Cả nhà đi làm nghề... hút đinh trên đường

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhờ có họ, trên nhiều đoạn QL1A vắng hẳn những vụ thủng bánh xe và những cái chết oan do “đinh tặc“ gây ra. Họ là những gia đình hằng ngày mưu sinh bằng “nghề“ hút đinh, sắt dọc đường.
Cả nhà đi làm nghề... hút đinh trên đường
Họ mang cả con thơ ra đường để hút đinh.
Từ trước khi máy hút đinh của Đoàn thanh niên tỉnh Bình Dương ra đời, người ta đã thấy những gia đình này hằng ngày cặm cụi hút đinh trên nhiều tuyến đường ở khu vực giáp ranh TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Miệt mài mưu sinh
Hút đinh, sắt vụn với nhiều người là một nghề “không giống ai", suốt ngày lao đầu ra ngoài đường bụi mịt mù, mặt cúi gằm xuống đường mặc cho xe tải lao vun vút, trong khi thu nhập không ổn định lại còn bị đe dọa bởi "đinh tặc". Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người dân ven QL1A, xa lộ Hà Nội... quá quen với hình ảnh những gia đình với bộ đồ nghề là cục nam châm và bao nhựa lầm lũi nắng mưa hút sắt trên đường.
Có thâm niên với nghề hút sắt phải kể đến vợ chồng anh Phạm Văn Linh và chị Võ Thị Uyên Phi (ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12). Phần lớn cuộc sống gia đình anh Linh, chị Phi và 6 con nhỏ (đứa lớn nhất mới 13 tuổi) diễn ra trên quốc lộ. Nghề hút đinh đối với gia đình anh là nguồn sống duy nhất, gắn bó quen thuộc với cả nhà hơn 8 năm trời.
Vừa làm vừa tích cóp, anh Linh sắm thêm một chiếc xe đẩy làm thành mái nhà di động để những hôm con nhỏ đi theo thì có chỗ cho chúng nghỉ ngơi, chứa sắt. Mỗi ngày gia đình anh Linh hút được từ 15 - 20 kg sắt, trong đó gần 1 kg là đinh hình thoi, đinh ốc và vật sắc nhọn, kiếm được 150.000 - 200.000 đồng.
Một bữa cơm của gia đình anh Linh.

6 giờ sáng, cả gia đình dắt díu nhau xuất phát dọc theo các tuyến đường mà "đinh tặc" hoành hành như QL1A, xa lộ Hà Nội, xuyên suốt từ Thủ Đức, Bình Dương, Q.2, Q.9 đến tận Đồng Nai. Thông thường, hành trình chính của gia đình anh Linh bắt đầu từ cầu Tân Thới Hiệp (Q.12) đến cầu vượt Sóng Thần (Q.Thủ Đức), sau đó vòng qua làm mặt đường còn lại đến 5 giờ chiều thì về nhà, cứ vài bữa lại đổi sang tuyến khác. Hôm nào có đứa con nhỏ cùng theo thì hai vợ chồng thay nhau vừa đẩy xe vừa hút sắt.

Lấy khăn lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, chị Linh nói: "Đã gần 8 năm nay chứ ít ỏi gì đâu. Hôm nay hút được miếng này là ngay hôm sau lại có miếng khác thay thế, cứ như vậy làm hoài vẫn không hết". Đứa con thứ 5 của anh chị, Phạm Hoàng Anh (10 tuổi) cũng quệt vội giọt mồ hôi đọng trên mí mắt, hí hửng khoe: "Mỗi ngày con nhặt được cả nắm đinh sắt đó chú".
Đoạn đường mà gia đình anh Linh hút được nhiều đinh nhất là gần cầu vượt Bình Phước và cầu vượt Sóng Thần (QL1A). Những ngày thứ bảy, chủ nhật chỉ chừng một cây số mà vợ chồng anh thu được gần 2 kg đinh.

Xe chạy mặc xe, gia đình họ vẫn miệt mài hút đinh để kiếm sống.
Giống gia đình anh Linh, ba cha con ông Nguyễn Văn Oanh (ngụ P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) cũng gắn bó với nghề hút đinh gần 4 năm nay. Ban đầu một mình ông Oanh làm, sau thấy có thể sống được nên kéo thêm con rể Nguyễn Ngọc Tân vào cùng.
Còn con trai ông lúc rảnh rỗi cũng theo ba và anh rể hút đinh. "Cái nghề nào cũng có thú vị riêng của nó. Hút sắt vừa có tiền cho mình mà lại vừa có ích cho người khác", ông Oanh cười vẻ tự hào. Cứ xoay người hút được vài cái là cha con anh Tân phải gỡ số đinh dính tua tủa như vỏ chôm chôm ở mặt nam châm, bỏ vào trong bao.

Chỉ cần 1 cục nam châm nhỏ, hàng trăm loại đinh bị "mắc bẫy".
Đôi lúc thấy một mảnh sắt nhọn hoắt nằm "phục kích" dưới làn xe 2 bánh là họ nhất định hút cho bằng được, chứ không dám bỏ. Anh Tân hổn hển: "Cây đinh đó đối với mình không được bao nhiêu nhưng khi dính vô xe người khác là họ phải tốn cả trăm ngàn để thay ruột, thậm chí có thể té xe chết người nữa..."
Đối mặt hiểm nguy
Rong ruổi hành nghề, chuyện những gia đình hút đinh bị đe dọa, thậm chí bị hành hung không phải là hiếm. Anh Linh kể vài tháng trước, anh bị một số người mặt mũi bặm trợn tới dọa "xử" vì tội hút đinh trên đường. Không chỉ dọa, anh từng ăn đòn cảnh cáo.
Nhiều người dân thấy gia đình anh làm việc có phần nguy hiểm nên khuyên họ đổi nghề. Thế nhưng, mỗi khi thấy người đi đường bị dính đinh phải khổ sở dắt xe là anh chị lại càng quyết tâm bám lấy nghề. "Chừng nào đường hết đinh thì gia đình tôi mới đổi nghề được", anh Linh khẳng định.

Nói về kinh nghiệm tránh mặt "đinh tặc", ông Oanh tuôn một hơi: "Đi hút đinh, đến trước những tiệm vá xe nào họ đuổi không cho hút là phải chú ý. Có chỗ họ nói thẳng đừng hút nếu thấy đinh hình thoi trước tiệm. Khi đó, tốt nhất là cứ lẳng lặng làm. Đoạn nào nhiều đinh thì cứ hút vài cái là gỡ cất vào rồi hãy làm tiếp, để họ đỡ nghi mình hơn"...

Chỉ sang con rể đang cắm cúi hút đinh bên vệ đường, ông Oanh cho biết trước đây anh Tân từng bị đánh ngất xỉu, may được người dân đưa về nhà ở cầu vượt Linh Xuân. Nói về trận đòn đó, anh Tân nhoẻn miệng cười: "Lần đó do tôi làm liên tục mấy ngày trên cùng tuyến đường này nên họ mới để ý. Ban đầu có mấy người xe ôm ven đường nhắc đi qua chỗ khác làm mà tôi không biết, cứ lẳng lặng hút. Thế rồi đi được một đoạn thì bị 4 thanh niên đi hai xe gắn máy đến đánh tới tấp đến khi tôi không còn biết gì nữa...".

Dù vất vả, nguy hiểm, nhưng công việc của những gia đình hút đinh luôn được người dân ủng hộ, động viên hằng ngày trên các nẻo đường. Ông Oanh tâm sự: "Mình làm vậy mà được nhiều người thương, lâu lâu họ cho mình một ly nước uống cũng làm mình thấy mát lòng".
Còn vợ chồng anh Hiếu và chị Hạnh làm nghề bơm hơi, vá ép (P.An Phú Đông, Q.12), mỗi lần thấy gia đình anh Linh cùng đám trẻ đi ngang qua là thay phiên nhau mang đồ ăn ra tiếp sức cho tụi nhỏ. Đôi lúc, họ còn lục cho những thứ lặt vặt có thể bán ve chai được để gia đình anh Linh có thêm thu nhập. Chị Hiếu thiệt tình: "Một ngày mà không có họ đi nhặt đinh tuyến đường này là loạn cả lên".

Gần 1 giờ trưa, nắng chói chang, những bóng người với bộ đồ nghề hút đinh vẫn lầm lũi trên các ngả đường quốc lộ, khi mệt thì tấp vào bóng cây ven đường để nghỉ ngơi rồi tiếp tục làm. Công việc mưu sinh của những gia đình họ nhưng đồng thời góp phần cùng người dân chống lại những kẻ rải đinh đang hoành hành trên đường...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật