Nàng còn hấp dẫn lắm

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của "Bà tôi" và "Giọt sương bay lên" đem lại cho Nguyễn Vĩnh Tiến không ít bất ngờ. Nhưng anh tâm sự không bao giờ muốn "ly dị" với "nàng thơ" vì đó là đam mê của anh.
Nàng còn hấp dẫn lắm
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Nghề chính của Nguyễn Vĩnh Tiến là kiến trúc sư, nghề phụ là làm thơ. Điều ấy đeo bám anh gần 10 năm nay gần như không có gì thay đổi. Thời gian gần đây, bằng sự xuất hiện những ca khúc Bà tôi, Ông tôi, Giọt sương bay lên, anh nổi tiếng bằng tất cả sự nổi tiếng trước nay của anh cộng lại. “Con đường âm nhạc” của nhân vật đa tài này hoá ra là cả một câu chuyện dài.

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Bà tôiGiọt sương bay lên đã đem lại cho anh không ít bất ngờ, nhất là những “hệ quả” của nó. Ca từ của Bà tôi được cất lên từ miệng một em bé hoặc một cụ già, cái câu “héo mòn một xâu” trở thành câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ khi gặp một “sự cố” nào đó là điều đem đến những sự cảm động và những xúc cảm riêng cho anh.

Tất nhiên, đi kèm với những thành công ấy là áp lực, phải vượt qua được chính mình trong những tác phẩm tiếp theo. Song, dường như bất cứ khi nào Tiến cũng cảm thấy tự tin vào nội lực của chính mình. Hơn nữa, sau khi đem hai “đứa con” tham gia Bài hát Việt, anh có thêm nhiều kinh nghiệm về việc hoàn thiện một bài hát trong cả một chuỗi công đoạn của nó, anh cũng có thêm nhiều người bạn “pro” và nhiều sự kết hợp mới. Điều đó có nghĩa là, trong một tương lai không xa, những người thích nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến lại có lý do để chờ đợi những tác phẩm mới của anh.

Nhiều người đánh giá nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến là thứ nhạc dân gian đương đại. Anh thích cái ý đó. Và mặc dù người ta còn đang tranh cãi rất nhiều về cái từ “đương đại” rối rắm, anh nghĩ một cách đơn giản, đương đại là một sức sống đang trôi song hành với chúng ta. Hay nói như triết gia Pháp Berson, đương đại là một “đà sống”.

Điều đó cũng có nghĩa tất cả chúng ta đều đang sống trong “đương đại” với một chút gia vị của tương lai và một sự dày đặc của quá khứ. Vô hình chung, một cách tự nhiên, anh có ý thức mình cũng đang gồng gánh “đương đại” trên vai. Các yếu tố mới mẻ trong tác phẩm của anh vì thế đều có vẻ tự nhiên, không cần phải cố gắng nhiều. Và trong những phút mình tự đối diện mình một cách sòng phẳng nhất, anh vẫn biết mình quả có hơi nghiêng về quá khứ.

Những người nghe Bà tôi và Giọt sương bay lên rồi sau này là Bóng anh hùng, Ông tôi đều nghĩ nhạc sĩ không chuyên Nguyễn Vĩnh Tiến viết dễ dàng. Anh không phủ nhận điều đó. Có những lúc anh viết rất đột ngột và thăng hoa, lại có lúc ấp ủ nghĩ suy và phải mất một thời gian rất dài mới hoàn thành tác phẩm.

Có nhiều giai điệu đẹp hình thành ngay khi anh đang đi trên đường và Tiến phải lập tức “ký âm” bằng chiếc điện thoại di động. Trong những trường hợp đó, ca từ đành phải “lẽo đẽo theo sau”. Có những bài hát anh chỉ hoàn thành trong vòng nửa tiếng. Ngược lại, có những bài ám ảnh anh tới 10 năm ròng.

