Bùa Omertà hết linh

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mafia Mỹ ở New York đến nay vẫn chưa hoàn hồn sau khi bị FBI tổng tấn công hôm 20-1. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kiện mang tính bước ngoặt này là luật Omertà (im lặng) không còn thiêng nữa.
Bùa Omertà hết linh
Luigi Manocchio, 83 tuổi, nguyên “bố già” New England Mafia, đã chính thức bị truy tố hôm 1-3. Ảnh: WPRI

Tin “Bò đực”, một thủ lĩnh nghiệp đoàn công nhân bốc vác, bị bắt cùng với 126 tên mafia khác hôm 20-1-2011 đã làm nức lòng anh em công nhân bốc vác các cảng nước lạnh bang New Jersey. Albert Cernadas - tên thật của “Bò đực” - là thành viên không chính thức của Genovese, một băng đảng mafia địa phương.

Mất việc hoặc mất mạng

Còn nhớ lễ Giáng sinh 2010, hễ nhận được cú điện thoại của “Bò đực” là công nhân bốc vác biết mình phải làm gì. Cống nạp tiền cho hắn ăn mừng Giáng sinh  đã thành lệ từ nhiều năm nay. Ít thì 500 USD, nhiều thì 5.000 USD. Ai dám nói không với hắn hay bất cứ tên Cosa Nostra (biệt danh của mafia Mỹ) nào thì hãy coi chừng! Tối thiểu là mất việc còn nếu không may thì mất mạng.

Ví dụ  sau đây được coi là một điển hình cho sự hung bạo và tàn ác của mafia Mỹ: Cách đây 30 năm, tại quán bar Shamrock ở khu Queens, thành phố New York, một người khách lỡ tay làm đổ ly rượu  vào áo của một tên thuộc băng đảng Gambino dẫn đến cự cãi, xô xát. Tên côn đồ bị chủ quán đuổi rất tức tối. Hắn gọi thêm hai đồng bọn rồi quay trở lại bắn chết khách và chủ quán.

Bartolomeo Vernace, biệt danh Pepe, thủ lĩnh nhà Gambino, cũng bị khởi tố trong vụ án đó nhưng trong phiên tòa địa phương năm 2002, hắn được tha bổng.

FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) từng quăng nhiều mẻ lưới bắt các thủ lĩnh Cosa Nostra nhưng mẻ lưới sáng sớm 20-1 năm nay cùng với lệnh khởi tố 110 tên được coi là lớn nhất từ trước đến nay thực hiện trong vòng một ngày.

Năm 1984, FBI từng bắt giữ 32 tên Cosa Nostra, khởi tố 18 tên trong chuyên án “Bánh Pizza”. Chính quyền Mỹ đã khởi tố chủ các quán bán bánh Pizza – thực chất là bán m‌a tú‌y - trị giá tổng cộng 1,65 tỉ USD. Lúc đó, vụ khởi tố Cosa Nostra này được xem là lớn nhất.

Tháng 2-2008, FBI vây bắt 62 tên băng đảng có số má ở thành phố New York và khởi tố về tội giết người, trộm cướp, buôn lậu m‌a tú‌y và bắt cóc tống tiền. Ba tháng sau, họ tiếp tục đưa ra tòa 23 tên khác, trong đó có một chóp bu của băng đảng Gambino.

Mẻ lưới lớn nhất

Mẻ lưới ngày 20-1 là một sự kiện không chỉ lớn nhất mà còn độc nhất. Hơn 800 đặc vụ FBI, nhân viên cơ quan chống m‌a tú‌y và cảnh sát địa phương đã được huy động  vây bắt  127 tên cộm cán của 7 băng đảng mafia trải rộng từ thành phố New York đến các bang New Jersey, Rhode Island và Florida, thậm chí ở Ý (một trường hợp).

Trong 7 băng đảng kể trên, riêng thành phố New York có 5 băng là Bonanno, Colombo, Gambino, Genovese và Lucchese. Trong đó, băng Lucchese thống lĩnh sân bay quốc tế  John F. Kennedy bằng cách “trả lương” nhân viên sân bay. Cũng với phương thức này, băng Gambino kiểm soát toàn bộ các cảng ở New York. Hai băng khác là DeCavalcante ở thành phố Newark, bang New Jersey và New England Mafia ở thành phố Providence, bang Rhode Island.

Albert Cernadas, anh em kết nghĩa với “gia đình” Genovese. Ảnh: Worldpress
Trong số những tên bị bắt có 13 thành viên băng Gambino, 14 thành viên băng Genovese và toàn ban lãnh đạo băng Colombo. Tất cả đều bị bất ngờ, không kịp phản ứng. Các trùm cao cấp nhất bị bắt lần này là “giáo sư” Luigi Manocchio, 83 tuổi, nguyên là “bố già” băng New England Mafia; Benjamin Castellazzo, 73 tuổi, “trùm phó” băng Colombo; Richard Fusco, 74 tuổi, cố vấn băng Colombo; Josef Corozzo, 69 tuổi, cố vấn băng Gambino và Bartolomeo Vernace, 61 tuổi, “quản lý cấp cao” băng Gambino.

Tại sao không làm từng vụ nhỏ mà làm quy mô lớn như vậy? Jim Wedick, cựu đặc vụ FBI, giải thích: “Đó là FBI đánh tiếng họ đã trở lại thành phố”. Thật vậy, từ năm 2001, FBI tập trung lo chống khủ‌ng b‌ố, bỏ trống trận địa chống mafia nội lẫn ngoại. Sự kiện ngày 20-1 là thông điệp của Bộ Tư pháp Mỹ gửi đến Cosa Nostra: “Chúng tôi không quên các vị đâu”.

Luật im lặng phá sản

Omertà (luật im lặng) tồn tại từ thế kỷ XVI, theo một số nhà sử học, được coi là  đạo lý của người dân coi trọng danh dự ở các vùng miền Nam nước Ý như Sicily, Apulia, Calabria  và Campania. Những nơi này vốn là sào huyệt của các băng đảng mafia Ý khét tiếng như ‘Ndrangheta, Sacra Corona Unita và Comorra.

Luật Omertà nói chung cấm hợp tác với chính quyền. Dù cho bị khép tội oan, nạn nhân cũng cam chịu chứ không tố cáo thủ phạm với chính quyền, bất kể đó là dân thường hay thành viên của mafia. Riêng trong giới mafia Ý, Omertà là luật bất thành văn. Ai vi phạm sẽ bị hành quyết. Cosa Nostra sinh sau đẻ muộn ở Mỹ cũng có quy tắc giống như vậy.

Tuy nhiên, tại Mỹ, luật Omertà ngày nay không còn nghiêm nữa. Rất nhiều tên có số má như Salvatore Vitale, một thành viên của băng Bonanno, đã phản bội. Bị bắt năm 2003, hắn đã tố giác Joseph Massino, “ông trùm” của băng Bonanno.

Những vụ “trở cờ” như vậy thường xảy ra sau một đợt bố ráp của FBI. Jay Albanese, nhà tội phạm học ở Trường Đại học Virginia Commonwealth, giải thích: “Tầm mức bố ráp càng lớn, bắt được càng nhiều tên có số má thì nội bộ các băng đảng càng rối lên. Người này nghi ngờ người kia bội phản. Chịu không nổi stress, một số tên tố giác đồng phạm”.

Bà Janice Ferdarcyk, Trưởng Văn phòng FBI ở New York, cho biết một trong những chìa khóa thành công lần này là những kẻ phạm luật Omertà hợp tác với FBI: “Ngày nay, luật im lặng không còn là một thực tế mà trở thành một chuyện hoang đường”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật