Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Những hậu quả đầu tiên

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến qua lại về các đòn trả đũa nhau bằng thuế, nhiều bang thành trì của Tổng thống Donald Trump cho biết họ sẵn sàng chịu tổn thất kinh tế trong ngắn hạn với hy vọng ông Trump sẽ đảm bảo các điều khoản thương mại thuận lợi hơn. Song, kể từ sau ngày 6-7, khi mối đe dọa đối với sinh kế của các nông dân trở nên hiện thực, nhiều quan điểm có thể sẽ thay đổi.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Những hậu quả đầu tiên
Hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tại cảng Long Beach, California.Ảnh: Reuters

Nông dân đối mặt nguy cơ thiệt hại

Ông Ron Moore sở hữu một trang trại rộng 1.600 mẫu Anh ở Illinois, bang sản xuất đậu nành lớn nhất nước Mỹ. Những ngày qua, ông theo dõi sát sao những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi cả hai bên chính thức áp dụng các mức thuế nhằm vào những sản phẩm chủ chốt của nhau, ông Moore phải đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại nặng. Doanh nghiệp của gia đình ông bán một phần ba sản lượng vụ mùa cho Trung Quốc.

Moore tự nhận mình là người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, song ông thừa nhận chính sách thương mại “không thể đoán trước” của chính quyền ông Trump đang khiến cho việc lập kế hoạch sản xuất trở nên khó khăn.

Trên thị trường, giá đậu nành kỳ hạn đã giảm gần 20% so với mức cao gần nhất. Sự suy giảm này diễn ra từ trước khi Trung Quốc áp đặt mức thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ. Và giờ đây, người trồng đậu nành ở Mỹ lại gánh thêm cú sốc nữa khi bị mất khách hàng lớn là Trung Quốc. Đó là chưa kể tới những chi phí gia tăng của máy móc nông nghiệp - hệ quả của việc Mỹ đánh thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu. Một số trang trại Mỹ đang đứng trên bờ vực sụp đổ.

Mỹ xuất khẩu gần 40% đậu nành trên toàn cầu, còn Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng lượng đậu nành nhập khẩu. Đại học Purdue ở Mỹ ước tính, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm từ 49-91% trong niên vụ 2018-2019 do ảnh hưởng của chính sách thuế quan. Tác động của việc này đối với nền kinh tế Mỹ có thể lên đến 2,3 tỉ đô la.

Các công ty tham gia vào việc buôn bán hàng hóa cũng cảm nhận được sức nóng của cuộc xung đột thương mại. Tàu chở đậu nành của Mỹ phải chờ đợi rất lâu để làm thủ tục hải quan tại các cảng Trung Quốc và chủ hàng có nguy cơ bị thua lỗ khi phải tìm người mua khác.

Ông Fujinori Seyama, Giám đốc điều hành bộ phận mua bán ngũ cốc của Công ty Marubeni (Nhật Bản) tại Mỹ, nói: “Một số tàu hàng không thể thông quan và hàng hóa phải bán từ cảng Trung Quốc sang các nước khác”.

Đậu nành không phải là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trung Quốc. Giá bông, một mặt hàng nằm trong danh mục bị đánh thuế, cũng giảm mạnh, mất 10% so với mức cao gần nhất. Hội đồng Bông quốc gia, một hiệp hội lớn trong ngành, đã từng vận động để chính quyền ông Trump tránh xung đột thương mại với Trung Quốc, song đã không thành công. Giá lúa mì, cũng có xu hướng giảm, theo sau đậu nành.

Các bang nông nghiệp là một trong những căn cứ ủng hộ mạnh nhất cho Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa. Ngay cả những người trồng đậu nành như ông Moore cũng từng cho rằng ông Trump đang “suy nghĩ có lợi cho đất nước” khi đưa ra những lập trường cứng rắn về chính sách thương mại.

Nhưng giờ đây, những quan điểm ủng hộ chính sách này của ông Trump có vẻ đang bị lung lay.

Một nhà phân tích về hàng hóa ngũ cốc tại Chicago trong một sự kiện gần đây ở Nebraska, bang nông nghiệp lớn và là “pháo đài” của đảng Cộng hòa, cho biết một số người đã tuyên bố họ sẽ không bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 này.

“Cuộc chiến thương mại càng kéo dài, thị trường đậu nành càng bị suy yếu thì càng có nhiều người cân nhắc không ủng hộ chính quyền ông Trump”, Roger Johnson, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân quốc gia, nói.

Công nghiệp toàn cầu ảnh hưởng

Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung không chỉ khiến cho ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng mà các lĩnh vực khác, thậm chí là ngành công nghiệp trên toàn thế giới cũng bị xáo trộn trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ không để thua trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Sở dĩ ông Trump tự tin khi nói vậy là bởi mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 500 tỉ đô la các sản phẩm của Trung Quốc, cao hơn gần 4 lần giá trị của các lô hàng đến từ các nước khác. viện Nghiên cứu Mizuho của Nhật Bản ước tính rằng nếu thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc giảm 20% thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị giảm thêm 3 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, lập luận rằng Washington sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn Bắc Kinh trong cuộc xung đột này. Trong số 34 tỉ đô la giá trị của các sản phẩm Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đánh thuế, có tới 20 tỉ đô la giá trị sản phẩm được thực hiện bởi các công ty không phải Trung Quốc, và một phần đáng kể trong số đó là của Mỹ. Cũng theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ đã thu được khoảng 600 tỉ đô la doanh số bán hàng cho người Trung Quốc trong năm 2016.

Trên thực tế, nhiều công ty có trụ sở tại Mỹ đã bắt đầu cảm thấy sức nóng của xung đột thương mại. Hãng General Motors (GM) đang sản xuất xe thể thao đa dụng hiệu Envision tại Trung Quốc, với các mức thuế hiện tại, chi phí của mỗi chiếc xe có thể tăng lên khoảng 8.000 đô la. GM cho biết họ chưa có kế hoạch tăng giá chiếc xe SUV này, nghĩa là hãng sẽ gánh chi phí đó thay cho khách hàng.

Mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt trên 818 sản phẩm Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí mua sắm cho các nhà sản xuất của Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ cho hay, khoảng 30% các linh kiện điện tử của họ, chẳng hạn như chip và điện trở, là nhập từ Trung Quốc. Việc chuyển toàn bộ chi phí gia tăng đó cho người tiêu dùng không phải là dễ dàng, do đó phần lớn gánh nặng sẽ rơi vào lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng.

Nhiều công ty không thể nào bù đắp được những chi phí bổ sung đó, vì vậy họ buộc phải tăng giá sản phẩm. Chẳng hạn, Chibitronics, một nhà sản xuất đồ chơi giáo dục của Mỹ, phải đối mặt với mức thuế cao hơn đối với các bộ phận như động cơ và mạch điện. Công ty đã thông báo sẽ tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Nhà sản xuất ô tô điện Tesla, dù không có cơ sở sản xuất nào bên ngoài nước Mỹ, song đã bán khoảng 15.000 xe tại Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm khoảng 14% tổng doanh thu. Nếu áp dụng mức thuế mới, giá mỗi chiếc xe bán ra có thể tăng thêm tới 10.000 đô la, một con số không nhỏ.

Tác động của cuộc xung đột thương mại leo thang đang vượt ra ngoài biên giới Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các công ty Nhật Bản cho biết họ đang tìm cách giảm thiểu tác động của thuế. Tập đoàn sản xuất phụ tùng ô tô Keihin dự kiến sẽ không xuất khẩu các sản phẩm mới từ Trung Quốc sang m‌ỹ n‌ữa. Nhà sản xuất này cũng sẽ không nhập những lô hàng như bảng điều khiển điện tử được sử dụng trong xe hybrid và xe điện từ Trung Quốc. Thay vào đó, hãng sẽ sản xuất các bộ phận ở Mỹ hoặc vận chuyển chúng từ Nhật Bản.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông đã chuẩn bị cho một cuộc chiến dài với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không phải ngẫu nhiên khi tập trung đánh thuế vào các sản phẩm có giá trị kinh tế sống còn ở những bang thành trì của đảng Cộng hòa. Với cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ của Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, cuộc xung đột thương mại có thể trở thành một bài thử thách về… độ bền.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 8899
  1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho ngành thép Việt Nam
  2. Trung Quốc đổi chiến thuật trong đối đầu thương mại với Mỹ
  3. Không ai được lợi từ Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
  4. Vì sao Trung Quốc định dùng kế hợp tung trong chiến tranh thương mại với Mỹ?
  5. Thiên vị con gái,ông Trump “né” áp thuế cho hàng may mặc Trung Quốc?
  6. Leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ –Trung
  7. Mỹ sắp gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc
  8. Mỹ tiếp tục đánh thuế hàng Trung Quốc
  9. ‘Chiến tranh thương mại’ Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động nhiều mặt đến Việt Nam
  10. Mỹ và ZTE ký thỏa thuận ký quỹ 400 triệu USD để gỡ bỏ cấm vận
  11. ‘Phát súng’ mới trong ‘cuộc chiến’ thương mại Mỹ - Trung
  12. Mỹ ‘nổ súng’ tiếp về thương mại, Trung Quốc ‘sốc’
  13. Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng
  14. Trung Quốc sốc trước đòn thuế của Mỹ
  15. Trung Quốc “bị sốc” vì kế hoạch đánh thuế mới của ông Trump
  16. Trung Quốc chỉ trích kế hoạch áp thuế mới của Mỹ gây tổn hại đến toàn cầu hóa
  17. Mỹ-Trung chiến tranh thương mại, Thế chiến 3 sắp nổ ra?
  18. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại
  19. Vì sao Mỹ quyết định tăng thuế với thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc?
  20. Chiến tranh thương mại Mỹ tác động gì tới nông sản Việt?
  21. Donald Trump quyết định đánh thuế tiếp 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc
Video và Bài nổi bật