Thơm dẻo xôi tím vùng cao

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có dịp đến với những phiên chợ vùng cao phía bắc, bạn đừng quên thưởng thức món xôi tím thơm dẻo, hấp dẫn.
Thơm dẻo xôi tím vùng cao
Thơm dẻo xôi tím vùng cao
Xôi được những người phụ nữ Tày, Dao làm tại nhà, sau đó được cho vào những chiếc gùi lót lá chuối mang về chợ bán. Cả gùi xôi tỏa ra mùi thơm và nhất là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn.

Xôi tím được làm từ những hạt gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ. Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải.

Gạo được trộn với lá cây khảu đen (một loại cây chỉ có ở vùng núi), trước khi giã nhỏ lá được hơ qua lửa cho héo, đem trộn với tro quả núc nác, lọc lấy nước trộn cùng gạo nếp, khi đồ xôi chín có màu tím, xôi kỹ hơn chuyển sang màu nâu...

Tuy nhiên để đạt được màu tím nhạt hay đậm không chỉ tùy thuộc vào việc trộn lá cây nhiều hay ít mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Ngoài hương vị thơm ngon, dẻo mà không ngậy, hấp dẫn bởi màu sắc, chất của loại lá cây rừng, còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Xôi tím là một phần của món xôi ngũ sắc, rất đặc trưng và độc đáo ở miền núi phía Bắc. Xôi ngũ sắc gồm các màu: đỏ tươi, đỏ thẫm, vàng, nâu, tím. Người dân tộc quan niệm xôi màu tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa. Nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.

Gạo nếp được trộn với các loại lá co khảu, khảu đen để nhuộm màu, tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau, tạo ra sản phẩm xôi thơm ngon, hấp dẫn.

Gạo được chia ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu: nếu xôi màu đỏ, dùng lá co khảu luộc kỹ, chắt lấy nước để nguội, rồi cho gạo vào trộn đều, để khoảng một giờ.

Khi hạt gạo đã chuyển sang màu đỏ, lúc đó mang đồ xôi, khi xôi chín có màu đỏ tươi rất hấp dẫn. Tương tự, xôi đỏ nhạt, xôi vàng cũng làm từ lá co khảu, nhưng cách pha chế và thời gian ủ có khác đôi chút.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật