Đoàn Quang Anh Khanh: Chấp nhận rủi ro để chiến thắng bất ngờ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với doanh nhân Đoàn Quang Anh Khanh, điện ảnh là niềm đam mê, nhưng làm điện ảnh thì cũng phải ra tiền…
Đoàn Quang Anh Khanh: Chấp nhận rủi ro để chiến thắng bất ngờ
Nếu theo đuổi đam mê với một cái “dạ dày” trống trơn thì thật sự tôi không làm được. Những điều sáo rỗng không tồn tại trong đầu tôi

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, phải làm rất nhiều công việc, kinh doanh nhiều lĩnh vực, làm bầu show, rồi nhảy sang làm phim, và bây giờ đang là giám đốc một hãng phim tư nhân, anh có nghĩ mình là người thức thời, thành công vì chọn đúng “mục tiêu”?

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là người thành công cả. Nhưng tôi luôn tự tin tôi là người trưởng thành, hay nói đúng hơn là thành nhân… Nói như vậy để thấy, tôi đã đi qua rất nhiều khổ ải của cuộc đời (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và tôi đã đi chính bằng đôi chân của mình. Tôi là tuýp người thích được làm những gì mình yêu thích nên tôi yêu câu nói “tiền bạc là phương tiện của những kẻ thông minh, là mục đích của những kẻ ngu ngốc”.

- Có vẻ anh chọn phim ảnh vì lý do kinh tế hơn là đam mê?

Với tôi là cả hai. Theo tôi, “có thực thì mới vực được đạo”. Những điều sáo rỗng không tồn tại trong đầu tôi, tôi yêu sự thật đến mức trần trụi. Tôi nghĩ, cuộc sống luôn luôn tồn tại nhiều khía cạnh cùng một lúc… Điện ảnh là niềm đam mê của tôi, nhưng tôi ý thức rằng làm điện ảnh cũng phải ra tiền. Đó là cách giải quyết niềm đam mê của tôi. Tuy nhiên, tôi không phải làm phim chỉ để kinh doanh kiếm tiền, mỗi tác phẩm của tôi đều đưa ra thông điệp, dù lớn hay nhỏ.

- Cùng là lĩnh vực giải trí, anh có nghĩ cạnh tranh kinh doanh trong giới showbiz có giống với cạnh tranh trong phim trường?

Đã là kinh doanh thì lĩnh vực nào cũng phải cạnh tranh, nhưng mỗi lĩnh vực mang một hình thái riêng. Tôi không quan tâm lắm về góc độ cạnh tranh trong ngành, cả kinh doanh lẫn nghệ thuật, vì doanh nghiệp của tôi không phải là một doanh nghiệp lớn… nên cũng không ảnh hưởng lắm đến những người xung quanh. Tôi lại là người luôn tìm hướng đi mới nên cũng ít va chạm. Ví dụ: các nhà sản xuất phim khác họ chỉ có một công thức như: PR tốt cho phim, giành ngày chiếu đẹp (mùa Tết), đề tài thì đánh vào phần đông khán giả đến rạp (khán giả tuổi teen), và “chất một đống” ngôi sao vào phim như ca sĩ, ngôi sao thể thao… Tôi là người luôn tìm ra cách để làm ngược lại, đơn giản vậy thôi. Có thể đó cũng là một cách né tránh cạnh tranh…

- Nếu vậy, làm sao anh thu hút khán giả đến rạp khi gần như bỏ qua các yếu tố trên?

Tôi luôn cố gắng làm khác đi và cố gắng làm phim cho hay, thế thôi. Họ làm hài thì tôi làm bi, họ mà làm bi thì tôi lại đi làm chủ đề khác… Nói chung, vẫn còn rất nhiều khán giả không thích phim ảnh của chúng ta hiện nay, vậy nên tôi sẽ cố gắng làm phim để đi tìm những khán giả mới. Biết đâu tôi đúng thì sao? Tôi nghĩ, trong kinh doanh cũng cần lắm những yếu tố đột phá chứ! Huống gì đây lại là kinh doanh nghệ thuật. Tôi thích cảm giác hồi hộp, đấy cũng là cách biết chấp nhận rủi ro và biết thưởng thức một chiến thắng bất ngờ. Tôi luôn tin vào khả năng của tôi, niềm tin là thứ quý giá nhất mà tôi có.

- Bộ phim nào khiến anh phải đầu tư nhiều tiền nhất?

Bộ phim nhựa “Tình Cha”, tôi làm chậm vì không thích những đứa con tinh thần của tôi mang hình hài yếu ớt hay nhí nhố! Còn về phần đầu tư, chắc chắn là phim Tình Cha tốn nhiều tiền rồi, vì đây là phim nhựa.

- Thưa anh, liệu các bộ phim phải tìm tài trợ có làm ảnh hưởng đến ý tưởng của nhà làm phim? Có bao giờ anh từ chối tài trợ vì bị can thiệp quá sâu?

Như tôi nói, tôi chỉ mới làm phim nên không trải qua nhiều hình thức tài trợ hay xin cho gì đó… Nhưng quan niệm của tôi rất rõ ràng, nếu có duyên hợp tác với nhau thì làm, can thiệp nhiều quá thì tôi cũng không thích lắm. Làm phim vẫn có lợi nhuận mà! Cái chính là phải biết dung hòa giữa nghệ thuật và kinh doanh.

Bạn thử nghĩ xem, có một nhãn hiệu tài trợ nào đó bỏ ra một chút tiền cộng với cách làm phim gần như “quảng cáo trắng” thì đó có phải là thảm họa cho tác phẩm không?

- Anh vừa là nhà kinh doanh, vừa là đạo diễn, anh xác định làm phim phải có lời. Vậy cách chọn diễn viên của anh thế nào?

Tôi nghĩ, tính không chuyên nghiệp cũng là căn bệnh trầm kha của điện ảnh nước nhà hiện nay. Với tôi, làm phim nên chọn diễn viên cho phù hợp với tính cách nhân vật trước và đảm bảo phải diễn xuất tốt. Hiện tại công nghệ làm phim mới có phần casting để tìm kiếm diễn viên… Còn đưa các sao vào phim để tìm kiếm khán giả cũng là một cách làm tự nhiên thôi, nhưng cơ bản là những ngôi sao của lĩnh vực khác họ phải đảm bảo là diễn xuất tốt.

- Trong nghề làm phim, mối quan hệ giữa các diễn viên cũng như giữa diễn viên với đạo diễn luôn luôn phức tạp, rất dễ nảy sinh những bất đồng. Vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn trực tiếp chỉ đạo diễn xuất, hẳn anh cũng gặp những lúc phiền lòng, lúc đó anh giải quyết ra sao, dung hòa bằng cách nào?

Ngành nghề nào, môi trường làm việc nào cũng có những khó khăn và thuận lợi. Không ai tránh khỏi có những lúc gặp phải những chuyện phiền lòng. Cách giải quyết thì tùy vào mức độ phức tạp của vấn đề hay sự việc, mỗi vấn đề sẽ có một cách giải quyết khác nhau. Nhưng tôi thì luôn chọn cách hành xử theo lý hơn là tình, đơn giản vì tôi yêu lẽ phải… Cho dù có tổn thất nhưng tôi luôn làm theo lẽ phải và tôi muốn lẽ phải phải thắng. Tôi ghét câu nói “trăm cái lý không bằng tí cá‌i tìn‌h”.

- Có người nhận xét, với thị trường phim Việt, phim nào PR nhiều thì phim đó thắng. Anh thấy họ nói có đúng không? Anh thường dành bao nhiêu phần trăm trên tổng chi phí để dành cho việc PR trước khi phim công chiếu?

Tôi thấy họ nói đúng đấy, nhưng chưa phải là tuyệt đối vì đa phần là không có các bộ phim hay thật sự để cuốn hút người xem. Tuy nhiên ở góc độ nào đó, cách nhìn vấn đề trên cũng chưa có cơ sở, vì chưa có những bộ phim hay khác để so sánh, để biết thêm. Ở một thị trường chưa chuyên (từ nhiều khâu) thì yếu tố hên xui quyết định cũng lớn (cười).

- Là một nhà sản xuất, có bao giờ anh bỏ công sức để nghiên cứu xem nhu cầu của người tiêu dùng, cụ thể là người xem quan tâm đến gì không? Thường anh làm phim theo ý tưởng của mình hay từ một nhu cầu nào đó của khán giả?

Tôi làm việc gì cũng có suy tính rất kỹ và có những tính toán riêng. Nhưng tôi không thích lối suy nghĩ rập khuôn và giống người khác. Bắt chước là văn hóa của loài khỉ và két. Tôi cũng không thích tôi là một cỗ máy photocopy, mặc dù nó là hàng hiệu nhưng nó vẫn là một cỗ máy photocopy, không hơn không kém. Người vẽ tranh khác với người sao chép tranh ở chỗ là người sao chép vẽ liền tù tì một bức tranh đẹp mà khỏi phải suy nghĩ sáng tạo. Nhưng những bức tranh đó chỉ bán và treo trong các quán ăn mà thôi. Ở ta hiện nay, người sao chép dễ sống hơn là người sáng tác. Nhưng chắc chắn một điều, người sao chép khó phất lên bất ngờ.

- Anh thấy cái khó nhất trong vấn đề làm phim tư nhân hiện nay là gì?

Nói đến khó khăn thì muôn vàn khó khăn. Làm phim cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Nhưng cũng phải “sống chung với lũ” thôi!

- Câu hỏi cuối, anh nghĩ mình thành công được như hôm nay là nhờ vào điều gì?

Tôi không nghĩ mình đã thành công. Nhưng tôi được như hôm nay là nhờ có ý chí và niềm tin từ bản thân tôi. Tôi luôn tìm cách thoát khỏi những nỗi sợ hãi vu vơ. Tôi yêu cuộc sống và yêu luôn những khó khăn hay những gì tôi mất mát. Thế nên mới có một kiểu người như tôi ngày hôm nay. Tôi chỉ biết làm việc và không sợ những khó khăn ập đến.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Nguồn:dddn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật