Hai loại tên lửa Trung Quốc bị nghi đưa ra Trường Sa

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tên lửa YJ-12B và HQ-9B Trung Quốc bị nghi bố trí trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông từng được đánh giá là vũ khí đối phó tàu sân bay Mỹ.
Hai loại tên lửa Trung Quốc bị nghi đưa ra Trường Sa
Ảnh minh họa

Trung Quốc trong 30 ngày qua đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, CNBC News hôm qua dẫn các nguồn tin am hiểu trực tiếp báo cáo tình báo Mỹ cho biết.

Dù giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận, các nguồn tin giấu tên cho biết vũ khí do Bắc Kinh triển khai gồm tổ hợp tên lửa chống hạm YJ-12B và phòng không tầm xa HQ-9B.

Nếu thông tin được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Là những vũ khí chuyên tạo vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), YJ-12B và HQ-9B được coi là công cụ để Trung Quốc đối phó với nhóm tác chiến tàu sân bay và không đoàn trên hạm của Mỹ ở Biển Đông, theo Military Today.

Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B

YJ-12B là tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay tương tự dòng Kh-31 của Nga, nhưng có hình dáng tương tự mục tiêu bay GQM-163 Coyote của Mỹ. Loại vũ khí này có thể trang bị cho oanh tạc cơ H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16.

Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết biến thể YJ-12B có tầm bắn tối đa 545 km và tốc độ 4.940 km/h nếu phóng từ độ cao lớn, nhưng thông số này sẽ giảm đáng kể nếu tên lửa phải bay thấp, gần mặt biển.

Sau khi được phóng từ máy bay, tên lửa YJ-12 sẽ giảm độ cao xuống còn 15 m trong pha cuối tiếp cận mục tiêu. Điều này khiến tàu chiến chỉ có khoảng 45 giây để phát hiện và đánh chặn tên lửa.

Mô hình quả đạn YJ-12 được Trung Quốc giới thiệu. Ảnh: Sina.

YJ-12 được trang bị đầu đạn 205 kg, nhưng tốc độ hành trình lớn khiến nó đạt sức sát thương tương đương đầu đạn 400-500 kg trên tên lửa hành trình cận âm. Quả đạn có thể áp dụng nhiều động tác cơ động để vượt qua lưới phòng không quanh mục tiêu.

YJ-12 từng được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Nếu được trang bị cho tiêm kích J-11, Trung Quốc có thể tiến công hàng không mẫu hạm Mỹ cách nơi xuất phát tới hơn 1.900 km, vượt hơn cả tầm bắn của tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D. Phương án đối phó hiệu quả nhất của hải quân Mỹ là phát hiện máy bay mang YJ-12 từ khoảng cách xa, tiêu diệt chúng bằng tên lửa phòng không SM-6 có tầm bắn 495 km trước khi chúng kịp phóng đạn.

Tên lửa phòng không HQ-9B

HQ-9 là tổ hợp phòng không tầm trung - xa do Trung Quốc phát triển, tương tự hệ thống S-300 Nga. Một số nguồn tin cho rằng HQ-9 được phát triển dựa trên công nghệ tên lửa S-300, trước khi được đưa vào biên chế năm 1997.

Quả đạn HQ-9 ứng dụng thiết kế hai tầng với hệ thống đẩy vector (TVC) giống mẫu S-300V. Biến thể đầu tiên sử dụng bệ phóng nghiêng dạng hộp chữ nhật như lá chắn MIM-104 Patriot của Mỹ, nhưng có kích thước rất lớn do Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển tên lửa dùng nhiên liệu rắn. Các phiên bản hiện nay được đặt trong ống hình trụ và có thể phóng thẳng đứng nhờ công nghệ "phóng lạnh" của Nga.

Tên lửa HQ-9 bắn diễn tập

Biến thể mới nhất của HQ-9B có tầm bắn khoảng 295 km, sử dụng cơ cấu dẫn đường quán tính có cập nhật giữa hành trình. Trong pha tiếp cận mục tiêu, radar bán chủ động ở mũi tên lửa sẽ được kích hoạt để tăng độ chính xác. Phiên bản HQ-9B thử nghiệm từ năm 2006, được bổ sung đầu dò hồng ngoại để diệt mục tiêu trong môi trường bị gây nhiễu mạnh.

Một tổ hợp HQ-9 gồm 8 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi TEL mang được 4 quả tên lửa. Để tiết kiệm chi phí, hệ thống này có thể sử dụng nhiều loại radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực khác nhau để phát hiện, tấn công mục tiêu. HQ-9 được cho là có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, dù tính năng này khá hạn chế.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Từ năm 1988, nước này cho quân chiếm đóng trái phép một số đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 8205
  1. Đưa vận tải cơ ra Trường Sa, Trung Quốc có thể chuẩn bị quân sự hóa quy mô lớn
  2. Trung Quốc triển khai phi pháp máy bay quân sự và 15 tàu chiến tại Trường Sa
  3. Trung Quốc ‘châm lửa’ trên biển Đông
  4. Tên lửa Trung Quốc đặt ở Biển Đông đe dọa các nước trong khu vực
  5. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa
  6. Tên lửa mà Trung Quốc đặt phi pháp ở Trường Sa có tầm phóng tới Nha Trang
  7. Biển Đông: Trung Quốc kéo tên lửa xuống Trường Sa, Mỹ tuyên bố “sẽ có hậu quả“
  8. Mưu đồ quân sự hóa biển Đông
  9. Tên lửa Trung Quốc bị nghi đưa ra Trường Sa có thể thách thức hải quân Mỹ
  10. Có thể thổi bùng căng thẳng khu vực
  11. Trung Quốc lén lút đặt tên lửa ở Trường Sa, Philippines vẫn tin vào ‘tình hữu nghị’
  12. Mỹ, Úc, Philippines phản đối quân sự hóa biển Đông
  13. Báo Mỹ: Trung Quốc triển khai tên lửa ở Trường Sa nhằm mục đích tấn công
  14. Quan chức quốc phòng Mỹ quan ngại thông tin Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa
  15. Philippines tin mình không phải mục tiêu của tên lửa Trung Quốc ở Trường Sa
  16. Tầm hoạt động của hai mẫu tên lửa Trung Quốc bị nghi đưa ra Trường Sa
  17. Điều tên lửa ra Trường Sa, Trung Quốc sắp hoàn tất quân sự hóa ở Biển Đông
  18. Mỹ cảnh báo hậu quả vụ Trung Quốc lắp đặt tên lửa ở Trường Sa
  19. ‘Tên lửa Trung Quốc đặt trái phép ở Trường Sa là mối đe dọa tấn công rõ ràng’
  20. Mỹ phản ứng sau khi có tin Trung Quốc đặt tên lửa phi pháp tại Trường Sa
  21. Trung Quốc dàn tên lửa ở Biển Đông, Mỹ phẫn nộ cảnh báo về hậu quả
Video và Bài nổi bật