Nói gì thì nói, chỉ riêng gần chục ca khúc đã đủ khẳng định thứ bậc và khả năng âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến. Vinh quang nó mang lại cho anh không ít. Có người đã sợ anh bỏ thơ. Nhiều người thân với anh vẫn nhớ câu chuyện ở Ngày hội thơ rằm tháng Giêng tại Văn Miếu. Nhà thơ Trúc Thông tìm gặp anh nói: "Tiến ơi, cháu đừng bỏ thơ nhé”. Nguyễn Vĩnh Tiến cười: “Bọn cháu cưới hỏi đàng hoàng từ hơn chục năm nay, dễ gì mà li dị được, nàng còn hấp dẫn lắm”. Ngay chính những người sành nhạc cũng phải công nhận, chính vì Tiến đã qua một thời gian dài “rèn chữ” cho nên ca từ của anh rất ổn.

Nguyễn Vĩnh Tiến trong mắt nhạc sĩ Nguyễn Cường

Thú thực sau khi nghe Bà tôi Giọt sươg bay lên cá nhân tôi coi Nguyễn Vĩnh Tiến như một hiện tượng âm nhạc Việt Nam. Tiến đã chứng minh cho lớp nhạc sĩ bọn tôi là “các ông đã hết thời”. Tiến đại diện cho một thế hệ mới đang loé lên và phần nào cũng đã định hình.

Suốt từ khi Bài hát Việt ra mắt đến nay, hay nói chính xác hơn là từ nhiều năm nay tôi mới được nghe một bài hát cảm động và gây “sốc” đến thế. Trước nay chỉ có hai bài hát khiến tôi phải cầm bút viết ra cảm xúc về nó. Đến Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến là bài thứ ba. Có người nói Bà tôi là bài hát không mang sắc màu hiện đại, thời cuộc. Tôi không nghĩ vậy, hiện đại chính là cái truyền thống được thời đại mới chấp nhận, đó mới là cái hiện đại bền vững. Bà tôi của Tiến làm được điều đó.

Cách nhà văn Châu Diên hiểu và yêu nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến

Sự tình cờ đã dun dủi tôi gặp Nguyễn Vĩnh Tiến tại buổi khai mạc phòng tranh của họa sĩ Đinh Ý Nhi. Khách về đã vãn, còn lại một nhóm người ngồi hát chơi với nhau, và tôi bỗng được nghe Tiến hát bài Bà tôi. Trước đó, anh chỉ ngồi im lặng ở một góc phòng ồn ào tiếng vui đùa tranh cãi. Thế rồi anh bỗng cất tiếng hát bài do anh viết, không có nhạc đệm, hát như thể người chợt bà mình chứ không phải hát kiểu người biểu diễn.

Trở về nhà, tôi nghe lại đôi ba lần cho kỳ thuộc bài Bà tôi của anh. Qua cái yêu bất chợt ban đầu, tôi thử tự ngẫm nghĩ cái nguyên cớ gì làm mình thích bài hát đó. Bài hát có cái tứ thơ ngang bằng giá trị với những tứ thơ đã tạo nên sự riêng biệt của nhiều ca khúc của các tác giả đàn anh khác. Khác nhau là ở cách triển khai tứ thơ của riêng Nguyễn Vĩnh Tiến.

Tứ thơ " Một mình bà đội cả trời nắng to" được Nguyễn Vĩnh Tiến mở rộng ra hình như với đóng góp bằng thế mạnh của người làm thơ kiêm kiến trúc sư. Những hình ảnh tạo nên cái khung nhà của anh là những mảng hội họa dùng trong nghề xây dựng. Cái làng quê bà nương thân với những con đường quanh co quanh co quanh co.

Rồi ta còn thấy Tiến vẽ lại cái bước chân của bà lúc lắc và cái dáng bà "héo mòn một xâu" đi trở lại con đường làng ấy. Để rồi cuối cùng trở lại cái tứ ban đầu bà đội nắng đứng dõi theo đứa cháu, đời nó đã sướng hơn đời bà nhưng sao bà vẫn thấy nó tội nghiệp hơn mình. Tôi chưa có dịp nào nói với Tiến rằng khi nghe anh và nghe Enrico Macias hát, tôi thấy nhiều khi mình muốn lau nước mắt. Tôi mong đợi anh viết nhiều hơn chút nữa, vì một khối lượng ồ ạt sẽ củng cố cái phẩm chất manh nha trong Bà tôi Giọt sương bay lên.

 (Theo Pháp Luật & Xã Hội)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật