Giá nhiều mặt hàng thực phẩm chưa chịu hạ nhiệt

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với các điểm bán hàng bình ổn giá, trong khi tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao so với thời điểm trước và trong Đại lễ.
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm chưa chịu hạ nhiệt
Sau Đại lễ, nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn giữ giá. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Khảo sát của PV báo tại một số chợ ở Hà Nội như Định Công, Láng Hạ B, Mỹ Đình, Thành Công cho thấy, giá các loại thực phẩm, hàng tươi sống vẫn ở mức cao, thịt bò có giá 145.000 đồng một kg, tôm sú loại to 165.000 đồng một kg. Cá chép giá từ 50.000 đồng đến 55.000 đồng, cá điêu hồng 75-80.000 đồng, cá trắm 40.000-42.000 đồng mỗi kg.

Một số loại rau, quả có xuống nhưng không đáng kể, như dưa chuột 8.000 đồng mỗi kg, cà chua 15.000 đồng mỗi kg, dịp lễ giá các mặt hàng này lần lượt là 10.000 đồng và 20.000 đồng mỗi kg.

Trước đó, dịp Đại lễ giá thực phẩm tại các chợ truyền thống, đặc biệt là mặt hàng rau xanh, hàng tươi sống tăng thêm từ 25% đến 40% so với cuối tháng 9.

Cụ thể, bí xanh tăng từ 7.000 đồng mỗi kg lên 10.000-12.000 đồng, Cải thảo cũng tăng từ 12.000 đồng lên 17.000 đồng mỗi kg. Bắp cải, khoai tây tăng thêm 1.000-3.000 đồng mỗi kg.

Giá thịt bò nhích lên 25%, từ 115.000 đồng lên 145.000 đồng mỗi kg. Nhóm hàng hải sản, ghẹ xanh tăng thêm 20.000-40.000 đồng mỗi kg tùy theo kích cỡ, tôm sú loại to tăng từ 140.000 đồng lên 165.000 đồng mỗi kg.

Các loại đồ khô như trứng, gạo cũng tăng khoảng 25%, gạo Tám Đài Loan cách đây hơn một tháng được nhập ở mức 10.500 đồng mỗi kg, dịp Đại lễ tăng lên 13.000 đồng. Trứng gà Đông Anh nhập vào giá 15.000 đồng mỗi chục cũng vọt lên 18.500 đồng.

Trong khi đó tại nhiều siêu thị ở TP.HCM và Hà Nội đã có hơn 300 mặt hàng tăng giá từ đầu tháng 10, mức tăng từ 5% đến 10%. Các nhóm hàng tăng giá đợt này là mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, dầu ăn, sữa....

Tại hệ thống Big C, thực phẩm đông lạnh của Nutifood, Cadovimex, Nestlé, Hương Sơn, Sao Việt... tăng khoảng 5%. Tại hệ thống Co.op mart, ba nhóm hàng nhập khẩu là rượu, nước giải khát, đồ hộp với khoảng 50 mặt hàng tăng giá từ 5 - 10%.

Theo nhiều tiểu thương, khả năng hàng thực phẩm trở về mức giá cũ là khó, vì tâm lý người bán hàng, kể cả bán lẻ và bán buôn đều muốn nhân dịp sau Đại lễ tăng giá lên chút ít để kiếm lời nhiều hơn.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho rằng, ở các siêu thị lớn tuy không xảy ra chuyện tăng giá, sốt giá nhung lại diễn ra tình trạng khan hiếm một số hàng hóa thiết yếu khiến người tiêu dùng phải mua ngoài siêu thị. Đây là dịp để những điểm bán lẻ tăng giá, bắt chẹt khách hàng.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội nhìn chung giá các mặt hàng thực phẩm thuộc diện bình ổn đều giữ ổn định so với ngày thường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá trong 10 ngày diễn ra đại lễ.

Sức mua tại các siêu thị tăng khoảng 30-50% so với trước. Trong đó, Intimex tăng 50%, Hapro tăng khoảng 20-30%, Co.op Mart tăng khoảng 50%, Big C tăng 50% so với ngày thường.

Với tình hình như vậy, dự báo chỉ số CPI của tháng 10 có nhích lên nhưng không gây đột biến.

Về các điểm bán hàng bình ổn giá, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sức mua tại các điểm bán hàng bình ổn giá còn hạn chế. Do tập quán tiêu dùng của người dân Việt Nam chủ yếu mua các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm… tại chợ truyền thống, chợ cóc.

Trong khi đó, khi thực hiện chương trình bình ổn, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc dự trữ các mặt hàng tươi sống do không tìm được nhà cung cấp chấp nhận ký các hợp đồng nguyên tắc lâu dài, đảm bảo ổn định giá.

Thêm vào đó, hệ thống kho dự trữ bị phân tán, chủ yếu ở ngoại thành nên việc vận chuyển vào nội thành gặp nhiều khó khăn khi giao thông thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả hàng hóa, gây khó khăn cho công tác bình ổn giá.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, công tác chuẩn bị hàng hóa bình ổn giá được triển khai rộng khắp, Công ty Vinh Anh chịu trách nhiệm cung cấp ra thị trường 30 tấn lợn hơi tương đương 300 con mỗi ngày. Công ty Minh Hiền đảm nhận cung ứng ra thị trường khoảng 150-180 con lợn trong một ngày. Tổng số lợn hơi dự trữ cho đại lễ vào khoảng trên dưới 3.500 con.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng thực hiện dự trữ 76 tấn gạo, 18 tấn thịt gia súc, 32 tấn thịt gia cầm, 24.000 quả trứng gia cầm, 41 tấn thủy, hải sản, 59 tấn thực phẩm chế biến,136.000 lít dầu ăn, 26 tấn đường RE, 78 tấn rau, củ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật