“Bảo mẫu” vườn cò

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi chim trời ở nhiều nơi đang kêu lạc giọng trước nguy cơ tận diệt vì môi trường sinh thái bị hủy hoại, cộng với sự thờ ơ, vấn nạn săn bắt tràn lan không thương tiếc của con người thì tại thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, gần 30 năm nay đã có một “địa chỉ đỏ“ cho các loài cò, vạc đến cư ngụ sinh sôi nảy nở. Ở đó, một cặp vợ chồng ông giáo làng được người trong vùng xem như “bảo mẫu“ của chim trời. Không toan tính thiệt hơn, họ sẵn sàng thu hẹp khoảng sinh kế, tạo thuận lợi nhất để chim trời sinh tồn và phát triển. Đó là vợ chồng ông Đặng Đình Quyển, bà Nguyễn Thị Minh - chủ nhân vườn cò Đào Mỹ.
“Bảo mẫu” vườn cò
Niềm vui của bà Minh khi chim trời ngày càng về nhiều hơn


Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, các loài cò sống trong vườn cò Đào Mỹ đều thuộc họ Diệc, kích thước từ trung bình đến lớn, cổ và chân dài, mỏ giống hình lưỡi dao. Khi bay, cổ co lại phía sau, chân duỗi thẳng dưới đuôi, giang cánh rộng, đập chậm, tiếng quạc quạc rất to. Chúng ăn cá, ếch nhái và một số côn trùng lớn và đều là các loài chim định cư, nơi ở thường là các vùng đầm lầy, đất ngập nước, cánh đồng lúa, ao hồ, rừng ngập mặn.


“Đất lành, chim đậu”

Bà Minh nhớ lại, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, quanh vùng Đào Mỹ dân cư còn thưa thớt hoang sơ. Nhà bà Minh ở thôn Tân Phúc liền với một ngọn đồi thấp trồng bạch đàn. Trước thôn là khu đầm nước rộng gần 10 mẫu với những rặng tre um tùm bao quanh. Không hiểu từ đâu mà cò vạc kéo nhau về đây sinh sống đông đến thế. Mỗi buổi chiều tà trên khắp các cánh đồng trong xóm ngoài làng lại trắng những cánh cò.

Nhưng rồi khu đầm nước được chia nhỏ cho nhiều hộ dân. Họ chặt tre, phá bỏ cây cối ven bờ cải tạo thành đồng ruộng. Mất dần địa bàn cư trú, nhiều đàn cò táo tác bay dạt lên các khu đồi bạch đàn xung quanh, nhưng tổ mới làm chưa ấm chỗ chúng đã bị săn đuổi. Mặc dù vậy do thói quen sinh tồn nên chúng vẫn cố gắng bám trụ vùng đất này. Và rồi đám chim trời lạc tổ cũng tìm được chốn dung thân khi di tản lên đồi bạch đàn của gia đình bà Minh.

Đàn cò đến lánh nạn cũng là lúc gia đình phải đối mặt với không ít rắc rối, hiểm nguy mà những hệ lụy này không phải do chim trời gây ra. Lúc đầu, khi chỉ có vài trăm con cò đến trú ngụ trong vườn, chúng đã bị các tay thợ săn nhòm ngó. Khi số lượng đàn có đông dần lên thì quanh vùng Đào Mỹ xuất hiện cả một "đội quân" chuyên rình mò bắt cò. Chồng dạy học mãi tận xã bên, công việc bận bịu tối ngày, bốn cậu con trai còn nhỏ và đang đi học, thế nên nhiều lần bà Minh phận nữ "chân yếu tay mềm" nhưng cũng phải liều mình bảo vệ đàn cò. "Không chỉ có súng săn, nhiều khi chúng còn mang theo cả dao để chống trả nếu bị chủ nhà phát hiện. Thậm chí có đối tượng còn mang cả pháo vứt vào trong vườn, tạo tiếng nổ xua cò bay lên để bắn hạ. Mỗi lần như vậy là hàng chục con cò bị giết, tôi lo đứng lo ngồi mà không biết xử trí ra sao", bà Minh nhớ lại.

Bà Minh kể: "Cả gia đình thay phiên nhau canh chừng, song khu vườn gần 4ha không có hàng rào vây quanh nên nhiều khi phải rớt nước mắt nhìn đám săn trộm xách từng chùm cò bê bết máu, lông tả tơi. Trước nguy cơ vườn cò bị xóa sổ, tôi làm đơn gửi đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị hỗ trợ".

Nhường đất cho chim trời

Ngày ấy cũng có ý kiến cho rằng "chim trời cá nước", việc săn bắt là... lẽ tự nhiên, nhưng rồi tâm nguyện của vợ chồng bà Minh cũng đã được những người có thẩm quyền thấu hiểu. Sở Khoa học công nghệ môi trường Bắc Giang (nay là Sở Tài nguyên môi trường) đã cử cán bộ về khảo sát thực địa, cùng chính quyền địa phương bàn thảo các biện pháp bảo vệ vườn cò. Theo nhận định của cơ quan này, vườn cò Đào Mỹ thực sự là nơi bảo tồn thiên nhiên quý hiếm cần được bảo vệ, chính quyền phải có trách nhiệm giúp gia đình giữ gìn và phát triển địa điểm độc đáo này. Chính quyền đã cử người thường xuyên túc trực tại vườn cò để cảnh báo những kẻ săn bắt trộm, mặt khác tuyên truyền đến người dân trong vùng về trách nhiệm bảo vệ đàn cò. Nạn săn bắt cò tại vườn đã thuyên giảm rõ rệt.

Nhiều người dân tại địa phương cho biết, để đàn cò có nơi sinh sống, vợ chồng bà Minh đã chấp nhận thiệt thòi, nhường quyền "sử dụng" 4 ha đất vườn đồi cho đàn cò, dù kinh tế gia đình eo hẹp, lại phải nuôi 4 người con ăn học. Bà Minh nhớ lại: "Những năm 1990, người trong xã bắt đầu phá bỏ bạch đàn, chuyển đổi trồng vải thiều và nhiều nhà thành triệu phú, tỉ phú nhờ giống cây mới này. Vợ chồng chúng tôi cũng rất trăn trở với toan tính: có nên phá đồi bạch đàn đi không? Nếu phá bỏ toàn bộ đồi bạch đàn diện tích gần 4h để trồng vải thì chắc chắn sẽ có thêm nguồn thu nhập không nhỏ. Nhưng nếu làm vậy thì đàn cò sống ở đâu?". Cuối cùng, tình yêu với đàn cò đã chiến thắng: gia đình quyết định sẽ bảo toàn nguyên trạng vườn cò, chỉ trồng vải ở vùng đệm xung quanh tạo hành lang bảo vệ khu vườn.

Đàn con của ông bà cuối cùng cũng học hành thành đạt, ra trường và có việc làm ổn định. Bà Minh vui hơn khi thấy sau khi trưởng thành, những người con của ông bà đang cùng gắng sức giúp cha mẹ thực hiện ước mơ phát triển vườn cò ngày một quy mô hơn. Vườn cò của gia đình hiện có khoảng 6 ngàn con cò thường xuyên đến trú ngụ với bốn loại cò trắng, cò nâu và hai loại vạc. Hiện các khu đồi liền kề đã được giao cho các hộ dân trồng cây ăn quả nên vườn cò không thể mở rộng. Vào mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8, một phần đàn cò phải di dời về khu rừng Hố Cao cách vườn khoảng 3km về phía đông để làm tổ đẻ trứng và chờ khi nào trứng nở, con lớn thì cả cò mẹ và cò con lại bay trở lại vườn. Đặc biệt vào mùa đông các đàn cò về trú ngụ tại vườn tăng đột biển.

Cũng giống như thuở nào khi chim trời kéo về làm tổ, gia đình bà Minh chưa bao giờ nghĩ sẽ hưởng lợi vật chất từ vườn cò. Giá trị tinh thần lớn nhất mà gia đình nhận được đó là Giải thưởng Môi trường năm 2001. Tự xem mình là người đứng sau vườn cò, bà Minh nhường lại vinh dự cho chồng để ông Quyển đi nhận giải thưởng tại Huế với một Bằng khen cùng biểu trưng vàng do Bộ Khoa học công nghệ môi trường (nay là Bộ Tài nguyên môi trường) trao tặng. Thời gian sau đó, nhờ sự tư vấn giúp đỡ thiết thực của Sở Tài nguyên môi trường Bắc Giang, vườn cò đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh Bắc Giang để làm hàng rào dây thép gai bao quanh. Ngoài ra, cơ quan này cũng lập dự án tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước giúp gia đình đầu tư trồng thêm tre, bạch đàn, làm đường lên đồi và xây một tháp canh bảo vệ khu vườn. Những công trình ý nghĩa này giờ đây đang phát huy hiệu quả thiết thực, đưa vườn cò Đào Mỹ trở thành điểm tham quan, nghiên cứu sinh thái của đông đảo du khách gần xa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật