ”, thầy Thuỷ tâm sự.

Các thầy ở đây, ai cũng có hoàn cảnh riêng. Thầy Thuỷ quê ở xã Trường Xuân, lấy vợ ở Tân Ninh, làm nhà ở Xuân Ninh. Hiện vợ thầy một mình nuôi con nhỏ. Thầy Thủy đã gắn bó với Trường Sơn hơn 15 năm. Dù hai vợ chồng cùng công tác tại trường Tiểu học Long Sơn nhưng vẫn phải xa nhau.

Nhà thầy Phú thì có 5 anh em, bố mất sớm, cuộc sống gia đình đè nặng lên đôi vai của người mẹ. Với đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi ở xã vùng cao, mỗi tháng thầy Phú phải “cân đo đong đếm” trong việc chi tiêu để gửi tiền về cho mẹ mua gạo nuôi hai người em đang học cao đẳng ở Đà Nẵng và Quảng Bình.

“Những ngày đầu mới lên, lạ nước, ai cũng bị cảm sốt nằm li bì mấy ngày liền, ai cũng bị vắt cắn cho tứa máu, ai cũng có nhiều đêm nằm ngửa mặt lên vách nhà nghe tiếng gió thổi vi vu giữa núi rừng heo hút mà nước mắt cứ trào ra...”, thầy Thuỷ tâm sự.

Căn phòng tạm bợ rộng khoảng 15m2 nhưng có đến 24 em ngồi học và hai thầy giáo đứng lớp. “Học trò ở đây ngoan và "thèm"cái chữ Bác Hồ lắm. Để dạy các em dễ hiểu nhiều thì mình phải đưa ra những phương pháp riêng, và khác biệt so với học trò dưới xuôi. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là nắn nót từng nét chữ, từng con số cho từng em một”, thầy Thuỷ thật lòng chia sẻ. Nói xong, thầy Thuỷ chỉ tay về một nhóm trẻ chưa đủ tuổi đến lớp nhưng vì "thèm"cái chữ mà theo các anh các chị lớn đến lớp nghe thầy giảng bài.




Vì "thèm"cái chữ nên nhiều em nhỏ chưa đủ tuổi đến lớp cũng đi theo các anh chị đến nghe thầy giảng bài

Cứ đầu tuần hai thầy cùng hành trang là tập giáo án, “gùi” thêm cân gạo, ít cá khô, cà muối và ít gia vị vượt rừng vào bản gieo chữ. Mỗi lần như thế hai thầy phải cắm bản hai tuần ròng. Có khi trời mưa gió các thầy phải ở lại cả tháng trời. Thầy Thủy bảo sống ở đây các thầy chủ yếu nhờ tình thương của dân bản, hết gạo, hết thức ăn đều phải đi xin của dân, đôi khi có cái gì ngon dân bản cũng tự mang đến biếu.

Nghĩa tình thầy giáo cắm bản và bà con càng trở nên khăng khít hơn khi sau những chuyến dưới xuôi lên các thầy không quản ngại mang theo ít quà quê lên biếu, ít thuốc ho, cảm cúm, đau bụng để chữa bệnh cho bà con những lúc họ đau ốm. “Bữa trước, đêm đã khuya con gái nhà Hồ Văn bị đau bụng dữ tợn, hay có hôm trời đã gần sáng con nhà Hồ Phơn bị cảm sốt nặng… mà không có thuốc của thầy Thuỷ uống thì giờ cũng không biết sống chết ra sao nữa”, Phó bản Hồ Văn Thế mang ơn các thầy.

“Các thầy không chỉ dạy cho bọn trẻ bản mình biết cái chữ mà còn giúp bà con dân bản chữa bệnh mỗi khi lên cơn sốt, đau bụng hay cảm cúm nữa”, già làng Dốc Mây Hồ Văn Hưng khắc ghi.

Già làng bản Dốc Mây Hồ Văn Hưng tâm sự cùng phóng viên

Đêm giữa đại ngàn xuống thật nhanh, chúng tôi quyết định ở lại Dốc Mây vì trời tối không thể ra kịp, phần vì đôi chân mỏi nhừ tưởng như không bước nổi. Câu chuyện của chúng tôi càng dài hơn sau bữa cơm tối với rau rừng, chuối trộn và một ít cá khô còn sót lại từ tuần trước.

Thầy Thủy và thầy Phú đang chuẩn bị bữa cơm chiều

Thầy Thi tâm sự: “Những ngày đầu các thầy mới vào đây dạy cái chữ cho lũ trẻ gặp không ít khó khăn. Chuyện thầy giáo bị sốt rét nằm li bì, vắt cắn tứa máu, bọ rết cắn sần da, cảm cúm.. là bình thường. Nhưng ở riết mãi rồi cũng quen. Hơn nữa lũ trẻ ở đây khát cái chữ nên đó cũng là niềm động viên rất lớn giúp các thầy vượt qua khó khăn gian khổ để mang cái chữ vào gieo ước mơ cho các em nơi bản làng xa xôi Dốc Mây”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật