Người giải cứu em Bình bị ’khủ‌ng b‌ố’ điện thoại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi một số cán bộ địa phương bị bãi nhiệm và kiểm điểm, bà Hà Kim Bình (người giải cứu em Bình khỏi quán phở) liên tục bị "khủ‌ng b‌ố" điện thoại với những lời lẽ tục tĩu.
Người giải cứu em Bình bị ’khủ‌ng b‌ố’ điện thoại
Bà Bình ngồi trầm ngâm cùng chiếc bằng khen vừa nhận được cách đây ít hôm. Ảnh: T.D.

"Vì bà mà người ta mất chức mất quyền, vợ con người ta đói khổ. Bà còn thanh minh cái gì? Không vì bà cứu con ôsin nhà quê thì làm sao mà các ông ấy bị về vườn", bà Bình kể lại nội dung cuộc điện thoại.

Không chỉ chửi bới, giọng nữ qua điện thoại còn đe dọa cuộc sống gia đình bà Bình. Người phụ nữ 70 tuổi này đã làm đơn gửi công an phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) báo cáo vụ việc.

"Biết trước sau mình sẽ phải chịu những hậu quả này nhưng 70 tuổi rồi mà bị chửi bới như vậy, tôi thấy buồn lắm. Có lẽ xong việc của cháu Bình, tôi sẽ vào trang trại của con gái chứ chắc không thể sống ở đây được", bà lão buồn bã nói.

Một số người bán hàng ở chợ trên phố Chính Kinh cũng thừa nhận có một phụ nữ đã to tiếng với bà Bình ngay giữa chợ sau khi xảy ra vụ em Bình. "Nhưng tôi chỉ biết thế thôi. Đừng hỏi gì thêm", một người bán hoa quả lạnh lùng nói.

Trao đổi với Phóng viên, Trung tá Đào Văn Hoàn, Đội trưởng Đội điều tra về tội phạm trật tự xã hội Công an quận Thanh Xuân cho biết đã nhận được đơn tố cáo của bà Bình.

Sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, quận Thanh Xuân đã yêu cầu UBND phường Nhân Chính phải kiểm điểm trách nhiệm. Tổ trưởng dân phố, chi hội phụ nữ nơi xảy ra vụ hành hạ Nguyễn Thị Bình đã bị bãi nhiệm.

Còn bà Hà Kim Bình đã được nhận bằng khen của Chủ tịch thành phố vì thành tích dũng cảm cứu thoát cô gái bị chủ quán phở hành hạ nhiều năm.

Con trai chủ quán phở: "Em không bỏ học"

Gần chục ngày qua, từ khi bố mẹ bị bắt, cậu học sinh lớp 11 này phải bắt đầu cuộc sống tự lập.

"Một số lần em thấy bố mẹ đánh chị Bình như dùng que vụt vào mông. Sau những lần đó, em đều ngồi khuyên chị nên biết cách ứng xử để cả hai bên cùng hòa thuận", giọng cậu run run.

Em cho biết, sự việc xảy ra, em thấy chán nản nhưng mọi người vẫn đối xử với em bình thường và khuyên tiếp tục đi học. Ngay cả bạn bè trong lớp cũng giúp đỡ chứ không trêu chọc.

"Mấy hôm trước em nghỉ học là do công an quận triệu tập lên lấy lời khai, nhưng tuần này em đi học bình thường. Dù buồn đến mấy, em cũng không thể bỏ học", cậu nói.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã cử người tiếp cận với em Nguyễn Thị Bình để tìm hiểu nguyện vọng cũng như tạo điều kiện cho em được học chữ, học nghề, Quan điểm của bà là cần tạo việc làm thích hợp, thay vì em lại đi làm công làm thuê.

Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát tất cả trẻ em trong độ tuổi không được phép sử dụng lao động và các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.

Tiến Dũng - Đoàn Loan

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật