Khu nội trú giáo viên trăm tuổi: Mối họa treo trên đầu hơn 30 sinh mệnh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách TP. Đà Lạt chừng 20 km, trường THPT Xuân Trường hoành tráng nằm ngay giữa trung tâm xã Xuân Trường anh hùng (thuộc TP. Đà Lạt) lại tồn tại một “khu nội trú ổ chuột” với gần 30 giáo viên (GV) sinh sống và làm việc hơn 10 năm nay. Chuyện lạ khó tin nhưng có... thật !
Khu nội trú giáo viên trăm tuổi: Mối họa treo trên đầu hơn 30 sinh mệnh
Ảnh minh họa
Khu nội trú GV...  100 tuổi
Tiếp chuyện PV, thầy Lê Tấn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường ái ngại: “Các anh ghé chơi, chúng em vui rồi, nhưng cung cấp thông tin về khu nội trú GV của trường thì... thôi”! Dường như, các GV của trường này rất ngại khi tiếp xúc cánh nhà báo, nhất là chuyện đề cập đến nơi sinh sống, làm việc của gần 30 GV tại “khu nội trú ổ chuột” này.
Khu nội trú GV của trường THPT Xuân Trường nằm trên một ngọn đồi, cách trường khoảng vài trăm mét. Nhìn bề ngoài toàn bộ khu nội trú này chẳng khác gì một nhà kho bằng gỗ đã quá cũ kỹ. Thấy chúng tôi tần ngần ngắm nghía, một GV cười nói: “Chính xác trước đây nó là nhà kho đấy thôi ! Nó có từ thời Pháp kia. Ngày đó kho này dùng để chứa cà phê, chè của mấy ông chủ đồn điền người Pháp giàu có ở xứ này... Từ bấy đến giờ có ai sửa chữa đâu, đến nay nó cũng ngót... 100 tuổi rồi“!
Thế nhưng, điều đáng nói là bên trong cái “nhà kho” trên dưới 100 tuổi này, chính xác có tới 26 GV và 9 trẻ em (con của các thầy cô giáo) đang sinh sống trong những căn phòng chật chội. Người ít nhất 3 - 4 năm, nhiều người có “thâm niên” hơn 10 năm ! Ngôi nhà được thiết kế một trệt và một gác lửng bằng gỗ; tường bao quanh xây gạch xen kẻ đóng ván chắp vá chằng chịt, mái lợp tôn... Nhưng do trải qua nhiều năm nắng, mưa lại không được sửa chữa, tường nhà loang lổ, có chỗ đã sập từng mảng trơ vôi vữa. Mái tôn rỉ sắt mục nát có nhiều chỗ trống hoác. Nhìn ngôi nhà 100 tuổi này, có ai dám chắc nó sẽ “thọ” được bao lâu?
Hiện tầng trên ngôi nhà (gác lửng) bỏ trống  vì sàn gỗ hoàn toàn mục nát (không ai dám leo lên, đi lại sợ bị sập). Nhưng bên dưới lớp sàn gỗ ấy là tính mạng của hơn 30 con người tháng ngày treo lơ lửng số phận của mình cho những ẩn họa chực chờ, nhất là vào những mùa mưa của Đà Lạt. Các GV đang sống tại tầng nhà này, phần lớn là các GV trẻ chưa có gia đình, cuộc sống của họ cũng rất đạm bạc. Cô giáo Nguyễn Thị Dung (GV dạy môn Tin học) cho biết: Cô đã ở đây được 03 năm, so với nhiều anh, chị khác chưa thấm vào đâu. Sát vách một bức tường nhà vừa sập từng mảng lớn vôi vữa là “căn hộ” của thầy Trần Duy Sơn (GV dạy môn Mỹ thuật). Thầy Sơn cười buồn: “Tôi sống ở tập thể này 10 năm rồi. Biết làm sao được, điều kiện của tôi cũng như một số GV khác khó khăn quá, chưa biết bao giờ mua được đất cất nhà làm chỗ ở riêng được”... Được biết, trường THPT Xuân Trường có 80 GV thì 26 GV do xa nhà và điều kiện kinh tế khó khăn nên đành bám vào khu tập thể này, dù biết hiểm hoạ luôn rình  rập trên đầu họ...
Nhà công vụ cho GV: Chờ đến bao giờ?
Được biết, hàng năm việc kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho GV luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm đầu tư. Từ đầu năm 2010 đến nay, ngành GD&ĐT Lâm Đồng tiếp tục được đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp và chương trình mục tiêu giáo dục. Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng 361 nhà công vụ dành cho GV và 1.269 phòng học. Thế sao lại có trường hợp “bỏ quên” việc xây dựng nhà công vụ cho GV ở một trường không xa TP. Đà Lạt là mấy? Chưa nói đây là một xã anh hùng nằm ngay cửa ngõ vào Đà Lạt (theo QL 723 nối TP biển Nha Trang với Đà Lạt). Thực ra, việc xây dựng nhà công vụ cho trường THPT Xuân Trường đã được đặt ra từ lâu nhưng chung quy có lẽ do sự phối hợp giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương chưa “ăn ý” nên sự việc mới tồn tại cho đến tận bây giờ...
Trao đổi về vấn đề này, thầy Lê Tấn Hùng cho biết, năm 2008 nhà trường đã “đệ đơn” xin xây nhà công vụ cho GV của trường nhưng khu đất này thuộc quy hoạch cho một công trình khác không được duyệt. Nhà trường tiếp tục xin cấp đất ở một vị trí khác. Đơn xin cấp đất được chuyển lên ngành giáo dục, ngành giáo dục chuyển lại địa phương, rồi lại được chính quyền xã Xuân Trường chuyển lên UBND  TP. Đà Lạt và... nằm đó!
Thiết nghĩ, đầu tư về cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ dạy và học (trong đó có nhà công vụ cho GV) là nhiệm vụ rất bức thiết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành GD&ĐT và chính quyền các cấp ở địa phương. Sự quan tâm đến đời sống giáo viên sẽ góp phần quan trọng để những người thầy yên tâm giảng dạy, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật