’Tôi yêu tiếng nước tôi’

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 2 năm trở về Việt Nam với tâm trạng mừng rỡ mà vẫn có lúc "chưa thể nào tin được", đến nay, nhạc sĩ Phạm Duy đã khẳng định: "Tôi về ở hẳn quê nhà". Với một con người phức tạp như ông thì điều giản dị ấy đã đi qua cả một đời người.
’Tôi yêu tiếng nước tôi’
Nhạc sĩ Phạm Duy.

- Hai năm đủ để ông nhìn thấy nhiều điều. Ông thấy gì ở mình và ở Việt Nam?

- Tôi là người sòng phẳng. Về đây là để xoá hết mọi thành kiến. Tôi thấy chính quyền nay hết sức rộng rãi. Nước mình khá hơn trước nhiều, về mọi phương diện, chỉ có âm nhạc là có phần kém đi. Khán giả không phải khó tính, nhưng đã qua rồi lối làm nghệ thuật chân thật. Nhạc không có gì là sáng tạo cả.

- Thế còn những "nỗi đau buồn, cay đắng" của riêng ông thì sao?

- Nhiều người Việt Nam mình mà đến tuổi 70 thì thường thấy buồn rầu, cay đắng. Nói chung là họ thường hay yếm thế. Nhưng nếu là bạn bè, tôi sẽ chỉ cho họ ngay, là họ phải tập thiền đi để quên hết mọi chuyện. Tôi thiền không giống như người ta. Thiền của tôi là giác ngộ, là nhìn thấy cuộc đời. Thiền là thở. Khi tôi thấy nặng lòng, thở xong là hết cả. Hai là phải biết tha thứ.

Có những người tha thứ nhưng không quên được. Có những người quên được nhưng lại không tha thứ. Mình phải sống thật đại lượng. Con người sinh ra đã là vô lượng. Bây giờ ngay cả khi con cái, bạn bè có chuyện làm mình buồn hay cả khi bị người khác chơi xấu, tôi cũng đều bỏ qua.

Tôi luôn lạc quan. Mình phải có nhân sinh quan, làm người mà không đại lượng thì khổ. Phải biết quên, biết cảm ơn, đạo nào cũng dạy người ta thế. Khi hiểu ra, con người phải có đời sống tâm linh. Khi tôi về Việt Nam, tôi lần lượt gặp những người bạn cũ. Gặp lại nhau, không nói gì nhiều, chỉ nhìn nhau thôi.

- Ông có dự định gì khi về ở hẳn Việt Nam?

- Nhà thì Công ty Phương Nam cho tôi và các con ở, không phải lo nữa. Còn tôi cố vấn cho Duy Quang mở phòng trà Văn Nghệ, sau đó chuyển sang phòng trà Tình ca. Mừng là già rồi mà vẫn còn có ích cho con và chúng rất nghe lời cha, dù có đứa đã 60 tuổi.

- Đại gia đình Phạm Duy đã trở về đông đủ ở Việt Nam. Ông cảm thấy thế nào?

- Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức đang ở với tôi. Đức thì vẫn qua Mỹ ở 6 tháng, làm nghề chụp ảnh phổi. Con gái thì không nói làm gì, đã lấy chồng thì thôi. Suốt đời tôi dành cho con cái, đứa nào không phải lo là coi như nó thương mình.

Tôi nghĩ nghề này hết sức bạc bẽo, mình đẩy con cái theo nghề, nên phải bày vẽ những kinh nghiệm sống cho chúng. Nhiều nghệ sĩ bị thất bại, dù họ có tài hơn tôi. Người nào cũng chỉ có một thời, còn tôi, tôi có đến năm bảy thời. Ai không hiểu thì bảo tôi là kẻ theo thời. Thỉnh thoảng tôi cũng làm một vài điều dở, nhưng tôi nghĩ mình chọn đúng đời mình.

- Ông bảo mình có nhiều thời, vậy thời bây giờ ông sáng tác những gì?

- Có chứ. Tôi đang viết Truyện Kiều phần 4, đoạn Thuý Kiều gặp Từ Hải. Mười năm nay viết được 3 phần. Cũng có thể đó là bản nhạc dang dở. Không đặt tên là loại gì, không hẳn là nhạc kịch. Viết như mình thích, thế thôi.

- Nếu "cho đi lại từ đầu", ông sẽ viết đạo ca, tục ca, tình ca, hư ca, rong ca, thiền ca như thế nào?

- Trong sáng tác, tôi có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu sáng tác nhạc tình cảm dào dạt, hai con người, nam và nữ nghĩ về nhau. Giai đoạn thứ hai là nhạc xã hội, nhạc kháng chiến, phản chiến. Giai đoạn ba là nhạc tâm linh. Tôi đang ở "cái đuôi" của tâm linh. Bây giờ mà viết "anh yêu em" là nói láo.

- Vậy dự định lấy vợ của ông sao rồi?

- Lúc đầu, tôi cũng muốn bên mình có một người đàn bà, nhưng cuối cùng tôi lại thôi. Còn nếu nói về con người, thì tôi là người phóng dật. Khó tìm ra nghĩa của từ này, nhưng đúng là trong tình yêu, tôi không bao giờ có định kiến. Chính vì thế mà năm tôi 50 tuổi, vẫn có cô gái 1‌8 tuổ‌i yêu say mê. Trong tác phẩm của tôi, khi nào cũng có tình yêu, khi tinh thần, lúc xác thịt; khi nào cũng có một hình bóng nào đó. Nhưng vẫn có một hình bóng lớn nhất bao trùm lên những bài hát ấy, mà tôi xin không nói ra.

Cuộc đời này đẹp lắm. Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Bởi thế mà tôi phải trở về Việt Nam, vì nếu không về, sang năm người ta quên hết. Mình không có mặt thì người ta quên. Người Pháp có câu nói: "L'absent a toujours tort - Kẻ vắng mặt luôn là kẻ lầm lẫn". Tôi là kẻ luôn luôn hiện sinh, theo nghĩa lúc nào tôi cũng sống.

(Theo Lao Động)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật